3. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết
2.2.1. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy vai trò của giá trị văn hoá truyền thống nhằm phát triển lối sống thanh niên Việt Nam với sự hạn chế
truyền thống nhằm phát triển lối sống thanh niên Việt Nam với sự hạn chế về phương pháp của các chủ thể xã hội trong quá trình thực hiện
Phát triển lối sống thanh niên Việt Nam là quá trình thống nhất biện chứng giữa khách quan và chủ quan, giáo dục và tự giáo dục, giữa nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, khảo sát thực trạng phát huy vai trò GTVHTT trong phát triển lối sống thanh niên Việt Nam hiện nay, cho thấy phần đông thanh niên vẫn nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các GTVHTT đối với sự phát triển xã hội hiện nay nói chung và phát triển lối sống thanh niên nói riêng. Họ có thể nhận biết những giá trị văn hoá quý giá mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng, thậm chí thấy được sự cần thiết phải thực hành theo các giá trị đó, nhưng trong quá trình thực hành lối sống, trong thái độ, hành vi, cách ứng xử của lớp trẻ hiện nay, lại có nhiều biểu hiện cho thấy sự lệch lạc, thiếu văn hoá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách, lối sống của họ. Điều đó cho thấy, đang tồn tại mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy vai trò của GTVHTT nhằm phát triển lối sống thanh niên với vấn đề phương pháp, cách thức của các chủ thể xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục các GTVHTT cũng như tạo điều kiện phát huy sức mạnh của các giá trị đó cho phát triển lối sống thanh niên hiện nay. Mâu thuẫn đó biểu hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong thời gian qua, việc chuyển tải các GTVHTT dân tộc thường được thực hiện bởi các phương pháp hành chính là chủ yếu. Các chỉ
thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, các nghị quyết của các tổ chức chính trị, xã hội của thanh niên có vai trò quan trọng trong việc định hướng và tạo cơ chế cho việc chuyển hoá các GTVHTT đến thế hệ trẻ, nhưng vấn đề là ở việc cụ thể hoá và đưa các nội dung đó đến với thanh niên, đi vào nhận thức của thanh niên, hình thành ở họ quan điểm, lẽ sống theo tinh thần nhân văn, nhân đạo của văn hoá truyền thống dân tộc, hơn nữa, giúp họ thường xuyên rèn luyện để hình thành một lối sống văn hoá.
Trong nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Các văn kiện đó đều được các chủ thể xã hội tiếp nhận, từng bước triển khai và đưa vào cuộc sống. Với mong muốn lớp trẻ hiểu biết và có thể thực hành lối sống của mình theo các giá trị văn hoá một cách nhanh chóng, các chủ thể giáo dục thường sử dụng các biện pháp hành chính, bởi nó đơn giản, ngắn gọn, dễ thực hiện. Nội dung các GTVHTT vốn giàu tính thiện, tính thẩm mỹ và tinh tế, cần phải được chuyển tải bằng con đường văn hoá, với phương pháp, cách thức văn hoá, nhưng lại được truyền đạt chủ yếu bởi các mệnh lệnh hành chính, mang nặng tính thủ tục, hình thức, nhiều khi trở nên máy móc, áp đặt, làm giảm đi ý nghĩa tốt đẹp của các giá trị đó. Thực tế cho thấy, nếu chỉ sử dụng các biện pháp hành chính, các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc sẽ chỉ dừng văn bản chứ không thể tự chuyển hoá thành tư tưởng, tình cảm, thái độ và hành động văn hoá của lớp trẻ. Các biện pháp có tính mệnh lệnh hành chính là cần thiết trong việc thiết lập nền nếp, kỷ cương xã hội, nhưng để các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc thực sự thấm trong trái tim, khối óc, lay động tâm hồn của thế hệ trẻ, trở thành lối sống của họ thì việc áp dụng giản đơn các biện pháp đó sẽ không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí phản tác dụng.
Thứ hai, trong phạm vi gia đình, hơn ai hết, các bậc ông bà, cha mẹ là những người mong mỏi thiết tha với sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Các
chuẩn mực văn hoá ứng xử trong gia đình, từ ngôn ngữ, cử chỉ, trang phục, thái độ, hành vi, đến tư tưởng, tình cảm thường được các thế hệ đi trước định hướng, rèn rũa, giúp các em hình thành một lối sống phù hợp với thuần phong mỹ tục, với các giá trị văn hoá, đạo lý làm người. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, áp lực của đời sống ngày càng hiện đại, những đòi hỏi của sự mưu sinh khiến nhiều gia đình buông lỏng vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, việc duy trì phương pháp giáo dục truyền thống, áp đặt một chiều cùng sự thiếu hiểu biết tâm sinh lý lứa tuổi, ít lắng nghe, ít thấu hiểu, thấu cảm thanh niên cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo dục, rèn luyện lối sống của các em. Không ít các bậc cha mẹ dùng mệnh lệnh quyền uy với con cái, gò ép lối sống các em vào các khuôn mẫu, chuẩn mực định sẵn và hệ quả là các em có phản ứng tiêu cực, bất hợp tác, thậm chí có những hành vi bồng bột, để lại những hậu quả đáng tiếc. Nhiều gia đình đứng trước mâu thuẫn giữa tình yêu thương, ước vọng về sự toàn thiện, toàn mỹ của con cái với sự bất lực của bản thân khi các biện pháp giáo dục không mang lại kết quả như ý muốn. Hiện tượng các em bỏ nhà “đi bụi”, (nhất là tuổi vị thành niên), sa vào các tệ nạn, thậm chí hủy hoại cuộc sống của chính mình để lại những bài học đau lòng cho các gia đình về cách giáo dục các giá trị sống cho con em mình, trong đó có các giá trị văn hoá.
