Lối sống và sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 37 - 48)

3. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết

1.1.2.Lối sống và sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

* Lối sống, cấu trúc của lối sống, tính quy luật của sự hình thành và phát triển lối sống

Khái niệm lối sống

Theo quan điểm duy vật lịch sử, lối sống của con người luôn chịu sự quy định của phương thức sản xuất và điều kiện vật chất của xã hội. Phương thức sản xuất là nhân tố cơ bản, quy định cách sống của con người trong từng giai đoạn nhất định của lịch sử. Phương thức sản xuất khác nhau sẽ tạo nên lối sống khác nhau. Địa vị kinh tế, xã hội khác nhau cũng hình thành lối sống khác nhau. Lối sống của giai cấp quý tộc phong kiến khác với lối sống của

giai cấp nông nô, khác với lối sống của giai cấp tư sản. Như vậy, lối sống mang tính giai cấp. Mặt khác, lối sống của con người còn là bức tranh phản chiếu hệ chuẩn giá trị đã được cộng đồng dân tộc thừa nhận, luôn gắn với hệ thống giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc đó, do đó, lối sống còn mang tính dân tộc. Bên cạnh đó, lối sống còn phản ánh thái độ, giá trị, thế giới quan cá nhân, thể hiện bản sắc cá nhân, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của cả tập quán tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Do đó, lối sống vừa mang tính xã hội, vừa mang tính cá nhân, là biểu hiện của “cái xã hội trong cái cá nhân” [94, tr.28]. Như vậy, lối sống là cách mà con người và cộng đồng người sống dựa trên một tiền đề kinh tế - văn hoá - xã hội nhất định. Lối sống là biểu hiện cụ thể của phương thức sống. Cùng một phương thức sống, nhưng con người ở các cộng đồng, các xã hội khác nhau, trong điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau có thể có những lối sống khác nhau.

Trong nhiều công trình khoa học đã được công bố, vấn đề lối sống trong quan hệ với những phạm trù khác như lý tưởng sống, phong cách sống, mức sống, chất lượng sống đã được luận giải thấu đáo. Trong phạm vi nghiên cứu này, đề tài bước đầu xem xét cấu trúc của lối sống cũng như quy luật hình thành và phát triển lối sống.

Cấu trúc của lối sống

Có thể xem xét các yếu tố cấu thành lối sống từ các lát cắt khác nhau. Nếu nhìn đời sống con người từ hai lĩnh vực cơ bản là đời sống vật chất và đời sống tinh thần, có thể xem lối sống bao gồm khía cạnh vật chất và khía cạnh tinh thần. Khía cạnh vật chất của lối sống biểu hiện ở cách thức tiến hành lao động, thiết lập các quan hệ lao động và cách thức thoả mãn nhu cầu vật chất của con người. Khía cạnh tinh thần của lối sống biểu hiện chủ yếu ở phương thức sáng tạo, sử dụng và lưu giữ các giá trị tinh thần như văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ, là sự phản ánh đời sống vật chất của lối sống và do nội dung vật chất quy định. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có lối sống văn hoá, với những giá trị cao đẹp, lại được tạo dựng trên nền tảng vật chất nghèo nàn, lạc hậu và khi điều kiện vật chất

đã thay đổi, những yếu tố của lối sống cũ vẫn được bảo tồn và phát huy trong thời kỳ mới, như lối sống trọng tình nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nếu nhìn từ các lĩnh vực trong đó hoạt động sống của con người được thực hiện, thì lối sống biểu hiện qua những hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, hoạt động tiêu dùng, sinh hoạt, giao tiếp, trong đó, hoạt động kinh tế đóng vai trò quyết định. Cách thức hoạt động chính trị, xã hội, cách thức tiêu dùng hay ứng xử, giao tiếp hàng ngày của con người xét đến cùng đều bị quy định bởi phương thức hoạt động kinh tế, và ngược lại, cách thức hoạt động của con người trong lĩnh vực chính trị, xã hội, sinh hoạt, tiêu dùng hay giao tiếp đều tác động đến hoạt động kinh tế ở những mức độ khác nhau. Lát cắt này cho phép xem xét lối sống trong tính cụ thể với những mối quan hệ, những lĩnh vực cụ thể mà mỗi thành viên trong cộng đồng thực hiện phương thức sống của mình.

