sống tinh thần người H”Mông Mù Cang Chải.
a. Sự thâm nhập của Thiên Chúa giáo vào đời sống tín ngưỡng của người H'Mông ở huyện Mù Cang Chải.
Ở Mù Cang Chải có một bộ phận không nhỏ người H'Mông theo Thiên Chúa giáo, gồm hai giáo phái Thiên Cháu và Tin lành. Đạo Thiên Chúa xâm nhập vào vùng người Mông Mù Cang Chải từ những năm đầu thế kỷ XX, trước các phong trào nổi dậy của người H'Mông, thực dân Pháp vừa đàn áp vừa xây dựng ké hoạch truyền đạo nhằm xoa dịu, ru ngủ tinh thần đấu tranh của dân tộc này. Trên cơ sở tìm hiểu đặc điểm tâm lý, tín ngưỡng xà xã hội của người H'Mông các cha cố đi tới nhận xét “Khá dễ dàng ghép đạo lý Gia Tô vào đạo lý dân tộc Mèo, chỉ cần nhắc bỏ đi vài lầm lẫn, xoá bỏ đi vài thiên kế quan hệ tới bản chất của thượng đế. Tóm lại muốn ghép đạo lý của ta vào đạo lý của dân tộc Mèo chỉ cần sửa lại và bổ sung thêm các tín ngưỡng của họ để đi tới chỗ dành cho cả hai nền đạo lý chung một tôn giáo làm nền tảng”[27;15]. Kết luận này là cơ sở cho quá
trình xâm nhập của Thiên Chúa giáo vào đời sống tín ngưỡng của người H'Mông ở Mù Cang Chải.
Biện pháp truyền đạo của các giáo sĩ người Pháp là trên cơ sở hiểu biết về các mối quan hệ dòng họ trong tổ chức xã hội truyền thống của người H'Mông, họ truyền đạo cho trưởng họ và từ trưởng họ sẽ tuyên truyền cho các thành viên trong dòng họ, việc sử dụng trưởng họ trong quá trình truyền đạo là một thủ đoạn khôn khéo của các nhà truyền giáo phương Tây. Thủ đoạn thứ hai là cho những người theo đạo hưởng một số quyền lợi như không phải đi phu, giảm hoặc miễn thuế, giúp thắng kiện, những lợi ích trước mắt này đã thu hút sự chú ý của một bộ phận người H'Mông. Ngoài ra Savina đã cho dịch kinh Thánh ra tiếng H'Mông để xoá bỏ sự cách biệt về ngôn ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình truyền giáo.
Để người H'Mông có niềm tin vào giáo lý Thiên Chúa, các nhà truyền giáo đã biến Chúa thành ma và tuyên truyền “Chúa là con ma to nhất, vì thế theo Chúa thì không phải thờ cúng con ma nào khác mà vẫn lên thiên đàng về với tổ tiên” [32;180] lời tuyên truyền này vừa phù hợp quan niệm tín ngưỡng truyền thống của người H'Mông, vừa là sự giải thoát khỏi tình trạng bế tắc của cuộc sống với muôn vàn lễ cúng ma thường xuyên làm cho đời sống ngày càng khó khăn hơn.
Với những thủ đoạn và nội dung truyền giáo đó các cha cố Pháp đã bước đầu thực hiện được âm mưu của các nhà cầm quyền thực dân là dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận người H'Mông theo đạo nhằm kìm chế tinh thần đấu tranh và ý thức phản kháng của họ, cho tới đầu thập kỷ 40 đã có tới 33 gia đình người H'Mông ở Mù Cang Chải theo Thiên Chúa giáo và mở rộng ra nhiều làng. Như vậy, đạo Thiên Chúa xâm nhập vào vùng người H'Mông Mù Cang Chải nằm trong âm mưu của thực dân Pháp, người H'Mông tiếp nhận nó trong tâm lý vô thức với lý do kinh tế là chính, “người H'Mông ở Mù Cang Chải theo đạo không chỉ do nhu cầu tín ngưỡng khao khát một
niềm tin mà chủ yếu là sự thúc đẩy của tâm lý thực dụng. Họ cần đi theo Chúa không chỉ vì hạnh phúc trên thiên đàng mà vì những vấn đề thiết thân trong cuộc sống đặt ra”[32;181].
Cho tới tháng 12 năm 2001 theo thống kê của Ban Dân tộc và Tôn giáo (thuộc Hội đồng nhân dân huyện Mù Cang Chải) ở Mù Cang Chải có 321 hộ với 1549 khẩu người H'Mông theo Thiên Chúa giáo và 68 hộ với 336 khẩu theo Tin Lành [21;95].
