Mâu thuẫn giữa giữa yêu cầu phát huy vai trò của giá trị văn hoá truyền thống nhằm phát triển lối sống thanh niên với môi trường xã

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 113 - 119)

3. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết

2.2.3. Mâu thuẫn giữa giữa yêu cầu phát huy vai trò của giá trị văn hoá truyền thống nhằm phát triển lối sống thanh niên với môi trường xã

hoá truyền thống nhằm phát triển lối sống thanh niên với môi trường xã hội còn nhiều tiêu cực làm hạn chế vai trò đó

GTVHTT thúc đẩy sự phát triển lối sống thanh niên theo chiều hướng tiến bộ, tích cực, làm cho lối sống đó thể hiện được các giá trị nhân văn, mang vẻ đẹp của cái chân, thiện, mỹ, từ chiều sâu nhận thức, tư tưởng đến lẽ sống, khát vọng, ước mơ, từ thái độ, động cơ đến hành vi ứng xử văn hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện vai trò đó hiện đang chịu tác động của những nhân tố tiêu cực, có nguy cơ hạn chế, thậm chí làm giảm vai trò của GTVHTT đối với sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam. Có thể nhận diện mâu thuẫn đó ở những khía cạnh sau:

GTVHTT tạo nền tảng tinh thần, định hướng và điều tiết lối sống thanh niên theo chuẩn chân, thiện, mỹ. Lối sống đó đòi hỏi có sự hội tụ cả giá trị văn hoá truyền thống với các giá trị văn hoá hiện đại, lối sống đó không chỉ mang tính dân tộc, mà còn tương thích với các nền văn hoá và lối sống của các dân tộc khác trong quá trình hội nhập, phát triển. Phát triển lối sống thanh niên Việt Nam phải hướng tới sự định hình dấu ấn của thế hệ mới, trong thế kỷ XXI, với mức độ vượt trội cả về tính dân tộc, tính nhân văn, tính hiện đại, tính nhân loại. Thậm chí, toàn cầu hoá và sự phát triển đã và đang làm xuất hiện thế hệ công dân toàn cầu, với những yêu cầu mới về phẩm chất, kỹ năng, về khả năng thích ứng trước đòi hỏi của thế giới hiện đại, văn minh, mang tầm thời đại mà vẫn đậm dấu ấn dân tộc. Vì vậy, lối sống của thế hệ thanh niên mới, tất yếu phải đáp ứng được cả yêu cầu của việc bảo tồn, tiếp nối giá trị truyền thống lẫn yêu cầu hiện đại hoá truyền thống cũng như tiếp nhận giá trị mới, gia tăng hàm lượng văn hoá trong lối sống. Đó là xu thế phát triển tất yếu của lối sống thanh niên Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, khảo sát thực tiễn cho thấy, đã và đang xuất hiện những yếu tố nghịch chiều có xu hướng lôi kéo thanh niên xa rời các chuẩn văn hóa, hạn chế sự phát triển lối sống đó theo hướng tích cực. Cơ chế thị trường đặt mọi sự vật và các mối quan hệ trong sự mua bán lạnh lùng, sòng phẳng. Những toan tính lợi ích, cạnh tranh khốc liệt và sự thành bại, chênh lệch giàu nghèo cũng dẫn đến sự phân hóa đạo đức, lối sống trong các tầng lớp dân cư và cả thanh niên. Tâm lý ham chuộng vật chất, xem nhẹ tình người, lối quan hệ không gì khác ngoài “mối lợi lạnh lùng” và lối “trả tiền ngay không tình nghĩa”, mọi thứ đều có thể thương mại hóa, cân đong đo đếm bằng giá trị vật chất đơn thuần đang khiến một bộ phận dân cư trong đó có thanh niên sa vào lối sống thực dụng, xem nhẹ hay coi thường các giá trị tinh thần, bị cuốn theo lối kinh doanh chụp giật, phi pháp, phi nghĩa, chà đạp đạo lý và lợi ích cộng đồng. Hiện tượng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại, tranh đoạt v.v…gia tăng đang đe doạ sự phát triển của nền