Nếu xét theo chiều sâu hoạt động sống của con người với tính cách một chủ thể có ý thức, lối sống bao gồm mặt tư tưởngmặt thực tiễn. Mặt tư tưởng của lối sống, thể hiện ở quan điểm, nhận thức về lối sống trong đó “lẽ sống là nhân lõi tinh thần của lối sống, nó quy định mặt ý thức, tình cảm, lý tưởng và mục tiêu của lối sống” [39], thể hiện thế giới quan cá nhân, có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho lối sống. Mặt thực tiễn của lối sống, thể hiện ở thái độ và hành động sống. Thái độ là sự biểu hiện ra bên ngoài của tư tưởng. Hành động sống là sự hiện thực hóa quan điểm, lẽ sống, là kết quả của sự lựa chọn các chuẩn mực giá trị và của sự chuyển hóa từ nhận thức, thái độ sang hành động. Một quan điểm sống đúng đắn theo các chuẩn mực giá trị, sẽ hình thành động cơ thúc đẩy sự lựa chọn thái độ sống phù hợp và thực hiện hành vi theo các giá trị văn hóa như là các hành động có tính người, khẳng định giá trị làm người. Ngược lại, những quan niệm sai lầm về lối sống có thể dẫn đến những thái độ và hành động lệch lạc, phản văn hoá, thậm chí có thể gây nguy hại cho cá nhân và cộng đồng. Như vậy, trong lối sống có sự thống nhất giữa điều kiện khách quan của cuộc sống với sự lựa chọn có chủ đích của con

người về chuẩn mực, thái độ bên trong của mỗi cá nhân và cộng đồng, có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa quan điểm, thái độ và hành vi. Lối sống luôn phụ thuộc vào đặc điểm của hình thái kinh tế - xã hội, vào nền văn hóa, vào chuẩn giá trị xã hội mà cá nhân lựa chọn và hấp thu, đồng thời cũng biểu hiện thế giới quan và nhân sinh quan của cá nhân cũng như cộng đồng. Lối sống cũng có quy luật hình thành và phát triển của nó.

Tính quy luật của sự hình thành, phát triển lối sống

Lối sống không được sinh ra cùng bản thân cá nhân con người. Với tính cách là những hoạt động và cách thức tiến hành hoạt động sống của con người, lối sống của mỗi cá nhân hay cộng đồng là kết quả của quá trình tích luỹ hiểu biết, rèn luyện thói quen cùng sự trưởng thành về thể chất và tinh thần của chính họ. Dựa trên thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trước đó, có thể khái quát quy luật hình thành và phát triển lối sống như sau:

Thứ nhất, sự hình thành và phát triển lối sống là quá trình thống nhất giữa cá nhân và xã hội. Con người vốn là thực thể thống nhất giữa cái sinh vật và cái xã hội, và về bản chất là “tổng hoà các quan hệ xã hội”. Quá trình con người hoàn thiện bản chất xã hội cũng là quá trình từng bước hình thành lối sống, vừa có sắc thái cá nhân, vừa mang dấu ấn xã hội, trong đó cái xã hội giữ vai trò quyết định bản chất xã hội của lối sống, cái cá nhân tạo nên sắc thái riêng, những nét đặc thù trong nhận thức cũng như thực hành lối sống của con người. Sự hình thành và phát triển lối sống, do đó, cũng là quá trình xã hội hoá cá nhân

- tức quá trình hình thành, tạo lập và phát triển lối sống của mỗi người dưới tác động của các nhân tố xã hội để làm hoàn thiện tính xã hội của lối sống. Mặt khác, đó cũng là quá trình cá nhân hoá xã hội - tức quá trình khẳng định tính chủ thể của lối sống và thông qua lối sống để tác động trở lại thế giới hiện thực, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển đó.

