Tam thường bất túc

Một phần của tài liệu Luận Văn Phật Giáo_Tìm Hiểu Kinh Di Giáo (Trang 67 - 74)

3. Kinh Di Giáo với các bản Kinh liên quan

1.1.3. Tam thường bất túc

Đức Phật đã từng khuyên bảo các vị xuất gia là muốn đi tới trên đường đạo nghiệp và trang nghiêm pháp thân thì phải biết sống một cuộc sống tam thường bất túc, nghĩa là trong ba cái ăn, mặc, và ở đừng bao giờ đầy đủ quá. “Phần đông cứ bị đam mê trong lề thói hưởng thụ ấy mà không để ý đến chuyện ngày tháng qua mau, khi giật mình tỉnh dậy thì đầu mình đã bạc. Kẻ mới học đạo chưa có cơ hội tìm thấy hướng đi thì phải hết lòng học hỏi rộng rãi với các bậc đi trước có nhiều kinh nghiệm, đừng làm như thể xuất gia là chỉ vì miếng cơm manh áo.”

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dầu có sự thay đổi về đời sống sinh hoạt để phù hợp với truyền thống văn hóa tập tục của mỗi dân tộc, luật pháp của mỗi quốc gia nhưng sự thực tập về đạo lý “tam thường bất túc” vẫn còn giá trị và ý nghĩ vi diệu miên viễn. Trong nhân gian, các nước chiến tranh đả kích nhau, quyến thuộc xung đột bất hòa nhau, người người chống báng hiềm hận nhau, xã hội ngập tràn tệ nạn rối ren, muôn loài điêu linh, môi sinh thảm hại…đều phát sinh từ lòng tham dục vô cùng tận của con người. Thế nhưng, không một ai đủ tỉnh thức để giật mình trước sự gieo rắc hiểm họa của tâm tham đó. Sự thay đổi khí hậu, thiên tai bùng phát khắp nơi, nguồn nước đang khan hiếm, thế giới môi sinh đang hấp hối trong tuyệt vọng…phải chăng nhân loại làm ra? Tâm tham đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sống nhân loại nói chung và bản thân của chủ thể tâm tham đó nói riêng. Thủ thuật “tam thường bất túc” và định lý “thiểu dục tri túc” là phương thức giải quyết các bài toán đố trong gia đình, ở xã hội, và cả quốc gia.

Ðức Phật dạy trong kinh văn: "Thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể khỏi đói khát"[69, tr.16]. Coi ăn uống như là thuốc trị bệnh là đúng cả nghĩa đen của nó, ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể, chữa bệnh đói khát. Ngon không ham, dở không bỏ tức là đạt được khả năng hộ trì các căn, tâm không bị ngon dở

làm chi phối, dao động. Kinh Ganaka Moggalla, Phật dạy:

"Thầy Tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quán sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân thể mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh, ăn để diệt trừ cảm thọ cũ, không cho cảm thọ mới khởi lên, nhờ đó mà sống không phạm lỗi lầm và sống an ổn."[38, tr.606]

Thái độ của người xuất gia đối với ăn uống rất rõ là ăn uống vừa phải để khỏi hại thân và để tu tập phạm hạnh, không vì ăn uống mà tham sân si khởi, chướng ngại sự tu tập cho mình. Ðể thực tập chế độ ăn uống, luật Tỳ ni nhật dụng đưa ra 5 điều quán niệm trước khi ăn như sau:

1. Xét kể công lao nhiều ít và ước lượng lý do của thực phẩm.

2. Nghĩ kỹ đức hạnh của mình đủ hay thiếu để ứng thọ sự cúng dường ấy. 3. Ðề phòng tâm lý, tránh những tội lỗi mà tham sân si vẫn là chủ yếu. 4. Chính vì lấy thực phâûm làm dược phẩm tốt để trị liệu thân hình khô yếu 5. Vì thành đạo nghiệp mà ứng thọ thực phẩm ấy.

Chúng ta ngày nay, “dùng của thí chủ, ăn của thường trú, không xét kỹ vì sao có của ấy, lại bảo rằng lẽ tự nhiên là phải hiến cúng”; trong Luật đã nhắc nhở, mặc nhiên thọ hưởng của hiến cúng một cách vô tội vạ nhưng sinh hoạt tâm linh thì ngày càng trễ nãi, biếng nhác. Không ít trong số đó thuộc hạng người “mượn đạo tạo đời”, “ăn rồi, xúm đầu huyên náo, chỉ nói toàn chuyện tạp của thế gian”.Cứ mãi mê mờ trong vòng quay của vật chất lợi dưỡng, chưa từng biết “người xuất gia mà không thật chí tu hành thì mãi mãi mang nợ của đàn na thí chủ”. Đến nỗi, sẽ có ngày “phi mao đới giác, phụ trái hàm oan” hay đoạ lạc chốn địa ngục “ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi”.

Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy: "Này các tỳ kheo! Nhận lợi dưỡng của người rất nặng, chẳng phải dể, chẳng đến được vô vi. Vì sao thế? Vì quả báo của lợi dưỡng cắt vào da người. Vì cắt da liền đứt thịt, vì cắt thịt liền đứt xương, vì đứt xương liền thấu tuỷ. Này các Tỳ kheo hãy dùng phương tiện này liền biết rõ lợi dưỡng rất nặng. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng thì chớ sanh,

đã sanh thì khiến cho diệt. Như vậy các Tỳ kheo hãy học điều này" và Ngài Tĩnh Am cũng có pháp nhũ rằng: "...Nếu chẳng phải mình vận dụng hai đức bi trí, trang nghiêm hai quả phước huệ, để tín thí nhờ ơn, chúng sanh thọ sủng, thì dù gạo chỉ là một hạt, vải chỉ một ô mà mình thọ sủng trước kia nay điều phải trả đủ, không thì ác báo khó trốn". Thật vậy, thân khoác áo ca sa, sống trong hàng ngũ Tăng già mà không ý thức được cuộc đời vốn giả huyễn, danh lợi chỉ là cơn gió thoảng, không chịu huân tu đạo nghiệp, tiêu dùng hoang phí của tín thí đàn na, ngoài hiện “đường đường Tăng tướng”, nội tâm vọng niệm dối gian thì biết nói sao cho thuận lời trên danh nghĩa là người xuất thế?!

Người Phật tử tại gia đối diện với cuộc đời, đôi khi phải đổ cả máu, mồ hôi và nước mắt, nhưng với niềm tin vào đạo, vào ngôi nhà tâm linh, họ sẵn sàng vượt qua tất cả để góp phần cúng dường hỗ trợ cho cuộc sống của Tăng già. Cũng những con người ấy, có lúc hân hạnh cung đón những vị xứng đáng với câu “nhất Tăng đáo, nhất Phật lai”; nhưng cũng không ít lần họ nhận ra rằng trong đoàn thể Tăng già thanh tịnh, không ít vị đã để “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Từ đó, khiến tâm người sùng đạo nhỏ những giọt nước mắt đốt cháy tận gốc những gì mà họ đã tôn thờ, rồi tận đáy lòng trào dâng lên một niềm đau tuyệt vọng.

“Ai cày cấy cần cù, nuôi gia nương không đủ. Ta yên ổn thong dong, vẫn thấy chưa hài lòng”. Lòng tham của con người là không thể nào kể xiết, kể cả người xuất gia chưa thành thục với đạo lý Phật đà. Lòng tham ấy luôn ẩn tàng trong đời người, cứ đeo bám mãi trong kiếp sống nhân sinh, khiến bao người bị đánh cắp niềm tin, cho bao kẻ quay lưng, dứt bước đường theo đạo. Trong kinh đức Phật dạy: “Thọ dụng đồ ăn thức uống hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ cơ thể khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được

ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ”.[69, tr.16]

Tu tập tiết độ trong ăn uống, trang phục, chổ ở không chỉ ngăn ngừa những phiền não và chướng ngại cho bản thân mình mà còn vì lợi ích và niềm tin của quần chúng đối với Giáo hội và Phật Pháp. Kinh văn đức Phật dạy: "Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn hương sắc...thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát, không được tham cầu nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ". Làm "tổn hương sắc" hay "phá vỡ thiện niệm của họ" nghĩa là:

- Do mình nhu cầu nhiều, thí chủ phải cúng dường nhiều, làm thiệt hại tài sản của họ, họ bị kiệt sức.

- Vì đáp ứng nhu cầu của mình, hạnh phúc gia đình bị tổn thương do bất đồng quan điểm trong gia đình.

- Do mình trở thành gánh nặng dần dần họ mất niềm tin đối với đạo pháp qua tư cách của thầy tỳ kheo.