kinh tế và làm lệch lạc nhận thức, hành vi của giới trẻ. Bản thân thanh niên phải tự đấu tranh giữa một bên là lợi ích vật chất, khát vọng làm giàu với một bên là giá trị nhân bản, một bên là lợi ích cá nhân, bên kia là lợi ích cộng đồng, đất nước, dân tộc. Những tiêu cực, cám dỗ nảy sinh từ nền kinh tế thị trường mới hình thành ở Việt Nam là một thách thức rất lớn cho sự lan toả và thẩm thấu giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc trong lối sống thanh niên cũng như cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, những tàn dư của lối sống, thói quen cũ, lạc hậu vẫn tồn tại khá dai dẳng, dưới tác động của mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, lại có cơ hội lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hoá và con người Việt Nam, và nguy hại hơn, làm cho các giá trị văn hoá bị biến dạng. Hiện tượng lợi dụng lòng tin, lòng nhân ái của cộng đồng để mưu lợi cá nhân, nhân danh lợi ích cộng đồng để làm giàu phi pháp, vật chất hoá, tiền tệ hoá các mối quan hệ vốn thiêng liêng như tình cha con, nghĩa thầy trò không phải là quá hiếm trên thực tế, đã làm tổn hại đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của giới trẻ và của cộng đồng, khiến việc thực hành lối sống theo các giá trị văn hoá trở thành một “hành trình gian nan” với thế hệ trẻ.

Tiến trình CNH, HĐH tạo nên mô hình tổ chức, vận hành, quản lý kinh tế, xã hội theo kiểu công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển đất nước và đặt ra những yêu cầu khách quan đòi hỏi sự hoàn thiện tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người lao động, tạo ra động lực cho việc hoàn thiện lối sống để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc hình thành một xã hội công nghiệp với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, công nghệ cao, truyền thông hiện đại, cũng đang làm xơ cứng các cá nhân, lỏng lẻo các mối quan hệ, thiếu không gian và thời gian cho tình cảm, sự gắn bó, sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Thiếu sự gắn kết xã hội, cô đơn, hụt hẫng, bế tắc, áp lực, thiếu điểm tựa tinh thần trong điều kiện nhận thức và kỹ năng thích ứng bị hạn chế, dễ khiến thanh niên có thái độ và hành vi lệch chuẩn văn hoá. Bên cạnh đó, sự suy giảm kinh tế, gia tăng lạm phát, thất nghiệp, những tệ nạn xã hội, quan

liêu tham nhũng, xã hội tiềm ẩn nhiều bất công, nghịch lý đã tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, hành động của thanh niên. Tình hình phức tạp trong đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cùng những khó khăn, thách thức mà tuổi trẻ phải đối mặt về việc làm, thu nhập, an sinh xã hội v.v,…đã gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra những thái độ, hành vi thiếu kiểm soát và cách ứng xử vượt ra khỏi khuôn khổ văn hóa.