Thứ hai, sự hình thành và phát triển lối sống là quá trình thống nhất giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, lối sống của mỗi cá nhân hay cộng đồng đều chịu sự quy định của những điều kiện khách

quan như môi trường tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, đồng thời hiện diện cả các yếu tố truyền thống, hiện đại. Khi những điều kiện đó thay đổi, nhất là điều kiện kinh tế, lối sống của con người sớm muộn cũng sẽ thay đổi theo. Mặt khác, là chủ thể hành động, con người nhận thức, đánh giá, lựa chọn và tiếp nhận những tác động từ bên ngoài, chuyển hoá nó thành những phẩm chất bên trong và biểu hiện thông qua mặt thực tiễn của lối sống. Quá trình đó tuỳ thuộc vào năng lực, phẩm chất, trí tuệ, tâm hồn của mỗi cá nhân. Cùng một môi trường kinh tế - xã hội, có cá nhân hình thành được lối sống tiến bộ, tích cực, có cá nhân lại tập nhiễm lối sống tiêu cực, lạc hậu. Cùng một lối sống tiến bộ, tích cực, nhưng sự thẩm thấu và biểu hiện cái tích cực thông qua thái độ, hành vi ở mỗi cá nhân cũng khác nhau. Lối sống của mỗi con người, vừa là kết quả của điều kiện khách quan, vừa mang dấu ấn của nhân tố chủ quan.

Thứ ba, sự hình thành và phát triển lối sống là quá trình thống nhất giữa giáo dục và tự giáo dục. Giáo dục là sự tác động một cách tự giác, có chủ đích của các chủ thể xã hội đến mỗi cá nhân nhằm truyền thụ các tri thức, kinh nghiệm, văn hoá dân tộc và nhân loại. Sự chiếm lĩnh các tri thức đó và tự chuyển hoá thành nhận thức, kỹ năng của mỗi cá nhân một cách chủ động, tích cực, tự giác là sự tự giáo dục. Lối sống của con người được hình thành từ thực tiễn xã hội với vô vàn mối quan hệ mà trong đó, mỗi thành viên tiếp nhận giá trị, rèn luyện thói quen, định hình lối sống của mình cho phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực của xã hội. Quá trình tự giáo dục đòi hỏi cá nhân phải có tính tích cực thực sự, thường xuyên điều chỉnh nhận thức, thái độ của mình theo định hướng giáo dục của xã hội, tự rèn luyện thói quen, hành vi của mình trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trong mối quan hệ giữa giáo dục và tự giáo dục để hình thành lối sống, quá trình tự giáo dục của cá nhân giữ vai trò quyết định. Chỉ khi nào các chủ thể tự ý thức trong việc tiếp nhận các giá trị xã hội, chuyển hoá thành nhận thức, quan điểm, hình thành lẽ sống và hiện thực hoá nó thông qua các hoạt động sống của mình, khi đó việc giáo dục lối sống mới thực sự có ý nghĩa.

Hình thành và phát triển trên cơ sở thực tiễn, lối sống của con người biểu hiện ra như sự thống nhất và đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa xã hội hoá cái cá nhân với cá nhân hoá cái xã hội, giữa chủ quan hoá cái khách quan và khách quan hoá cái chủ quan. Lối sống là một phạm trù “động“ với một cấu trúc phức tạp, có quy luật hình thành và phát triển, phản ánh cả phương diện xã hội và bản sắc cá nhân. Đây là cơ sở để tiếp cận lối sống thanh niên và phát triển lối sống thanh niên cũng như xem xét vai trò của giá trị văn hoá truyền thống đối với sự phát triển đó.

* Đặc điểm lối sống thanh niên và sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

Thanh niên là nhóm xã hội - dân cư trong độ tuổi từ 15 - 30, sống và làm việc trong nhiều lĩnh vực, môi trường khác nhau, có nhiều đặc điểm khác nhau về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ nhận thức, nhu cầu, thị hiếu, định hướng và lựa chọn giá trị. Người ta cũng thường dùng các khái niệm như

