Trang trí dân gian trên trang phục.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 69 - 76)

Nghệ thuật tạo hình dân gian H'Mông thể hiện ở trang phục, đồ dùng sinh hoạt, tranh cắt giấy… Nhưng trang trí trên y phục có vị trí quan trọng nhất trong nghệ thuật tạo hình dân gian, điển hình là trang trí trên váy áo người H'Mông Hoa. Người H'Mông Hoa chiếm đa số trong các tộc người H'Mông cư trú ở Mù Cang Chải. Trang phục cổ truyền của phụ nữ H'Mông Hoa gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, thắt lưng, xà cạp… Khăn của phụ nữ H'Mông Hoa có hai kiểu: một loại nhỏ hình chữ nhật khổ 65cm x 40cm thêu hoa văn, trùm đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu, vành ngoài của khăn có thêu hoa văn. Người phụ nữ H'Mông mặc áo và váy rộng, phần thân và chân phát triển, do đó đội khăn to sẽ tạo nên sự cân đối hài hòa với thân thể. Áo phụ nữ H'Mông Hoa xẻ nách, cổ cao trên vai và ngực có nẹp thêm vải thêu hoa văn hình con ốc. Váy màu chàm xếp nếp (có tới 400 – 500 nếp gấp) xòe rộng. Thân váy in hoa văn, gấu váy thêu và ghép nhiều họa tiết tạo thành các băng giải ngang rộng từ 15cm đến 20cm. phía trước và phía sau váy là hai tấm vải che thân (tạp dề) hình chữ nhật khổ 75cm x 35cm. Hai tấm vải che váy này chính là đồ án trang trí rực rỡ. Thắt lưng của phụ nữ H'Mông là miếng vải rộng khoảng 8cm và dài khoảng 100cm – 120 cm, đoạn giữa của thắt lưng được thêu các màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ. Xà cạp quấn chân màu chàm nhưng dây buộc ngoài cũng thêu hoa văn nhỏ li ti. Như vậy cả bộ trang phục phụ nữ H'Mông từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân đều được trang trí rất nhiều hoa văn đẹp.

Trang phục phụ nữ H'Mông hoa không khoe vẻ đẹp cơ thể qua kỹ thuật cắt, khâu làm nổi rõ đường nét thân hình như trang phục phụ nữ Thái mà chủ yếu thể hiện vẻ đẹp ở các mô típ trang trí và màu sắc hoa văn. Phụ nữ H'Mông hoa là tác giả của nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục. Cả

cuộc đời người phụ nữ đều gắn bó với công việc thêu, dệt vải và in hoa văn. Em gái H'Mông mới 9-10 tuổi đã được các bà mẹ, người chị tập cho thêu thùa:

“Lớn lên anh theo cha đi cày nương Theo anh vảo rừng săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới” [10;172].

Đến tuổi trưởng thành, các thiếu nữ H'Mông không tiếc thời gian, làm đêm, làm ngày thêu bộ váy áo cưới. Tập quán pháp của người H'Mông đánh gia tài năng, vẻ đẹp của phụ nữ phản ánh qua khả năng thêu thùa, qua bộ trang phục mặc trong lễ cưới. Tục ngữ H'Mông đã đánh giá đúng vẻ đẹp của người phụ nữ “muốn biết người tốt xem gác bếp, muốn hay người đẹp xem quần áo” [10;45]. Và nghề dệt vải thêu hoa văn là thước đo giá trị của người phụ nữ.

“Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”

Vẻ đẹp của người vợ tương lai được quan niệm là cô gái có mái tóc xanh mượt như lông chim câu, hai tay thon và mập để cầm nổi cái cuốc và đặc biệt phải khéo léo như con trôn ốc khi thêu thùa. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Những đêm trăng thanh gió mát hay bên bếp lửa hồng, từng tốp các cô gái quây quần bên nhau học thêu, truyền dạy kinh nghiệm in sáp, tạo mẫu, ghép vải mới… Các hình thức giúp đỡ truyền dạy nghề này góp phần cho nghệ thuật thêu, ghép hoa văn phát triển. Trước khi đi làm dâu, cô gái được mẹ tặng cho bộ váy áo, như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tạng mẹ đẻ và mẹ chồng. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy đẹp, có nhiều đồ trang sắc quý. Và khi khách quý đến ngủ ở gia đình, người khách sẽ được chủ nhà cho đắp

tám váy có nhiều hoa văn. Khi đã thành người vợ, người mẹ, phụ nữ H'Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp. Hạnh phúc của mỗi cặp vợ chồng, niềm vui của mỗi gia đình được phản ánh ngay trong bức tranh sinh hoạt: người vợ ngồi thêu, chồng thổi khèn, giúp vợ tận tình trong công việc thêu thùa:

“Cuối nhà là nơi em ngồi thêu váy

Đầu nhà là nơi anh ngồi thổi sáo, múa khèn Em thêu váy mới không có sắp, anh ra chợ kiếm.

