Tàn dư một số hình thức tôn giáo sơ khai khác.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 40 - 43)

Ở vùng người H'Mông ở huyện Mù Cang Chải, các tôn giáo sơ khai xuất hiện từ thời nguyên thuỷ vẫn tồn tại (dù dưới dạng tàn dư) và tác động đến đời sống tinh thần của nhân dân.

a. Tàn dư tô tem giáo

Hình thức tô tem giáo ở vùng người H'Mông Mù Cang Chải khá mờ nhạt, thường chỉ thấy một số vết tích trong huyền thoại, tục kiêng không ăn một số loài vật…. Họ Hờ có huyền thoại về bà mẹ khỉ có công nuôi dưỡng con cái nhưng bị họ hàng nhà chống phụ bạc. Họ Vừ ở Púng Luông có truyện kể trước đây có một người bị ốm rất nặng nằm trong rừng sắp chết thì đến đêm có hai vợ chồng con nai đến bảo vệ, nai cái cho anh ta bú. Người này tỉnh dậy hỏi: “Vợ chồng nhà nai đến đây làm gì?”, nai nói: “Tôi với anh cùng họ, tôi đến cứu anh đó”. Từ đầy, họ Vừ coi con nai là họ hàng, kiêng không ăn thịt nai [11;78]. Một số dòng họ khác có tục kiêng ăn các loài vật như: Họ Lầu kiêng ăn thịt gấu, họ Lý kiêng ăn những quả xanh chua như mận, đào ở trong nhà… Họ Và có huyền thoại kể rằng hổ là ông tổ và kiêng ăn thịt hổ, họ Mùa kiêng ăn thịt ngựa… Đặc biệt họ Hờ có quan niệm: mỗi một thế hệ trong dòng họ đều có người con út khi chết sẽ đầu thai thành khỉ. Trong năm đặc trưng của tô tem, biểu tượng về tô tem (huyền thoại về vật tổ, tục kiêng cữ không ăn vật tổ, nghi lễ liên quan đến tô tem, niềm tin tái sinh sau khi chết sẽ trở lại kiếp của tô tem) thì ở vùng người.H'Mông chỉ tìm được ba đặc trưng: huyền thoại về vật tổ, tục kiêng ăn và niềm tin khi chết sẽ đầu thai vào tô tem. Nhưng các đặc trưng này

cũng chỉ thấy biểu hiện mờ nhạt, không có tính hệ thống. Phải chăng đây chỉ là những mảng còn rơi rớt lại của tô tem giáo ở vùng người H'Mông.

b. Các tàn dư ma thuật

Cũng như các dân tộc khác, người H'Mông ở Mù Cang Chải có các hình thức ma thuật khác nhau như ma thuật làm hại, ma thuật tình yêu, ma thuật bắt chước. Đồng bào thường quan niệm có một số người biết ma thuật, có thể làm hại người khác hoặc chống lại người khác làm hại mình. Họ có thể là các thầy cúng hoặc người đi học ma thuật để tự vệ hoặc trả thù riêng. Xưa kia, trước khi ra trận, một số thầy cúng cao tay làm lễ chém bóng. Thầy cúng chọn một bãi đất bằng phẳng ở gần rừng cấm, cắt một dãy hình nhân được làm bằng cỏ (ngoài dán giấy bản). Thầy cúng vẩy nước vào hình nhân rồi đọc thần chú cầu mong cho đối phương bị chết, sau đó rút dao chém các hình nhân. Làm như vậy họ tin rằng kẻ thù sẽ bị giết chết trong trận mạc. Một phương pháp làm ma thuật khác là lấy các mảnh xương, xỉ sắt lò rèn gói trong một tờ giấy bản, đọc tên họ đối phương rồi đem đốt. Họ tin rằng đối phương sẽ bị mù mắt. Cũng có khi người lạ phun nước phép vào những mảnh xương, hòn sỏi, đọc thần chú và tên họ đối phương và quẳng các vật này theo hướng đối phương ở. Như vậy đối phương đi săn, làm nương rẫy sẽ gặp tai nạn đổ máu. Tuy nhiên việc làm hại người khác luôn bị xã hội lên án, người biết ma thuật làm hại cũng gặp nhiều điều không may trong cuộc sống; đường con cái hiếm hoi, hay gặp tai nạn, ốm đau. Do đó, người biết ma thuật rất ít khi sử dụng, trừ những trường hợp mâu thuẫn gay gắt phải dẫn đến xung đột giữa các dòng họ.