Theo đạo hay không theo đạo, đó là quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân được hiến pháp công nhận, Tuy nhiên vấn đề tôn giáo vùng người H'Mông là vấn đề mang tính lịch sử, giải quyết vấn đề theo đạo của người H'Mông là hết sức phức tạp, không thể sử dụng bạo lực hoặc cấm đoán bằng mệnh lệnh mà cần chủ động chăm lo giải quyết nhu cầu tín ngưỡng của họ, quản lý tôn giáo theo pháp luật, tạo sự đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở vùng người H'Mông Mù Cang Chải.
b. Các loại hình văn hoá mới xuất hiện trong đời sống văn hoá tinh thần của người H'Mông ở huyện Mù Cang Chải.
Trong xã hội HMông trước đây, các loại hình văn hóa dân gian gần như đóng vai trò độc tôn. Đầu thế kỷ này một vài yếu tố văn hóa mới đã len lỏi vào xã hội H'Mông (sách báo, radiô) nhưng mới chỉ xuất hiện ở một vài gia đình thổ ty, tay sai người Pháp. Từ giữa thập kỷ 50 đến nay các loại hình văn hóa mới – văn hóa công nghiệp đã được chuyển tải đến các làng HMông. Đó là các loại hình văn hóa sử dụng bằng hình ảnh (điện ảnh, video, nhiếp ảnh), các loại hình văn hóa sử dụng văn tự (chữ quốc ngữ và chữ H'Mông), loại hình thông tin đại chúng (hệ thống phát thanh, truyền thanh và truyền hình, báo chí)…
Hệ thống các thiết chế văn hóa ra đời ở người H'Mông đóng góp vai trò quan trọng vào khâu phổ biến các giá trị văn hóa mới. Hệ thống các trung tâm văn hóa mới đã hình thành ở khu vực huyện lỵ đánh dấu bước tiến quan trọng
trong đời sống văn hóa tinh thần người H'Mông ở Mù Cang Chải.
Trong các loại hình văn hóa mới, thông tin đại chúng phát triển mạnh thâm nhập vào các làng bản H'Mông. Nổi bật là phương tiện radio. Mỗi làng H'Mông có từ 22% đến 30% số gia đình có radio [21;87].
Chương trình phát thanh tiếng H'Mông của đài Yên Bái đã phủ sóng tới 90% các làng tập trung người H'Mông. Radio trở thành cánh cửa sổ quan trọng mở ra thế giới bên ngoài. Tivi mới xuất hiện ở vùng người H'Mông trong những năm gần đây nhưng đang trở thành loại hình văn hóa hấp dẫn. Tuy bán kính phủ sóng truyền hình còn hạn chế, điều kiện kinh tế người H'Mông chưa cho phép mua sắm được tivi nhưng ở những vùng ven thị trấn, huyện lỵ tivi (cũng như video) đang có xu hướng phát triển mạnh. Năm 2001, toàn huyện chỉ có 257 hộ gia đình người HMông có tivi thì đến năm 2005 vùng người HMông đã có hơn 1500 hộ gia đình có tivi (21; 103).
Ở huyện còn có một đội thông tin lưu động, một đội chiếu bóng lưu động thường xuyên phục vụ các bản làng người H'Mông, phục vụ người H'Mông đi chợ… Bình quân một năm người H'Mông ở Mù cang Chải được xem phim hoặc băng hình video từ 1 đến 3 lần. Thông qua lực lượng thông tin lưu động các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với nhân dân. Mỗi xã người H'Mông còn có hai tờ tin ảnh của báo Yên Bái, báo Nhân dân. Báo và ảnh tuy chỉ đến với cán bộ xã, trưởng thôn, trưởng bản nhưng cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần người H'Mông. Những sinh hoạt văn hóa ở chợ (hoạt động thông tin biểu diễn văn nghệ…) thu hút được đông đảo người H'Mông tham gia. Các nghệ nhân dân tộc H'Mông đến chợ có thể lên sân khấu hát dân ca phục vụ người đi chợ. Trong các mặt hoạt động văn hóa ở cơ sở, hoạt động nghệ thuật quần chúng có sự khởi sắc. Hiện nay hầu hết các xã H'Mông đều xây dựng được đội văn nghệ. Mỗi năm các đội nghệ thuật quần chúng đều biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã từ 1 đến 2 lần. Nhiều đội nghệ thuật quần chúng như
đội văn nghệ xã Dề Xù Phình, Nậm Có, đội văn nghệ xã Sa Pả, đã trở thành những đội văn nghệ mạnh của tỉnh liên tiếp giành được nhiều huy chương vàng, bạc trong các hội diễn nghệ thuật toàn tỉnh và toàn quốc. Các tiết mục văn nghệ đều là những tiết mục dân ca truyền thống được dàn dựng đưa lên sân khấu, thu hút được đông đảo người xem. Diễn viên các đội nghệ thuật đều là các nghệ nhân, các nam nữ thanh niên. Các đội nghệ thuật quần chúng được thành lập và phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ mà còn kích thích nhu cầu sáng tạo văn hóa của nhân dân. Thông qua hoạt động văn nghệ quần chúng, nghệ thuật truyền thống được kế thừa, gìn giữ và phát triển [21;107].
