Một số yếu tố văn hóa truyền thống bị mai một hoặc không còn tồn tại trong đời sống tinh thần H'Mông

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 80 - 82)

còn tồn tại trong đời sống tinh thần H'Mông

Xã hội H'Mông vẫn là một xã hội nông nghiệp. Các loại hình văn hóa truyền thống đang chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của người HMông. Trong đó lễ hội là “thời điểm mạnh”, thực sự là một động lực văn hóa. Suốt chu kỳ lao động sản xuất một năm đầy vất vả, nhịp sống của người dân vùng cao khá đơn điệu vì những công việc lập đi lặp lại. Họ luôn khao khát có cuộc sống sôi động, khác thường. Hội “Gầu tào”, lễ “Nào xồng”… là những hình thức đáp ứng nhu cầu này, giải phóng những xung cảm bị kìm hãm trong đời sống đơn điệu hàng ngày, đảm bảo sự cân bằng về mặt tâm lý, tạo khả năng tái sáng tạo của con người. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, các ngày hội “Gầu tào” lại bị cấm đoán vì lý do mê tín, vì sợ những người về hội mâu thuẫn, xô xát. Ở một số nơi trong huyện Mù cang Chải như xã Nậm Có, Nậm Khắt,… người H'Mông ăn Tết truyền thống vào tháng chạp kéo dài suốt một tháng. Cũng vì lý do tiết kiệm thời gian để sản xuất, vận động đồng bào chỉ ăn Tết vài ngày… Vì vậy, ở nhiều nơi lễ hội không được tổ chức. Suốt thập kỷ 60 đến đầu thập kỷ 90, lễ hội “Gầu tạo” vắng mặt ở đây. Hầu hết thanh niên trong vùng không được đi dự hội, hội chỉ còn trong ký ức của người già. Thanh niên không biết các nghi thức của ngày hội, nam nữ thanh niên không biết cảnh hát hội “chù gầu tào”. Một số lễ thức khác như lễ đuổi rủi ro “Tu su”, lễ ăn ước “Nào sồng”, lễ cúng “Lùng sán”… hiện nay rất ít khi được tổ chức. Các lễ nghi

tín ngưỡng của cộng đồng, gia đình, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc.Trong những năm đầu thập niên 90, ở một số vùng trong huyện Mù Cang Chải… người H'Mông có xu hướng chối bỏ tín ngưỡng gia đình truyền thống, cả thờ cúng tổ tiên, bỏ nghi lễ và niềm tin vào các thần bảo hộ ở nhà, đi tìm đức tin mới là “Vàng Chứ” (Đức chúa trời) theo quan niệm của Đạo Kitô và Tin lành. Năm 1990 có 1724 hộ người HMông bỏ bàn thờ tổ tiên theo “Vàng Chứ”, đến năm 1993 có 2074 hộ và 12.111 người bỏ bàn thờ tổ tiên [21;75]. Một số người còn bỏ sản xuất vào rừng sâu tụ tập truyền nhau học các bài kinh, tập bay lên trời hoặc đào hầm trú ẩn.

Trong xã hội truyền thống, cuộc đời người H'Mông luôn gắn liền với âm nhạc. Tiêu chuẩn một chàng trai H'Mông ngoài việc giỏi cày nương phải biết thổi sáo múa khèn. Kèn lá, đàn môi luôn là người bạn của các cô gái. Nhưng hiện nay số thanh niên biết sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc chiếm tỷ lệ thấp hơn số thanh niên không biết sử dụng nhạc cụ.

Khèn là loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc H'Mông. Trong lễ tang, ngày hội “Gầu Tào”, người H'Mông luôn sử dụng cây khèn (múa khèn, thổi khèn). Những người thổi khèn giỏi là những người có uy tín trong làng bản. Họ được mọi thành viên trong cộng đồng quý trọng. Hiện nay, số người thổi và múa khèn giỏi của người H'Mông ở Mù Cang Chải ngày càng ít. Nhiều xã không còn thợ khèn giỏi, nhiều thanh niên không còn ham thích, say mê luyện tập múa khèn.

Vốn dân ca H'Mông rất phong phú, hầu hết nam nữ thanh niên trước đây đều biết hát dân ca. Dòng suối dân ca luôn thấm đậm tâm hồn người H'Mông. Nhưng hiện nay nhiều thanh niên không thuộc các bài hát dân ca. Hoặc hát ê a không có bài bản.

Số phụ nữ trẻ không biết hát dân ca nhiều hơn những người trung tuổi. Đặc biệt phụ nữ trẻ ít người có khả năng thuộc nhiều dân ca, hoặc tự

sáng tác các bài dân ca phù hợp với khung cảnh cụ thể (15: 225).

Tín ngưỡng dân gian là một nhu cầu đời sống tâm linh của người H'Mông. Những người hành nghề tôn giáo (chí nếnh) trong xã hội H'Mông còn là những trí thức của dân tộc. Họ là người am hiểu phong tục tập quán, nắm vững nghệ thuật dân gian. Nhưng với những cuộc vận động xây dựng nếp sống mới trong thập kỷ 70, 80 tất cả những người này bị “nhốt” chung một “dọ” là kẻ hành nghề mê tín dị đoan, đã có thời kỳ họ bị bắt đi cải tạo lao động như những kẻ phạm tội… mà lại không chú ý khai thác sưu tầm giới thiệu văn hóa truyền thống. Vì không am hiểu những mặt tích cực, tiêu cực thích hợp trong chức năng xã hội của thầy cúng nên đôi khi đã phá hủy cả vốn văn hóa họ đang lưu giữ, tác động tiêu cực đến vấn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w