Xây dựng môi trường có nếp sống văn hoá.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 94 - 98)

Người H'Mông Mù Cang Chải chủ yếu sống trong môi trường cộng đồng gia đình và “giao”. Các môi trường là nơi trao truyền văn hoá cho mỗi cá nhân, làm giàu văn hoá các dân tộc. Do đó cần phát huy tính tích cực xây dựng cộng đồng này thành môi trường văn hoá.

Đặc điểm của quá trình xã hội văn hoá là các cá nhân được tiếp nhận các giá trị, chuẩn mực văn hoá một cách dần dần, thông qua môi trường gia đình. Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, gia đình không chỉ tái sản xuất ra con người mà còn biến đứa trẻ từ sinh vật thành con người xã hội. Gia đình tham gia vào tất cả các giai đoạn của chu kỳ đời người. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình người H'Mông: bố mẹ hết lòng thương yêu con cái, ông bà tích cực chăm sóc các cháu, vợ chồng sống với nhau

hoà thuận, tình nghĩa, con cái vâng lời cha mẹ. Bố mẹ tôn trọng con cái, khi mua sắm đến lúc cưới xin bố mẹ đều hỏi ý kiến con cái. Đó là truyền thống giáo dục con bằng tình cảm yêu thương, không bao giờ đánh đập con cái.

Tuy nhiên, trong gia đình truyền thống H'Mông thương yêu con nhưng ít định hướng, chủ động giáo dục con cái trong những sinh hoạt hàng ngày đến việc quan tâm, hướng dẫn cho con lựa chọn cách làm ăn, lựa chọn người bạn đời. Sự giáo dục con cái đôi khi mang tính bản năng, thụ động, đồng thời bố mẹ cũng có ít thời gian quan tâm đến việc học hành, giao tiếp của con cái. Xây dựng gia đình văn hoá mới đòi hỏi bố mẹ, các thành viên gia đình quan tâm đến con cái một cách định hướng và chủ động tác động đến chu kì đời sống của con người.

- Khi đứa trẻ còn ẵm ngửa, gia đình là tổ ấm, là môi trường xã hội tác động đến đứa trẻ. Do đó ngay từ khi giai đoạn này gia đình, đặc biệt là bà mẹ cần dành thời gian chăm sóc tạo các thói quen sinh hoạt cho trẻ nhỏ: giờ giấc ăn ngủ, tắm rửa….

- Ở giai đoạn tuổi thơ và niên thiếu, cha mẹ và các thành viên trong gia đình quan tâm đến việc chơi, việc học của các em, cung cấp cho các em những kinh nghiệm ứng xử với người xung quanh…

- Ở giai đoạn trưởng thành: Bên cạnh việc hướng dẫn cho các em lao động theo giới tính còn quan tâm đến các em trong mối giao tiếp với bạn bè, chọn người yêu… nâng đỡ các em (nhất là em gái) khi thất bại, trắc trở trong đường tình duyên nhằm ngăn chặn những ứng xử cực đoan dễ xảy ra: ăn lá ngón, hoặc hành hạ thân thể.

Xây dựng gia đình văn hoá bên cạnh vấn đề quan tâm xây dựng các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và giữa các thành viên gia đình và xã hội cần coi trọng xây dựng nếp sống trật tự, vệ sinh nơi ở với các yêu cầu cụ thể:

+ Có công trình vệ sinh

Trong nếp sống gia đình cần xây dựng nếp chỉ tiêu có kế hoạch, tiết kiệm lương thực thực phẩm trong sinh hoạt, giảm bớt các chi phí tốn kém cho các nghi lễ, giảm dần đến xoá bỏ lệ thách cưới bằng trâu, xoá bỏ tục lệ mỗi con trai phải giết một con trâu làm ma cho cha mẹ, không quàn xác chết trong nhà dài ngày….

Cộng đồng “giao” có vai trò quan trọng trong vấn đề sản xuất, phổ biến và tiêu dùng văn hoá. Do đó cần xây dựng mô hình “giao” có nếp sống văn hoá với các yếu cầu cụ thể:

* Phát huy tính tích cực của lễ “Nào xồng”, khơi dậy và tổ chức “nào xồng” ở khắp các “giao” người H'Mông, khôi phục lại rừng cấm của “giao”.

* Xây dựng “giao” có nếp sống trật tự vệ sinh” mở đường về các giao thuận lợi, tạo nguồn nước sạch và đảm bảo đủ nước dùng cho các “giao”, xoá bỏ nạn thả rông gia súc, quy hoạch “giao” và bố trí nhà cửa trong “giao” một cách hợp lí.

* Hàng tuần, hàng tháng tổ chức các buổi lao động chung của “giao” nhằm tu sửa đường xá, dọn vệ sinh trong “giao” phát huy nếp sống cộng đồng, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, sản xuất, tổ chức các hoạt động văn hoá, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động “kế hoạch hoá gia đình”, “xoá nạn mù chữ”….

