đẹp của dân tộc đồng thời đẩy mạnh giao lưu tiếp thu giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, làm giàu văn hóa dân tộc
Văn hóa là dòng chảy xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai của một dân tộc. Không có sự thay thế văn hóa mà chỉ có sự kế thừa, chuyển đổi, thích nghi… Kế thừa là một trong những tính quy luật của sự phát triển văn hóa, kế thừa là tất yếu khách quan. Văn hóa dân tộc H'Mông nếu không dựa vào di sản văn hóa truyền thống, không bám rễ vào văn hóa dân gian thì không thể phát triển (12;43).
Văn hóa truyền thống dân tộc H'Mông là sản phẩm của lịch sử mang tính lịch sử, tính giai cấp, có những yếu tố văn hóa truyền thống phù hợp với xã hội hiện nay, nhưng cũng có những yếu tố lỗi thời, lạc hậu so với yêu cầu cuộc sống hiện hành. Vì vậy không quan niệm đã kế thừa là kế thừa mọi yếu tố của truyền thống mà là kế thừa có chọn lọc. Tiêu chí (nguyên tắc) của sự chọn lọc đó là các yếu tố di sản văn hóa “có khả năng thích ứng và phù hợp với xã hội mới và con người mới hay không” nói cụ thể là nó phù hợp với nội dung xã hội chủ nghĩa của nền văn hóa mới hay không. Đó là những giá trị thẩm mỹ, lịch sử, đạo đức và nhân văn có tính nhân loại bền vững lâu dài.
Văn hóa truyền thống H'Mông ở Mù Cang Chải là văn hóa dân gian có đặc trưng là tổng thể nguyên hợp. Do đó, khi kế thừa và phát huy có chọn lọc văn hóa truyền thống phải tôn trọng nguyên tắc tổng thể của văn hóa. Mỗi yếu tố của văn hóa đều gắn liền với một hệ thống văn hóa. Lễ thờ cúng thổ thần gắn liền với vấn đề bàn bạc quy ước của “giao” trong buổi “Nào xồng”. Lễ cúng tổ tiên, cúng các vị thần gắn liền với phần hội “Gầu tào”. Hoạt động nghệ thuật chưa tách khỏi hoạt động tín ngưỡng. Tín
ngưỡng còn tạo ra không gian thiêng, thời gian thiêng trong lễ hội, củng cố ý thức cộng đồng của người H'Mông (phản ánh trong lễ gọi hồn đặt tên, lễ cầu sức khỏe, lễ đuổi ma tà “Tu su”, lễ “Nào xồng”…). Tín ngưỡng gắn chặt với hoạt động văn hóa. Vì vậy cần phải tôn trọng tín ngưỡng của người H'Mông. Quan niệm ấu trĩ của một thời lấy lý do bài trừ mê tín dị đoan cấm tổ chức “Nào xồng”, “Gầu tào” đã dẫn đến hậu quả triệt tiêu sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Đặc biệt chú ý không áp đặt quan niệm giản đơn, ấu trĩ, xóa bỏ những yếu tố cấu thành văn hóa truyền thống, cắt xén yếu tố cơ bản làm ảnh hưởng quan hệ tổng thể. Nguyên tắc này cần được thực hiện ngay cả trong khâu “cải biên”, “nâng cao” vốn nghệ thuật quần chúng, không thể áp dụng quan niệm “bình cũ rượu mới” một cách tràn lan trong việc kế thừa di sản nghệ thuật.
Mỗi một dân tộc có yếu tố văn hóa riêng, có giá trị với hệ thống riêng. Các yếu tố, hệ thống và toàn bộ sắc thái riêng trong văn hóa dân tộc tạo thành đặc trưng văn hóa tộc người. Chính những đặc trưng riêng đó tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy nguyên tắc kế thừa thứ ba trong kế thừa văn hóa truyền thống phải chú ý kế thừa, phát huy tất cả những gì tạo nên cái độc đáo, đặc sắc, riêng biệt của dân tộc (có khả năng thích ứng với cuộc sống hiện tại). Người Nhật tự hào với bộ y phục truyền thống Kimono, với “trà đạo”, nghệ thuật cắm hoa… Người Việt tự hào với làn điệu quan họ, với nghệ thuật chèo, với tà áo dài và chiếc nón bài thơ thì người H'Mông cũng tự hào với cây khèn và điệu múa khèn, với nghệ thuật tạo hình trên chiếc váy độc đáo, với ý thức cộng đồng… Nguyên tắc này đòi hỏi những người lãnh đạo, những người làm công tác quản lý văn hóa phải có thái độ trân trọng văn hóa dân tộc, không được nhìn và hành động đối với văn hóa qua lăng kính của dân tộc mình, chưa coi trọng những yếu tố độc đáo, giàu bản sắc văn hóa H'Mông. Chỉ nhìn và quản lý văn hóa H'Mông với con mắt của người hiện đại với lăng kính của người Việt
(Kinh) chắc chắn gây những hậu quả tiêu cực cho văn hóa [29:18].