Người xuất gia có nhu cầu thực phẩm, y áo, sàng tọa và dược phẩm để sống mà tu tập phạm hạnh, không phải để thỏa mãn dục vọng. Ðối với các nhu cầu sinh tồn này nếu người xuất gia không chú tâm cảnh giác thì có khả năng biến thành nhu cầu hưởng thụ như muốn ăn nhiều, ăn ngon, muốn mặc sang, mặc đẹp...Tâm lý biết đủ là thỏa mãn với cái đang có không mong cầu gì hơn, cái khổ bao giờ cũng gắn liền với cảm giác không thỏa mãn, không vừa ý. Nếu ta thỏa mãn ta vừa ý thì hết khổ. Như ở kinh Phật dạy: "Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý". Người không biết đủ thì có bao nhiêu cũng cho là thiếu nên kinh gọi là "tuy giàu mà nghèo” [69, tr.26-27]. Ngược lại thì "tuy nghèo mà giàu", nghèo vì cảm giác thiếu thốn, giàu vì cảm giác thỏa mãn, vừa ý. Nguyễn Công Trứ, một nhà Nho cũng nói: "biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ". Đúng vậy, nếu chúng ta biết thực hành hạnh Thiểu dục tri túc thì khi một người giàu chưa hẳn là hạnh phúc hơn một người nghèo. Một người nghèo nếu biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc thì hạnh phúc hơn là một người giàu

không biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc, vì người giàu này vẫn khổ với cái khổ không bao giờ biết đủ của họ.

Kinh Tăng Chi đức Phật cũng có dạy: "Này các tỳ kheo, người biết đủ với các loại (y phục, thực phẩm, sàng tọa, dược phẩm) ta tuyên bố rằng đây là một trong những phần của sa môn hạnh"[33, tr.397].

Ngày nay nhu cầu của người xuất gia không chỉ 4 thứ y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm như xưa, có nhiều nhu cầu hiện đại hơn như nhà ở, phương tiện đi lại, máy móc phục vụ nhu cầu tri thức…Nếu hành giả không biết thiểu dục tri túc thì tham vọng nổi lên làm hào nhoáng vẻ đẹp vốn giả tạm ấy. Nghĩa là con người ấy đã đi xa, xa dần với giới luật mà đức Phật muốn truyền đạt cho đàn hậu học.Và con người ấy sẽ bị sa đọa vào lối sống trụy lạc, đôi khi vô tình đánh mất nhân phẩm của chính mình. Bởi thế, hình ảnh của một vi tu sĩ trẻ ngày nay đã bị thế tục hóa, người phật tử dần dần mất niềm tin vào chánh pháp, cơ hội cho ngoại đạo xâm nhập và thiếu đi sự kính trọng cho một vị Phật tương lai. Là hành giả cần biết đủ về nhu cầu vật chất để dành thời gian tu tập thiền định nhằm tô bồi thêm cho phẩm hạnh của một vị sa môn thích tử.

Vì thế người xuất gia muốn xa rời thế tục để không bị dục vọng cám dỗ, đã chọn cho mình một chổ thanh vắng nhất để chuyên tu, gạn lọc thân tâm để thấu rõ thêm về cuộc đời. Nếu không có thiện tri thức để kiểm soát và thúc liễm thân tâm cho mỗi hành giả. Khi hành giả ở nơi đông đúc, đồ chúng nhiều cũng dễ ảnh hưởng đến sự tu tập của mình, dễ gặp nhiều chướng duyên. Cho nên môi trường bên ngoài cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống phạm hạnh của một vị tu sĩ. Để chọn cho bản thân lối sống phù hợp là rất khó, nơi ở quá yên tĩnh cũng khó yên ổn, nơi ồn náo lại càng khó khăn hơn.

Nhưng trong Kinh đức Phật dạy:

“Ðã nếm vị độc cư

Không sợ hãi không ác Nếm được vị pháp hỷ”[27, tr.58] “Vui thay chúng ta sống Không rộn giữa rộn ràng Giữa những người rộn ràng Ta sống không rộn ràng”.[27, tr.57]

Nhưng đó chỉ là pháp lạc trong một thời gian ngắn ngủi, nó tồn tại miên viễn khi ta biết sống và hành hạnh thiểu dục tri túc trong pháp Tam thường bất túc .Vì vậy Kinh văn đưa ra thêm một thí dụ: "phải biết lượng sức con trâu của mình chịu đựng nhiều ít không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực". Ðồng nghĩa với đừng để thương tổn sắc hương của hoa, tương đương ví dụ như ong lấy hoa, Ðức Phật dạy:

“Như ong đến với hoa Không hoại sắc và hương Che chở hoa lấy nhụy

Bậc thánh đi vào làng”[ 27, tr.19]