lớp trẻ, thế hệ trẻ, tuổi trẻ để chỉ nhóm đối tượng này, mặc dù nội hàm của nó không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm thanh niên. Ở lĩnh vực và địa bàn nào, lực lượng xã hội này cũng có những nét chung điển hình. Đó là lớp người trẻ tuổi, giàu năng lượng sống cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiệt huyết, sáng tạo, nhạy bén, ưa thử nghiệm, sẵn sàng dấn thân cho những hoài bão và khát vọng của mình là những ưu trội vượt bậc của thanh niên mà các lứa tuổi khác khó sánh được. Sự nhạy cảm về tâm hồn và khát vọng hướng thiện khiến thanh niên rất gần với văn hoá và dễ tiếp nhận văn hoá. Tuổi trẻ thường ít chấp nhận sự trì trệ, bảo thủ, cũ kỹ, lạc hậu, nhạy cảm với cái mới và dễ nhập cuộc với những xu thế mới của thời đại nhưng cũng là những người thích mạo hiểm, mơ mộng, dễ thay đổi về tâm tính, hành vi bồng bột, cả tin và dễ bị kích động, dễ bị tổn thương, đặc biệt trong lứa tuổi 15 - 18. Bên cạnh đó, thanh niên là một chủ thể đang phát triển, đang định hình cái tôi cá nhân trong sự tác động mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Với không gian hoạt động và giao tiếp ngày càng rộng mở, thanh niên đứng trước nhiều lựa chọn, có

nhiều cơ hội và thời gian để thử nghiệm các quan niệm, các giá trị, các khuân mẫu, đồng thời có thể tự sáng tạo ra những hình mẫu, giá trị của mình như một sự khẳng định “cái tôi trưởng thành”. Vì vậy, việc định hướng và giáo dục để thanh niên có một lẽ sống đúng đắn, lối sống cao đẹp, cuộc sống có ý nghĩa luôn là trách nhiệm của cả cộng đồng và mỗi thành viên trong xã hội.

Lối sống của thanh niên

Khái niệm lối sống của thanh niên không vượt ra ngoài nội hàm của khái niệm lối sống nói chung. Lối sống của thanh niên là cách mà một thế hệ đặc thù của xã hội sống dựa trên một tiền đề kinh tế - văn hoá - xã hội nhất định gắn với những đặc điểm tâm lý, tính cách của tuổi trẻ. Ngoài những đặc điểm chung của lối sống như tính giai cấp, tính dân tộc, ảnh hưởng của tập quán tín ngưỡng, tôn giáo, lối sống thanh niên còn thể hiện những sắc thái riêng mang đặc trưng của lứa tuổi thanh niên.

Thứ nhất, là lứa tuổi đang phát triển cả về thể chất và tinh thần, tích luỹ tri thức và kinh nghiệm sống, thanh niên có xu hướng tách khỏi sự nuôi dưỡng, bao bọc của gia đình, bước vào môi trường xã hội rộng mở với tính cách một chủ thể độc lập để tham gia vào quá trình sản xuất cũng như các hoạt động xã hội. Bản thân họ đang trong giai đoạn tiếp nhận, sàng lọc và lựa chọn giá trị để định hình quan điểm, lẽ sống, thái độ, hành vi, vì vậy, lối sống của họ chứa đựng những yếu tố chưa vững chắc, chưa ổn định, dễ thay đổi.

Thứ hai, lối sống thanh niên mang đặc trưng của sức trẻ, có tính trội là hướng ngoại, dễ bị hấp dẫn bởi lối sống hiện đại, hướng đến tương lai hơn là quan tâm đến quá khứ. Trí tuệ, sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, hơn nữa dám nghĩ khác, làm khác đã khiến cho lối sống thanh niên luôn có sự tươi mới, năng động và một diện mạo riêng, khác với các tầng lớp, lứa tuổi khác. Tuy nhiên, lối sống đó cũng tiềm ẩn nguy cơ vô định hình, mất phương hướng nếu chưa chuẩn bị đủ vốn tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm và bản lĩnh cần thiết.

Thứ ba, thanh niên là lứa tuổi đang muốn khẳng định cái tôi cá nhân, muốn vượt qua những lề thói, khuôn phép, chuẩn mực cũ để thích ứng với cái

mới, cái hiện đại. Xu hướng vừa hoài nghi, vừa muốn tự trải nghiệm lối sống mới làm cho thanh niên dễ phạm sai lầm, dù đây là lứa tuổi thường không ngại sai lầm. Khát vọng thay đổi, kiến tạo cái mới để khẳng định mình là điểm tích cực ở thanh niên, xét theo logic của sự phát triển, nhưng cũng dễ

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 37 - 48)