Em in hoa mới, không biết đường anh cầm que vạch giúp”

Người vợ trở thành người mẹ lại có nghĩa vụ dạy bảo con gái học thêu. Đồng thời con gái được mẹ chồng, đôi khi cả cácchị dâu nhiệt tình dạy thêu thùa, in sáp ong. Vừa kế thừa nghệ thuật thêu thùa gia đình của gia đình mẹ đẻ, cô dâu lại tiếp thu nghệ thuật trang trí hoa văn của gia đình, dòng họ nhà chồng. Nghệ thuật in thêu hoa tiếp tục phát triển. Trở về già họ còn lo thêm bộ váy áo đẹp đẻ mặc khi về với tổ tiên. Cứ vậy với chu kỳ đời người phụ nữ, nghệ thuật trang trí hoa văn như tín hiệu văn hóa được bảo lưu, trao truyền nhiều thế hệ, bản sắc văn hóa dân tộc người luôn được phát triển liên tục. Dòng đời người phụ nữ H'Mông trôi qua, dòng hoa văn cứ chảy mãi theo bàn tay tài năng của họ. Qua bàn tay người phụ nữ, nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục xuất hiện với những nét độc đáo cả về mặt bố cục, màu sắc.

Thứ nhất, Phụ nữ H'Mông kết hợp cả ba biện pháp kỹ thuật: thêu thùa, vẽ, chắp vải tạo nên những trang trí đẹp trên hoa nền y phục. Người phụ nữ H'Mông thêu hoa văn không cần mẫu. Chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm to, vừa bền sợi, vừa bền màu. Đặc biệt sắc màu óng nuột của tơ tằm sẽ làm tăng vẻ đẹp hoa văn thêm mượt mà. Phụ nữ H'Mông có cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tượng, hoàn toàn dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn. Nhiều người khi thêu đã “thuộc” sẵn mẫu hoa mình thích, họ không cần

nhìn mẫu thêu họ phải tính toán tỉ mỉ, đếm từng sợi chỉ, nhớ kích thước từng họa tiết trong toàn bộ mảnh hoa văn. Vì vậy, ngay từ khâu dệt, người H'Mông dệt tấm vải nền theo một sao cho các sợi không quá không quá xít với nhau, giành những khoảng cách nhỏ li ti thuận lợi cho việc đếm sợi, bố cục họa tiết. Một số khăn đội đầu của phụ nữ H'Mông còn được làm bằng loại vải lanh trắng dệt kẻ ô vuông bằng các sợi tím hoặc đỏ sẫm. Kỹ thuật thêu hoa văn hình mẫu lại nổi lên ở mặt phải, đòi hỏi người phụ nữ kiên trì, cẩn thận vì sơ ý nhầm một mũi kim, mũi thêu đã sai lệch.

Phụ nữ H'Mông còn dùng kỹ thuật vẽ mẫu in sáp. Công cụ dùng vẽ mẫu in sáp là bút vẽ “ĐarĐrangtaz” bằng đồng. Có ba loại bút vẽ khác nhau: loại nét nhỏ dùng tỉa tót hoa là “Đar nrơ ư”, loại nét to vẽ các đường thẳng, đường riềm “Đarchang zsang z”, có loại dùng vẽ hình tròn, hoa văn con ốc “Đar zes kur”. Cách in hoa văn bằng sáp ong, nhúng bút vẽ vào sáp, vẽ hoa văn lên vải lanh trắng tạo thành trang trí. Vẽ xong đem vải đã in sáp nhuộm chàm sau nhiều lần ngâm, nhuộm vải đã sẫm màu thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong tan chảy để lại những hình hoa văn màu xanh lơ.