Thường tưởng niệm chánh pháp là làm cho tà pháp không có cơ hội phát triển, thường tưởng niệm thì phải ít ngủ nghỉ, dành thì giờ nhiều hơn để tu tập, kinh văn dạy: "phiền não ngủ trong tâm như rắn hổ mang ngủ trong nhà, phải lo dùng móc sắc giữ giới cấp tốc kéo nó ra, rắn ra rồi mới yên tâm ngủ nghỉ. Phiền não ngủ trong tâm là những phiền não tùy miên rất khó đoạn trừ vì đó là tập khí tiềm ẩn huân tập lâu đời, vi tế khó biết, khó thấy. Nhờ giữ giới tức là nhờ chú tâm cảnh giác, định tĩnh ngày cũng như đêm mà kéo những phiền não, uế trược ấy ra khỏi tâm thức vốn sáng suốt trong mỗi chúng ta.

Điều thiết yếu là ta nhận ra được tầm quan trọng thâm ý của đấng Từ phụ. Làm sao để phát huy và kế thừa được kho tàng pháp bảo mà đức phật để lại trước lúc Nhập diệt. Cũng như Ngài Trần Thái Tông cũng dựa vào 6 thời (trú dạ lục thời) này mà soạn nghi thức tu tập sám hối lục căn trong tác phẩm

Khóa Hư Lục rất có giá trị về mặt tu tập. Dựa trên cơ sở Kinh Di Giáo và một số kinh khác mà các tổ sư về sau đã chia thời khóa tu tập thành 6 thời gọi là "trú dạ lục thời" gồm ban ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều ; ban đêm gồm đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm. Ngài Trần Thái Tông cũng dựa vào 6 thời này mà soạn nghi thức tu tập sám hối lục căn trong tác phẩm Khóa Hư Lục rất có giá trị về mặt tu tập.

Tóm lại, việc giữ giới hay còn gọi là chú tâm cảnh giác, là sự cảnh giác thường xuyên đối với hoạt động của thân khẩu ý, ngăn ngừa các bất thiện pháp, chế ngự sự vọng động ô nhiễm của tâm ý của con người. Ðến thời điểm này tâm thức khá thuần thục, chúng vẫn ở trong phạm vi ảnh hưởng và tác dụng của giới, bắt đầu đi sâu hơn vào tâm lý ô nhiễm vi tế để dọn đường cho định tuệ sinh khởi.

2. Định học

Có người coi Giới là phụ thuộc của thiền định và trí tuệ họ coi những hình thức giữ giới có vẻ tiểu tiết, thuộc căn cơ trình độ thấp, họ coi thiền và tuệ phóng khoáng và siêu thoát hơn. Thực ra giới hạnh là nền tảng cho thiền và tuệ. Mối quan hệ của 3 phần này không thể tách Giới hạnh không chỉ thực hành những qui định trong giới bổn mà còn là công phu gạn lọc, kiểm soát, ngăn ngừa và đoạn trừ các ô nhiễm của tâm lý. Từ đó tạo điều kiện cho thiền định được vững chãi, phát triển trí tuệ được dễ dàng.

Như trên đã nói giới là nền tảng, không có giớí hạnh thì hành vi bất thiện, tâm lý bất an, tâm không sẵn sàng để thực hành thiền định. Thiền định là con đường tu tập của đạo Phật, không có thiền tất cả các pháp môn đều bế tắc.Thiền như là hơi thở của Phật giáo, là xương sống của đạo Phật vậy. Tâm lý chúng ta luôn luôn chịu sự chi phối, tác động bởi các đối tượng giác quan và đối tượng tâm ý. Những tham lam, sân hận, si mê, sợ hãi, phiền muộn ... làm tâm ta náo động, bất an. Ðịnh là làm cho tâm không bị náo động, tán

loạn. Tâm bình lặng thì mới sáng suốt, do vậy thấy rõ hơn về bản chất của đời sống, như mặt nước có lặng mới phản chiếu sự vật, Kinh Di Giáo Phật dạy:

"Tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ " [69, tr.31]. Nhờ thiền định những hoạt động của tình cảm (thất tình, lục dục) lắng dịu, tâm lý thoát ly được sự ức chế của cảm giác và tư duy, thói quen chấp ngã được chuyển hóa, trí tuệ càng sắc bén, tâm càng thanh tịnh . Không có thiền định thì không có tuệ, đồng thời giữ giới cũng khó.

Một phần của tài liệu Luận Văn Phật Giáo_Tìm Hiểu Kinh Di Giáo (Trang 67 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w