3. Kinh Di Giáo với các bản Kinh liên quan
3.1. Văn (聞): nghĩa là nghe.
Văn huệ là trí huệ do sự nghe biết. Nhờ nghe giảng kinh điển mà sanh trí huệ.Tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta đều nói pháp cho chúng ta nghe nhưng vì không ý thức được tánh nghe này nên con người có tai mà như điếc, có mắt mà như mù, cứ để dục vọng lôi cuốn, chỉ nghe cái gì mình muốn nghe, chỉ thấy cái gì mình muốn thấy và rồi cứ hành động theo quan niệm sai lầm đó. Nếu biết tỉnh tâm quan sát thì màu sắc của núi của cây, của đá cũng đều là pháp thân chư Phật. Tiếng gió thổi, tiếng rì rào của cây cũng đều là tiếng chư Phật thuyết pháp và chỉ cần hiểu được điều này để sống theo đó thì chúng ta đã có thể tướng. Bậc Bồ tát tu hai mươi lăm pháp viên thông; nhĩ căn viên thông là một trong những pháp tu đó. Do vậy, Phật pháp rất chú trọng về pháp môn huân tập “đa văn”. Tai nghe so với mắt nhìn có phần quan trọng không kém. Vật ở quá xa tầm mắt hoặc sát cận tầm mắt thì không thể nhìn thấy được minh bạch, nhưng âm thanh ở xa hoặc ở sát cận tầm tai vẫn có thể
nghe được rõ ràng. Những chuyện của quá khứ, mặc dù là không nhìn thấy được nguyên thể hình dạng của chúng như thế nào, nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu biết được khi nghe người nói truyền đạt lại. Người ở cách vách tường nói chuyện, mặc dù không nhìn thấy được người, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng nói của đối phương.
Ai cũng có khả năng nghe, nghe nhiều hay nghe ít tuỳ thuộc vào mỗi người. Nhưng nghe điều khó nghe mà đúng với sự thật hay nghe lời mật ngọt mà trái với chân lý lại là một vấn đề khác. Tiêu biểu cho hạnh nghe là Bồ tát Quán Thế Âm. Ngay từ danh hiệu của ngài cũng đã nói lên điều đó. Ngài lắng nghe tiếng than của đời để thực hiện hạnh lợi tha ban vui - cứu khổ của Bồ tát. Hành giả xuất gia cần thực hành việc nghe một cách lắng lòng (trừng tâm đế thính) những âm thanh chân lý, đúng với sự thật, nghe những giáo pháp thậm thâm vi diệu rồi huân tu đến phát sinh trí tuệ giải thoát.
Một số phương pháp thực tập khi nghe:
-Xem thử mình có bao nhiêu thời gian để nghe. -Yêu cầu nên nói những vấn đề cụ thể.
-Hãy nghe một cách chăm chú, không cần phải suy nghĩ gì thêm. -Vừa nghe vừa quan sát thái độ, ngữ điệu của người nói.
-Tóm tắt những điều mình đã nghe.
Ngài A Nan là một vị Thánh đệ tử đa văn, nhưng chỉ đa văn mà không tĩnh lự tư duy rồi chuyên tâm tu trì thì trí tuệ đó cũng chỉ là trí tuệ hữu sư, chỉ là trí tuệ thế gian mà thôi. Thế nên bước tiếp theo là cần phải tư duy.