3. Kinh Di Giáo với các bản Kinh liên quan
2.1. Chánh niệm tỉnh giác
Khi tâm vào định, chúng ta sẽ bắt đầu tỉnh giác liên tục, vững vàng, ổn định và không thay đổi, sự tỉnh giác này đơn thuần là sự thấy biết và tỉnh táo. Nó không dựa trên những khái niệm, ý kiến, quan điểm và tình cảm thường tình đến rồi đi trong tâm. Khi ấy chúng ta biết rằng đây là pháp, là đạo, là con đường phát triển tự nhiên của mọi vật trên thế gian, cái sự thấy biết ấy còn được gọi là chân như, như như, nó sẽ có mặt ngay giây phút hiện tại. Khi giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Phật dạy cho chúng sanh tập mở rộng tâm thức, chúng ta thấy biết được sự vận hành của tâm thức, của các pháp, không phải bằng lý thuyết khoa học, tâm lý, hay triết học mà bằng sự tỉnh giác và chánh niệm về thực tại như nó đang xãy ra.
Để có được sự chánh niệm tỉnh giác, hành giả nên nổ lực tinh tấn rèn luyện tự thân. Nghĩa là chúng ta phải tinh cần chế ngự sáu thứ giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,ý). Khi nó tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không được để các pháp bất thiện như tham, sân, hôn trầm, trạo hối, nghi, tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm xen vào làm tâm bị phiền não nhiễm ô, trói buộc.Cũng là một phương pháp tu tập làm cho tâm vắng lặng, thanh tịnh, đưa tâm đến một sự tập trung cao độ trong sự chuyên chú, thành cái nhất điểm của tâm. Và trong sự tập trung chuyên chú ấy cần phải có một đề mục hay một đối tượng để làm cơ sở cho tâm quán sát. “Định nghĩa là tập trung tâm ý vào một
đề tài hay một đối tượng duy nhất không được phân tán hay xao lãng”.
Không biết tự bao giờ chúng ta cứ lang thang mãi trong bao kiếp tái sanh trùng phùng của vòng luân hồi sanh tử. Chúng ta như một gã cùng tử lang thang nơi phương trời vô định mãi đi tìm châu báu mà không biết mình có sẵn ngọc châu trong chéo áo. Cũng giống như trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có Phật tánh, do vô minh làm ngăn che căn tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng ta. Như vị thiền sư đã dạy:
“Trong nhà của báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền!”
Thật đúng như vậy! Kho tàng giáo lý của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, là pháp bảo vô giá, tồn tại vĩnh cữu trong nhân sinh vũ trụ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải định hướng và chọn lựa cho mình một pháp môn thích hợp phù hợp với căn cơ của mình, nhằm mục đích là giải thoát mọi sự ràng buộc của thân tâm, quay về với sự tự chứng tự nội nói khác hơn là ngôi nhà tâm linh thật sự của chính mình. Đó mới chính là niềm an lạc vô biên.
Tâm ý con người không ngừng hoạt động, lăng xăng theo trần cảnh. Như sóng biển nhấp nhô, Đức Phật dạy: “Tâm như vượn chuyền cành, ý rong chơi đồng nội”. Nếu để tâm xao lãng chạy theo trần cảnh bao vọng tưởng chen lấn. Vì thế chánh niệm tỉnh giác rất quan trọng trong lộ trình tu tập thiền định.Chánh niệm tỉnh giác là con đường duy nhất để đạt được niềm hạnh phúc vô biên mà thiền định đem lại.