Như vậy với những mức độ khác nhau, một số yếu tố văn hóa tinh thần mới đã thâm nhập vào đời sống tinh thần người H'Mông. Có những yếu tố văn hóa như hệ thống thông tin đại chúng (nhất là radio và tivi) đã xâm nhập mạnh mẽ trong mỗi gia đình H'Mông, nhưng có yếu tố suốt một thời gian dài thâm nhập khá chật vật thậm chí bị chối bỏ nhưng những năm gần đây lại tác động khá mạnh mẽ vào đời sống tinh thần HMông như Kitô giáo (tất nhiên mới chỉ là giai đoạn gá lắp, chưa liên kết hóa). Trong hệ thống thông tin đại chúng, các phương tiện nghe nhìn có khả năng thâm nhập mạnh vào vùng người H'Mông (radio và tivi) nhưng các loại báo và tạp chí chỉ dừng lại ở khu vực thị trấn hoặc các giáo viên, cán bộ là chủ yếu. Vì đa số người dân không biết chữ, không thể đọc sách, báo… Loại hình sử dụng văn tự (kể cả chữ H'Mông) hiện nay khó có điều kiện tác động, thâm nhập vào đời sống văn hoá tinh thần H'Mông. Bên cạnh các yếu tố văn hoá mới thâm nhập vào đời sống văn hoá tinh thần người H'Mông còn xuất hiện các giá trị văn hoá mới. Trong xã hội truyền thống, người H'Mông đề cao sự cố kết cộng đồng dòng họ, dân tộc. Nhưng trong quá trình đoàn kết chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển kinh tế vùng cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, người H'Mông đã có ý thức
đoàn kết các dân tộc anh em. Từ sự đề cao cố kết dân tộc đến đoàn kết các dân tộc là một sự biến đổi mạnh mẽ trong đời sống tinh thần H'Mông ở Mù Cang Chải.
Trong xã hội truyền thống, người H'Mông Mù Cang Chải không có khái niệm cụ thể về Tổ quốc. Họ cho rằng Tổ quốc chỉ là những nơi khác là đất nước, của các dân tộc khác.
Trong ngôn ngữ người H'Mông chỉ có từ “Tráng Tế” là quê hương, là những mảnh đất, mảnh rẫy người H'Mông đang trồng trọt để đảm bảo sự sống. Nhưng trong quá trình đoàn kết dân tộc, cùng chung lưng chống giặc ngoại xâm, xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, người H'Mông đã có quan niệm Tổ quốc người H'Mông là Tổ quốc Việt Nam. Và tinh thần yêu nước trở thành một giá trị mới trong bảng giá trị của người H'Mông. Mặt khác các giá trị trong quan hệ xã hội như lòng vị tha, tính cộng đồng… nay cũng được nâng lên một trình độ mới. Trong lao động sản xuất, người H'Mông không chỉ đề cao đức tính cần cù, sự kiên trì nhẫn nại mà bước đầu còn chú trọng tới việc tính toán đầu tư canh tác và chi tiêu. Sự tính toán và tiết kiệm này đã nảy nở ở vùng trồng cây đặc sản, có sản xuất hàng hoá….
Nhìn chung trong điều kiện kinh tế xã hội có sự chuyển biến, giao lưu văn hoá được mở rộng, các yếu tố văn hoá mới không thâm nhập vào đời sống văn hoá của tộc người thì trong ý thức văn hoá cũng đang diễn ra quá trình đánh giá lại các giá trị văn hoá, sắp xếp lại bảng giá trị, hình thành các giá trị mới.
Cái mới trong văn hoá dân tộc người H'Mông đang có xu hướng chuyển sang diện mạo văn hoá mới, hình thành văn hoá mới trên cơ sở một cơ cấu kinh tế xã hội mới. Tất nhiên đó là một quá trình lâu dài và phức tạp. Còn hiện nay đời sống văn hóa tinh thần người H'Mông đang ở trong tình trạng đan xen, hỗn dung văn hóa giữa cái mới với cái truyền thống.