Kĩ thuật ghép vải tạo hoa văn cũng được người phụ nữ H'Mông sử dụng để tạo thành các băng giải, khoang vải mầu khác nhau ở cổ áo, ống tay, nẹp áo ngực và cả khoang dài gấu váy, vuông vải che váy (tạp dề). kỹ thuật chắp vải không chỉ tạo ra các khoang mảng mầu mà còn tạo ra các đường nét hoa văn. Trên hình chữ nhật ở cổ áo người H'Mông đã xuất hiện nhiều kiểu hoa văn hình học bằng kỹ thuật ghép vải. Các đường nét hoa văn nhỏ, phức tạp ở yếm quầy, cổ tay áo cũng đều là vải ghép. Vải ghép khá tỷ mỷ, thường là có gam màu nóng hoặc vải trắng làm riềm nhỏ bao bọc cho các họa tiết hoặc tự tạo thành một mô típ hoa văn riêng biệt. Người H'Mông sử dụng một số miêngs vải đỏ vàng có tiết diện nhỏ từ 0,5 – 1cm được viền xung quanh ghép vào vải nền tạo thành các hình xếp nép hoặc các đường viền của họa tiết chính. Người H'Mông hoa còn sáng tạo nhiều

kiểu đính vải. Kiểu đơn giản nhất là chọn những miếng vải màu đỏ, vàng hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật khâu lên gấu váy, mũi khâu dấu ở mặt sau miếng đính cúng với đệm lót và khâu gấp mép lên. Kiểu phức tạp là ghép các miếng vải thành nhiều lớp với nhiều màu sắc khác nhau. Việc đính những miếng vải này thường làm từng lớp, mỗi lớp là một hoặc vài miếng vải cùng màu, lớp dưới có diện tích lớn hơn lớp trên. Người H'Mông còn sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép hạt cườm nhựa, bạc… lên trang phục.

Các biện pháp thêu vải, ghép hạt cườm, bạc… in sáp ong lại được khéo léo kết hợp với nhau tạo ra sự phong phú về hoa văn (mô típ tuy không nhiều nhưng kết hợp bằng nhiều kiểu sẽ tạo thêm nhiều mô típ khác). Đồng thời với các khổ vải ghép đạm, bên cạnh đường thêu thanh mảnh, tạo cảm giác hoa văn luôn biến đổi liên tục. Kết hợp các biện pháp kỹ thuật còn góp phần tạo hiệu quả về màu sắc. Màu xanh lơ nhạt của vải in sáp trở thành màu trung gian, dung hòa với các màu đậm của vải ghép, chỉ thêu. Nhờ vậy mà màu sắc, đường nét mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, vui mắt.

Thứ hai, họa tiết hoa văn trên nền trang phục H'Mông chủ yếu là các hoa văn hình học. Đó là những khối hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi… Những mô típ quen thuộc trên nền vải HMông mang những tên gọi có tính chất ước lệ, thấy hoa văn gần giống vật gì quen thuộc thì dùng tên vật đó để gọi hoa văn như hoa văn rau dớn “jâujsuôi”, khóa đuôi ngựa “khatunênhl”, chân gà “tơukay”, hoa hướng dương “pangxnongjrili”, hoa đào “pangxtxiđnô”… Ngoài ra còn có một số hoa văn hình học khác được phân bố xen cài bên nhau tôn thêm vẻ đẹp cho hoạ tiết chính của hoa văn hình tam giác “pếjphang”, hoa văn răng cưa, các đường viền, đường nhánh… Trong các họa tiết, nổi bật là hoa văn xoáy từng cặp đôi, cặp bốn. Các hình xoáy ốc kết hợp với nhau trong một ô vuông tạo thành mô típ trang trí có tám hình xoắn ốc. Hình xoắn ốc này theo truyện cổ H'Mông Mù Cang Chải

là hình cong của sừng trâu, con vật dùng trong lễ hiến tế người chết. Đặc biệt trong một số mũ của trẻ em cũng thêu và ghép vải hình xoắn ốc. Có mũ ghép vải nhô lên như sừng trâu, nhằm ngăn ngừa các loại ma ác. Hoa văn rau dớn ở gấu váy cũng là hoa văn hình xoắn ốc. Nhưng thực ra đó chính là mô típ chữ S nằm ngang - chữ từng xuất hiện trên nhiều đồ án trang trí Đông Sơn. Mô típ này thể hiện sự vận động liên tục theo chu kỳ. Mô típ sao tám cánh cũng xuất hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Đó là dạng vòng tròn ở giữa có tám hình tam giác ghép thành bốn cặp tạo nên hoa văn hoa đào, hoặc phức tạp hơn như hoa văn mặt trời, gồm nhiều môtíp sao tám cánh chồng chất trong một ô vuông theo từng lớp. Thậm chí mô típ sao tám cánh còn vỡ vụn ra hoặc phân bố theo từng dải hoa văn in sáp. Ở vùng cao nương bí, nương dưa với những hoa dưa, hoa bí luôn là hình ảnh quen thuộc với người HMông, nhà nào cũng trồng dưa, trồng bí, cô gái nào cũng tận tình chăm sóc nương dưa bí. Quả bí, bầu là hình tượng sản sinh ra các dân tộc, các dòng họ. Quả bí còn sinh ra các dũng sĩ tài ba trong truyện cổ tích thần kỳ của người H'Mông. Do đó hoa dưa, cây bí (hoa quả) đã đi vào dân ca, vào nghệ thuật tạo hình, được các cô gái trang trí nhiều nhất là gấu váy và hai tấm vải che váy. Hoa dưa “pangjxđij” được cách điệu thành nhiều dáng vẻ khác nhau. Có mẫu hoa dưa chỉ điểm xuyết hoặc là những chấm nhỏ ghép lại. Nhưng dù được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, hoa dưa vẫn giữ đặc trưng là những hình kỷ hà ghép lại thành hoa bốn cánh. Qua thực tiễn lao động sản xuất với sự quan sát tinh tế, người phụ nữ H'Mông đã khái quát hóa những hình ảnh quen thuộc thành những hình tượng nghệ thuật giàu thẩm mĩ.