Thứ ba, trong môi trường học đường, việc tuyên truyền, giáo dục GTVHTT cho thanh niên đã từng bước được thực hiện gắn với nội dung giáo dục của các môn học cũng như các hoạt động chuyên đề, các phong trào thi đua trong nhà trường. Tuy nhiên, như nhiều nội dung giáo dục khác, các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc vẫn được truyền thụ chủ yếu bởi các phương pháp giáo dục truyền thống. Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng cách mà các thầy giáo, cô giáo rèn luyện, giáo dục truyền thống cũng như định hướng lối sống cho thế hệ trẻ phần lớn vẫn thiếu sự hấp dẫn, lôi cuốn, gắn bó các em với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Văn hoá truyền thống dân tộc vốn giàu tính nhân văn, nhưng cách thức lựa chọn nội dung cũng như phương thức chuyển
hoá các giá trị đó đến với tuổi trẻ nhiều khi giáo điều, xơ cứng. Việc có hàng ngàn thí sinh dự thi đại học bị điểm 0 môn Lịch sử, cũng như tỷ lệ các em chọn môn thi Lịch sử ở kỳ thi quốc gia những năm gần đây rất thấp cũng là một biểu hiện của sự thiếu gắn kết tuổi trẻ với lịch sử nói chung và với lịch sử, truyền thống, văn hoá dân tộc nói riêng. Có rất nhiều lý do giải thích cho tình trạng đó, nhưng nguyên nhân chính được các chuyên gia đưa ra là cách tiếp cận nội dung cũng như cách dạy và học môn học này ở phổ thông còn quá nhiều bất cập. Nếu điều này không được khắc phục, sẽ tạo nên một thế hệ bị hụt hẫng về kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc cũng như mất đi khả năng kế thừa các giá trị văn hoá tốt đẹp đó trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Một thế hệ không biết đến quá khứ, không hiểu truyền thống, sẽ không thể đứng vững để tạo lập cuộc sống có ý nghĩa ở hiện tại và tiến tới tương lai.
Thứ tư, việc truyền thụ giá trị truyền thống tới thế hệ trẻ là yêu cầu tất yếu của sự kế thừa và phát triển văn hoá, lối sống, cũng là yêu cầu tất yếu của sự tiếp nối thế hệ, nhưng điều đó không có nghĩa là níu kéo, ràng buộc tuổi trẻ bởi sợi dây truyền thống. Níu kéo thế hệ trẻ hay buông lỏng, tách họ ra khỏi truyền thống đều nguy hại như nhau. Thanh niên là lứa tuổi luôn khát khao, ước vọng vươn tới cái mới. Họ dễ bị hấp dẫn bởi những yếu tố của đời sống hiện đại như âm nhạc trẻ, thời trang, thị hiếu thẩm mỹ, kỹ thuật công nghệ mới v.v,… Do đó, việc chuyển tải các giá trị văn hoá truyền thống cũng như định hướng phát triển lối sống của họ theo các giá trị văn hoá không có nghĩa là đóng cửa, tách biệt thanh niên khỏi các giá trị hiện đại. Dám nghĩ, dám làm, hơn nữa dám nghĩ khác, làm khác cũng là biểu hiện bản lĩnh của thanh niên. Vượt qua chuẩn mực giá trị cũ để xác lập chuẩn mực giá trị mới cho lối sống thanh niên là một xu thế phát triển tích cực, cần được khuyến khích nếu các chuẩn mực đó phù hợp với quy luật phát triển và sự tiến bộ xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, lối sống trẻ trung, sôi động, hiện đại ở lớp trẻ thường bị xem là xa rời truyền thống, xa rời thuần phong mỹ tục, dễ bị quy chụp là lai căng, mất gốc. Sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, cách sống
của thanh niên nhiều khi chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức để có những điều chỉnh, định hướng phù hợp. Đó là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết tâm sinh lý tuổi trẻ, thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng, thiếu tính nhân văn trong ứng xử với lớp trẻ, nhất là với những khiếm khuyết, sai lầm của họ và đó cũng là nguyên nhân khiến không ít thanh niên tiềm ẩn sự phản ứng cực đoan với cộng đồng, với văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại. Thái độ thiên kiến của thế hệ đi trước không những hạn chế rất lớn đến việc tiếp nhận sự trao truyền giá trị của thế hệ sau, mà còn có thế làm thui chột những điểm tích cực, đáng quý trong phẩm chất và tâm hồn của chính thế hệ trẻ. Điều đó khiến cho những giá trị văn hoá quý giá của dân tộc, dù được thế hệ trẻ khẳng định, nhưng việc học tập và thực hành lối sống theo các giá trị đó vẫn còn hạn chế và chưa trở thành phẩm chất bền vững của họ. Do đó, hiệu quả của việc phát huy vai trò của GTVHTT nhằm phát triển lối sống thanh niên Việt Nam hiện vẫn chưa được như kỳ vọng của xã hội.
Rõ ràng, hình thức, phương pháp chuyển hoá các GTVHTT đến thanh niên và lối sống thanh niên vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của chính thanh niên cũng như yêu cầu chung của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá và con người Việt Nam hiện nay. Chính việc sử dụng các phương pháp không phù hợp, thậm chí có tính nửa vời, không chỉ gây ra những hiểu biết không đầy đủ về văn hoá truyền thống, cản trở việc phát huy vai trò của GTVHTT đối với sự phát triển mà còn vô hình chung góp phần tạo ra những lệch lạc trong nhận thức, thái độ, hành vi của không ít thanh niên hiện nay.