Bên cạnh một số ma thuật ở trên còn có một số người biết các ma thuật phòng thu nhằm bảo vệ gia đình, bản thân, dòng họ khỏi bị các phép thuật của người khác làm hại. Đồng bào H'Mông quan niệm ngôi nhà là nơi an toàn nhất, ở đó có các ma nhà có sức mạnh siêu nhiên luôn luôn bảo vệ. Càng đi xa nhà sự bảo vệ đó càng yếu đi. Do đó khi đồng bào có việc phải

đi xa thì họ phải đeo những vật kị ma, các vật này có thể là các vuốt, răng của thú dữ tượng trưng cho sức mạnh ngăn cản được bệnh tật và các phép thuật làm hại của kẻ thù như: vuốt hổ, răng nanh lợn lòi… cũng có khi vật kị ma là đồng bạc trắng ngâm trong nước phép của thầy cúng. Đặc biệt trẻ em - đối tượng thường bị ma thuật bắt mất hồn hay ốm đau, trên mũ của trẻ nhỏ có gắn một số đồ kị ma, cổ đeo vòng bảo mệnh hoặc răng chó.

Đồng bào còn tin một số người có ma “ngũ hải” - loại ma ác đáng sợ nhất. Khi mâu thuẫn giữa hai dòng họ, khi xích mích giữa hai gia đình hoặc hai cá nhân, người có ma ngũ hải liền sai con đi làm hại đối phương. Ma ngũ hải thường có trong người có gái có nhan sắc, những chàng trai có nước da trắng, gia đình khá giả. Người bị ma ngũ hải đến hành hạ thường bị đau dữ đội ở trong phần lục phủ ngũ tạng. Đau liên tục hoặc đau từng cơn vài ngày, người bệnh sẽ chết, cộng đồng làng xóm rất ghét và sợ người có ma ngũ hải. Khi bị ma ngũ hải, người bị nghi rất khổ tâm và khó có khả năng lấy vợ lấy chồng. Thậm chí còn bị nguy hại đến tính mạng, bị họ hàng ruồng bỏ, làng xóm khinh ghét. Quan niệm ma ngũ hải còn gây nên những án mạng, mâu thuẫn trong làng xóm, gây nhiều tác hại cho quan hệ dân tộc.

Trước đây thanh niên H'Mông còn quan niệm có người biết ma thuật tình yêu. Họ quan niệm muốn có một người nào đó yêu mình thì phải tìm cách lấy trộm được tóc của người đó đem cuốn với tóc của mình. Sau đó, bắn tin cho đối tượng, chắc chắn tình yêu sẽ đến. Hoặc đốt xác khúc đuôi rắn đang giao cấu rắc vào cành cây búc rúc, quẳng vào lối đi mà cô gái hay đi qua. Nếu cô gái bước qua hay dẫm phải cành cây đó tức là bị mắc bùa yêu, phải lấy người bỏ bùa… Cũng có người tin rằng dùng bùa chài, yểm để đôi trai gái đang ghét bỏ nhau, thương yêu nhau trở lại hoặc ngược lại… Khi đối phương phản bội tình yêu, người yêu sẽ tìm cách lấy trộm tóc hoặc cắt một góc khăn gội đầu của kẻ phản bội đem trộn với lá ngón, chôn ở ngã

ba đường, cho mọi người đi qua, đi lại, cứ như vậy sau ba tháng kẻ phản bội sẽ ốm đau và chết….

Tín ngưỡng tôn giáo H'Mông có đặc điểm là các lễ nghi tín ngưỡng liên quan đến cộng đồng gia đình, cộng đồng dòng họ phát triển. Sa man giáo ăn sâu vào đời sống tâm linh của người H'Mông. Trong khi đó các lễ nghi tín ngưỡng, liên quan đến sản xuất nông nghiệp rất đơn giản.

Niềm tin vào tôn giáo của người H'Mông mang tính chất thực tế luôn tin vào những tín ngưỡng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Người H'Mông khao khát đời sống ấm no, khao khát được tự do và công bằng nên khi xưng vua, khi tuyên truyền giáo lý đề cao những khẩu hiệu gắn với đòi hỏi cuộc sống, đông đảo người H'Mông tin theo. Vì vậy, trong lịch sử các thủ lĩnh, khi muốn tập hợp lực lượng đều tuyên truyền những khẩu hiệu giải quyết những vấn đề thiết thân của cuộc sống: đời sống ấm no, người dân được tự do, làm không vất vả nhưng lúa ngô nhiều như cây cỏ, trâu bò, lợn gà nhiều như lá rừng… tuy nhiên những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống không được giải quyết, người H'Mông cũng sẵn sàng từ bỏ niềm tin, từ bỏ các giáo lý mà trước đây họ đã ồ ạt đi theo.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w