Xây dựng gia đình, “giao” có nếp sống văn hoá là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng rất quan trọng, đòi hỏ phải có phương châm, biện pháp thích hợp. Nếp sống được hình thành lâu dài, là bộ phận của ý thức xã hội nên có sức kì khá lớn. Trong công tác xây dựng nếp sống mới phải tiến hành theo phương châm kiên trì - thận trọng - chắc chắn - thường xuyên. Xoá bỏ, cải tạo nếp sống cũ lạc hậu là nhiệm vụ cực kì to lớn, cực kì khó khăn. Càng khó khăn hơn khi ở vùng người H'Mông Mù Cang Chải nền tảng kinh tế - xã hội của xã hội mới chưa định hình vững chắc. Nó đòi hỏi

có sự quan tâm của cấp uỷ Đảng. Đồng thời nó còn đòi hỏi phải có nhiều biện pháp có hiệu quả. Trước hết, cần chú trọng khảo sát các hành vi, nếp sống, tìm hiểu các yếu tố tiêu cực, tích cực. Trên cơ sở đó, chú ý nghiên cứu các biện pháp xử lí thích hợp, nhất là biện pháp tuyên truyền. Biện pháp tuyên truyền này phải có sức thuyết phục và do những người có uy tín tiến hành mới đạt hiệu quả cao.

Ở vùng đồng bào H'Mông, vai trò trưởng họ rất quan trọng. Các thành viên thường tin cậy, hỏi ý kiến và nghe lời các trưởng họ. Vì thế cần tập trung chú ý tuyên truyền, vận động những người trưởng họ. Thuyết phục trưởng họ, sẽ góp phần vận động, giáo dục rộng rãi các thành viên khác. Trong xã hội người H'Mông, bà cô là người duy nhất có quyền quyết định sửa đổi nghi thức làm ma, cưới xin. Bà còn là nhân vật có trách nhiệm giám sát mọi người trong dòng họ thực hiện các luật tục. Khi vận động một tập quán mới, xoá bỏ hủ tục, cần tranh thủ sự ủng hộ của bà cô.

Biện pháp giáo dục phải tiến hành thường xuyên ở nhiều môi trường, trong đó cần chú ý tới môi trường gia đình, dòng họ, trường học, làng xã, chợ phiên. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền giáo dục, vấn đề xây dựng nếp sống mới cần hướng đồng bào vào tìm hiểu và dần dần tuân theo những chuẩn mực nhất định, mà trong đó luật pháp Nhà nước là chuẩn mực cao nhất đã được thể chế hoá.

Trong xã hội H'Mông, quy ước của làng, dòng họ đóng vai trò quyết định trong việc điều chỉnh xã hội. Cho nên, bên cạnh luật pháp, cần lưu ý đến sức mạnh của các quy ước. Mỗi làng H'Mông, mỗi dòng họ đều có một số quy ước riêng. Quy ước này được đông đảo các thành viên thảo viên thảo luận, xây dựng, và khi hoàn chỉnh được thông qua các lễ ăn ước “Nào xồng” thì mọi thành viên đều có nghĩa vụ chấp hành. Vì thế, hiện nay nên thành lập các ban nếp sống văn hoá để xây dựng quy ước, xây dựng nếp sống văn hoá. Các quy ước phải đảm bảo 2 nguyên tắc: hoàn toàn nhất trí

với pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với đặc điểm của địa phương, trình độ nhận thức của nhân dân. Nội dung các bản quy ước này chỉ nên đặt những vấn đề cấp thiết nhất trong từng thời kì, nhằm từng bước thực hiện các khuôn mẫu ứng xử, không áp đặt các quy định khó thực hiện được. Các quy ước được mọi thành viên chấp hành nghiêm túc tạo thành những chuẩn mực ứng xử mới.

Các khuôn mẫu ứng xử được chấp hành nghiêm túc hay không là nhờ ở dư luận xã hội. Dư luận xã hội là yếu tố điều chỉnh hành vi ứng xử của các thành viên, bảo vệ các chuẩn mực về nếp sống đã được xã hội (hoặc bộ phận xã hội) đã thừa nhận.

Dư luận xã hội còn có đặc trưng là bùng nổ nhanh, lan truyền rộng và có tác dụng bao vây “đối tượng”. Vì thế, người H'Mông cũng như nhiều dân tộc ở miền núi rất coi trọng dư luận, sợ dư luận. Muốn cải tạo nếp sống lạc hậu, xây dựng nếp sống mới phải tạo dựng làn sóng dư luận tiến bộ, phê phán các chuẩn mực sống lỗi thời, cổ vũ nếp sống mới. Dư luận xã hội được hình thành từ nhiều cấp độ khác nhau, nhưng ở vùng người H'Mông, do điều kiện cư trú phân tán, mang tính chất biệt lập, ít có sự giao tiếp rộng rãi, do đó dư luận cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng, nhất là dư luận của cộng đồng dòng họ, cộng đồng làng. Khi phát động làn sóng dư luận xây dựng nếp sống mới cần chú ý tạo dựng dư luận ở từng dòng họ, thôn bản rồi dần dần phát triển mạnh dư luận tiến bộ ở cấp độ lớn hơn như ở vùng huyện….

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w