Thứ ba, cũng như hoa văn nhiều dân tộc khác, hoa văn dân tộc HMông có bố cục thành dải: dải ngang và dải dọc. Mỗi dải hoa văn thường có bố cục ở giữa là họa tiết hoa văn thêu chủ đạo khổ lớn, phía rìa các dải là hoa văn thêu có tiết diện nhỏ hẹp bề ngang bọc. Trên nền chùm của váy,

dải ngang gấu váy rực rỡ hoa văn. Dải ngang hoa văn còn xuất hiện cả trên thắt lưng đầu tấm vải che váy, nằm trên ống tay áo. Ngay ở các đồ trang sức, dải ngang hoa văn cũng được trạm khắc khá công phu. Và các dải dọc nữa, dải dọc hoa văn in sáp ong chạy song song sát nhau trên thân váy, chạy thành hàng dọc trên tấm vải che váy (tạp dề). Tập trung các dải thành khối dày là đặc điểm của bố cục thành dải trên nền trang phục H'Mông. Hai tấm vải che thân váy (ở phía trước và phía sau) gồm nhiều dải dọc chạy song song ken dày bên nhau, tạo thành hai dải lớn. Thắt lưng cũng là dải ngang lớn. Gấu váy chính là dải ngang khổ rộng 15 – 20 cm gồm nhiều họa tiết thêu, chắp vải. Từ xa nhìn, bộ váy H'Mông tạo thành ba mặt phẳng lớn: ở thân váy (tấm che phía trước và phía sau) là một dải dọc lớn, thắt lưng và gấu váy là hai dải ngang lớn. Nhằm tôn thêm độ dày của các khối này, các họa tiết không phân tán mà kề sát bên nhau thành dải. Các dải lại tập trung thành mặt phẳng lớn. Các họa tiết văn hoa HMông ở phía ngoài riềm thường nhỏ li ti (trừ họa tiết chính ở giữa có khổ lớn). Vì là họa tiết nhỏ nên nếu không tập trung, hoạ tiết sẽ tan ngay trên nền váy chàm. Nhưng chúng thường bị dồn lại, chồng xít thành dải thì nó lại trở thành một mặt phẳng lớn, vượt khỏi nền chàm, hiện lên từ xa, tạo nên đặc điểm rực rỡ của trang phục H'Mông. Điểm đáng lưu ý, các băng dải này được kết hợp với nhau bằng nhiều kiểu khác nhau, có băng dải mỏng xen với vải dày, có băng dải hoa văn nẳm trên nền thêu nằm kề dải hoa văn ghép vải. Bên cạnh bố cục thành dải, một số đồ án trang trí hoa văn H'Mông như ở cổ áo phía sau của nữ giới hoặc ở tấm vải trải gối cho người chết còn có bố cục thành ô. Ở đây các hình hoa văn bốn cánh hoặc móc câu thường được đóng khung trong ô hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình thoi. Như vậy bố cục ở đây đan xen bố cục thành dải tạo ra cảm giác hoa văn H'Mông khá phong phú, nhiều loại hình. Sự kết hợp nhiều kiểu như vậy làm cho đồ án trang trí không đơn điệu mà trái lại có nhiều đường nét, luôn sống động, tạo hiệu

quả đập ngay vào mắt, nổi bật từ xa.

Một phần của tài liệu luận văn Đời sống văn hóa tinh thần của người H''Mông ở huyện Mù Cang Chải – Yên Bái (Trang 69 - 76)