Kế thừa di sản văn hóa dân tộc phải gắn liền với vấn đề nâng cao phát triển văn hóa. Văn hóa dân gian H'Mông ra đời trong xã hội nông nghiệp, quan hệ cộng đồng được đề cao. Ngày nay trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp xúc với các yếu tố văn hóa mới đòi hỏi nền văn hóa H'Mông phải được nâng cao theo hướng hiện đại hóa nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Trong đời sống văn hóa tinh thần H'Mông, nâng cao phát triển văn nghệ truyền thống càng là yêu cầu cấp bách. Nghệ thuật truyền thống chậm đổi mới, nâng cao nên khó phát huy giá trị, đồng thời không phù hợp với thị hiếu của thanh niên. Nghệ thuật truyền thống (âm nhạc, múa, dân ca…) là loại hình nghệ thuật thiên về ước lệ, đề cao cái “Ta”[30;216].
Văn hóa dân gian là văn hóa của đời thường nhưng ngày nay để phản ánh cuộc sống đang sôi động, nhu cầu của công chúng có xu hướng đòi nâng cao, đòi “sân khấu” hóa. Do đó các loại hình nghệ thuật truyền thống phải nâng cao, phát triển phù hợp với thị hiếu của người dân.
Giao lưu văn hóa là động lực phát triển văn hóa. Trong lịch sử, văn hóa dân tộc H'Mông đã giao lưu, tiếp xúc với một số nền văn hóa các dân tộc láng giềng. Giao lưu văn hóa ngày nay đã trở thành một qui luật phát triển văn hóa tộc người. Ở Mù Cang Chải hiện đang diễn ra quá trình giao lưu văn hóa người H'Mông và các dân tộc anh em. Trong giao lưu văn hóa, nhiều yếu tố văn hóa của người Việt, các yếu tố văn hóa mới – văn hóa công nghiệp đang chuyên chở vào xã hội H'Mông. Ngày nay, người H'Mông cư trú cùng với các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Điều kiện giao tiếp càng phát triển, không chỉ giao tiếp trực tiếp mà còn mở rộng khả năng giao tiếp gián tiếp thông qua thông tin đại chúng. Nhiều yếu tố văn hóa của người H'Mông và các dân tộc anh em có những đặc điểm gần gũi. Một số yếu tố văn hóa của người Việt và các dân tộc anh em phù hợp với nhu cầu văn hóa của người H'Mông nên được người H'Mông dễ tiếp thu.
Đúng như nhận định của nhà dân tộc học Liên Xô (cũ) V.Chunov: “Tác động bên ngoài được tiếp thu ngày càng đầy đủ hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn khi những nền văn hóa tiếp xúc nhau càng gần nhau hơn về mặt thời gian, loại hình lịch sử… bởi lẽ số phận của sự kích thích bên ngoài phần lớn phụ thuộc vào việc nó phù hợp đến đâu với những xu hướng phát triển bên trong hoặc chí ít là không nên mâu thuẫn với nó” [33;17].
Trong giao lưu văn hóa, người Việt với cư dân đông đại diện cho văn hóa quốc gia có vai trò rất quan trọng. Người Việt, văn hóa Việt thực sự là cầu nối văn hóa H'Mông giao tiếp với các giá trị văn hóa hiện đại. Văn hóa mới, văn hóa hiện đại văn hóa của xã hội công nghiệp thông qua người Việt sẽ đến với vùng người H'Mông. Tuy nhiên trong quá trình giao lưu văn hóa cần tránh cả hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là áp đặt văn hóa mới, áp đặt văn hoá người Việt đến vùng người H'Mông. Khuynh hướng thứ hai là đóng kín không gian, môi trường giao tiếp, chối bỏ giao tiếp. Cả hai khuynh hướng này đều kìm hãm sự phát triển văn hóa dân tộc H'Mông ở Mù Cang Chải.