Quá trình toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho sự phát triển đất nước, nhưng nguy cơ và thách thức cũng rất lớn, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, lối sống của thế hệ trẻ - lứa tuổi nhạy bén, dễ bị hấp dẫn bởi giá trị mới lạ được du nhập, nhất là khi nó còn chưa được kiểm soát và sàng lọc kỹ càng. Lối sống phương Tây, thời trang, âm nhạc, thị hiếu thẩm mỹ không phù hợp với văn hóa dân tộc lại dễ được thanh niên tiếp nhận, hưởng ứng, bắt chước để khẳng định sự thức thời, sành điệu của mình. Giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa cá nhân, bị đầu độc bởi lối sống tha hóa, bạo lực, đề cao thái quá bản thân v.v... Xung đột giá trị, “nhập khẩu lối sống” thiếu chọn lọc, không chỉ cản trở sự hấp thụ các GTVHTT mà còn làm thui chột các giá trị tốt đẹp tiềm ẩn trong thanh niên, đe dọa sự phát triển lối sống thanh niên theo tiêu chí chân, thiện, mỹ. Ngoài ra, sự lan tràn của các sản phẩm phản văn hóa, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng nhiều cách khác nhau, nhằm vào thanh niên - nguồn trữ năng của xã hội, tương lai của đất nước - sẽ hướng thanh niên và lối sống của họ đi vào con đường phản văn hóa, phi truyền thống, phủ nhận và dần lãng quên các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Phát huy vai trò của GTVHTT nhằm phát triển lối sống thanh niên đã và đang chịu tác động của các yếu tố trên, bởi chúng cùng tồn tại trong một chỉnh thể xã hội với các mối quan hệ đa chiều. Nếu không thông qua môi trường đó, GTVHTT cũng không thể tác động, thẩm thấu đến thanh niên và lối sống thanh niên. Ngược lại, các yếu tố kể trên phải thông qua hoạt động của con người mà trước hết là lối sống thì mới được biểu hiện. Lối sống thanh niên Việt Nam hiện nay vừa phát triển theo hướng chân, thiện, mỹ, vừa chịu

sự tác động tiêu cực của những nhân tố phản văn hóa, phản giá trị có nguy cơ huỷ hoại tâm hồn, làm chệch hướng, tha hóa lối sống của họ. Hiện trạng đó đặt thanh niên và lối sống thanh niên trước thách thức to lớn, đòi hỏi một nỗ lực đấu tranh và tự đấu tranh mạnh mẽ nhằm khắc phục những tiêu cực, nghịch lý và bất công xã hội, tạo dựng môi trường kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội lành mạnh, củng cố các chuẩn mực giá trị văn hóa, làm cho các chuẩn mực đó trở nên bền vững, giúp thanh niên nâng cao năng lực và bản lĩnh văn hóa, trưởng thành và đủ sức đề kháng với các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Kết luận chương 2

Trong xu thế phát triển của đời sống văn hoá, xã hội, cùng với vai trò của các chủ thể giáo dục, GTVHTT đã và đang góp phần tạo nền tảng tinh thần, định hướng và điều tiết cho sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam, đồng thời phát huy sức mạnh của nó trong việc thúc đẩy sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam hiện nay theo các chuẩn mực chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, phát triển lối sống thanh niên hiện nay không đơn thuần chịu tác động của một nhân tố đến từ truyền thống mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác, nhất là đặc điểm tâm sinh lý của thanh niên và những yếu tố thời đại, do đó, bên cạnh những biểu hiện tiến bộ, tích cực, đang tồn tại cả những biểu hiện tiêu cực, hạn chế khả năng chuyển hoá các giá trị văn hoá truyền thống thành lối sống văn hoá của thanh niên.

Thực trạng phát huy vai trò của GTVHTT đối với sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam hiện đang xuất hiện những vấn đề cấp thiết cần tập trung giải quyết. Đó là phải nhận thức đúng đắn và giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn nảy sinh từ chính lối sống và sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam, giữa nỗ lực chủ quan của các chủ thể nhằm truyền thụ GTVHTT đến thanh niên với những tác động nhiều chiều từ môi trường khách quan, ảnh

hưởng đến quy mô và mức độ thẩm thấu giá trị văn hoá trong thanh niên cũng như phát huy vai trò của GTVHTT với phát triển lối sống của họ. Sự phát triển lối sống thanh niên theo tính hướng đích là văn hóa, tùy thuộc vào việc các chủ thể xã hội, trong đó có thanh niên nhận thức và giải quyết các vấn đề đó như thế nào. Việc đánh giá thực trạng và phát hiện các mâu thuẫn trong quá trình phát triển lối sống thanh niên dưới tác động của GTVHTT sẽ là cơ sở thực tiễn cho những định hướng và giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của GTVHTT trong sự phát triển lối sống thanh niên Việt Nam hiện nay.

Chương 3

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 113 - 119)