Thực trạng phát huy vai trò định hướng, điều tiết của giá trị văn hoá truyền thống đối với sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 81 - 87)

3. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết

2.1.2. Thực trạng phát huy vai trò định hướng, điều tiết của giá trị văn hoá truyền thống đối với sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

hoá truyền thống đối với sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam

Trong thời đại mà đời sống kinh tế, chính trị, xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ, kéo theo sự biến đổi thang giá trị xã hội, việc lựa chọn và điều chỉnh lối sống cho phù hợp với văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại đã và đang trở thành nhu cầu khách quan của mọi thành viên trong cộng đồng, nhất là của thế hệ trẻ. Với tính hướng thiện cùng sự nhạy cảm, khát vọng cống hiến, đại bộ phận thanh niên hiện nay biết lựa chọn và hướng cách sống của mình tới các giá trị giàu tính nhân văn. Bên cạnh các giá trị mới: tự do, trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ, hữu nghị, hợp tác,… là các giá trị cốt lõi của dân tộc: yêu nước, nhân ái, hòa bình, tôn trọng môi trường,... được nhiều thanh niên sinh viên lựa chọn. Các giá trị mang dấu ấn truyền thống như thích ứng, cần cù, tận tụy, hết lòng trong công việc, đoàn kết, biết ơn, chung thủy, lạc

quan, can đảm, hiếu thảo, đồng cảm, khoan dung, vị tha, khiêm tốn, vì lợi ích cộng đồng, hy sinh, giản dị...đều được sinh viên đánh giá là rất quan trọng hoặc quan trọng [67, tr. 7]. Lực lượng thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng ngày càng tăng, lĩnh vực tham gia ngày càng đa dạng, từ các phong trào có tính xã hội, đến các hoạt động nhiều ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hoá và địa bàn hoạt động cũng được mở rộng, từ đô thị, nông thôn, đến biên cương, hải đảo. Nhận thức đúng đắn về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống, sống có mục đích, đặt mình trong sự gắn bó với cộng đồng, với dân tộc, có thái độ và hành động tích cực chứng tỏ một thế hệ thanh niên mới, đang rèn luyện bản lĩnh để hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhưng vẫn tiếp nối giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc và từng bước thể hiện các giá trị đó thông qua lối sống của mình.

Với ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, nhiều bạn trẻ tại các trường đại học đã thành lập câu lạc bộ Tôi yêu lịch sử, các trang mạng như Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, Tôi yêu lịch sử nước tôi được hàng ngàn bạn thích và quan tâm theo dõi. Bất chấp những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm, tìm hiểu về truyền thống, lịch sử, nét đẹp văn hoá của dân tộc, nhất là trong những dịp lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc. Giới trẻ luôn muốn được làm chính mình, khẳng định trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc. Thấu hiểu truyền thống, thanh niên luôn muốn tìm cách làm cho truyền thống thích nghi, trụ vững và phát huy giá trị của nó trong thời hiện đại. Ít ai nghĩ rằng, tiết tấu của những bài hát xẩm, hát văn, ca trù với dấu ấn đặc trưng của âm nhạc truyền thống, tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu tính nhân văn lại được các bạn trẻ thể hiện sáng tạo và táo bạo qua các bài nhảy hiphop, popping đường phố. Điều đó chứng tỏ, các bạn trẻ không thờ ơ, không quay lưng với quá khứ, với lịch sử dân tộc cũng như tương lai của đất nước. Họ đã và đang cố gắng duy trì và phát triển các giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc theo cách riêng của mình.

Các hoạt động có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn, vì cộng đồng được thanh niên hưởng ứng và tham gia ngày càng đông đảo, đã và đang thể hiện thế

mạnh của tuổi trẻ, với tính cách lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời cũng chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của các giá trị văn hoá dân tộc trong lối sống thanh niên hiện nay. Kết quả thống kê từ Hội thảo Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tháng 4 năm 2014 cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa tăng lên theo các năm: Khối các trường Đại học tăng từ 40,68% (năm học 2010 – 2011) lên 48,1 (năm học 2012 – 2013), khối các trường Cao đẳng tăng từ 18,86% (năm học 2010 – 2011) lên 24,23 (năm học 2012 – 2013); các hoạt động hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn, thiên tai,...cũng tăng tương ứng, từ 22,74% lên 26,22% đối với khối các trường Đại học và 36,62% lên 41,73% đối với khối các trường Cao đẳng; hoạt động Hiến máu nhân đạo cũng tăng tương ứng từ 9,19% lên 10,07% và từ 11,91% lên 13,49%. [9, tr. 198 - 199].

Với sức mạnh của truyền thống, của đạo lý dân tộc, GTVHTT đã góp phần điều tiết, thúc đẩy nhận thức, quan niệm sống đúng đắn, nhân văn trong lối sống thanh niên và kiềm chế, loại trừ việc tiếp nhận những nội dung phản văn hoá, phản giá trị, hạn chế xu hướng sùng bái tiền tệ, hàng hoá, kỹ thuật, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường với cả tác động thuận - nghịch của nó. Sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại đã tạo cơ hội cho thanh niên tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin phong phú, phát triển tư duy sáng tạo, tiếp nhận cái mới cũng như có thái độ khách quan, công bằng về lịch sử, về những giá trị của quá khứ, hiện tại, những giá trị của dân tộc và nhân loại.

Tác động của các nhân tố đến từ truyền thống cùng yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đã tạo nên một thế hệ thanh niên mới với những định hướng giá trị mới vừa mang dấu ấn truyền thống, vừa mang nét mới của thời đại. Độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình, dân chủ, công bằng, hiếu học, coi trọng học vấn, nghề nghiệp,…là những giá trị phổ quát mà thanh niên đang hướng tới. Kết quả khảo sát về “Những chuẩn mực đạo đức của

Ngọc Phú thực hiện vào hai thời điểm khác nhau (năm 2006 và 2008) cho thấy kết quả tương tự, trong đó, giá trị “Có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa” được tuyệt đại đa số sinh viên lựa chọn và xếp vị trí số 1 trong thang giá trị gồm 22 tiêu chí; "Tự hào là người dân Việt Nam" và "Tự hào

về truyền thống tốt đẹp của dân tộc" được xếp ở vị trí thứ 4; tiếp đó là các phẩm chất: "Sống phải tuân theo pháp luật"; “Sống phải biết giữ nghiêm kỉ cương phép nước”, “Ham học hỏi”; “Lối sống có văn hóa”,... [phụ lục 4].

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của mình, trong học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh hay chiến đấu vì sự bình yên và chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đây cũng là cơ hội để thanh niên tích luỹ tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Tuổi trẻ vốn giàu năng lượng sống, luôn khát khao khám phá, cống hiến, luôn có nhu cầu tự hoàn thiện, tự khẳng định mình. Khảo sát đối tượng là trí thức, sinh viên về “ý thức bảo vệ Tổ quốc”, 96,42% bày tỏ thái độ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chỉ có 3, 58% trả lời không [2, tr. 88]. Hàng năm, hàng chục ngàn thanh niên ở mọi miền Tổ quốc đều hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó không ít thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Nhiều thanh niên tình nguyện viết đơn gia nhập quân đội. Đó là một trong những biểu hiện cụ thể, thiết thực của lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước, với dân tộc ở thanh niên hiện nay.

Tiếp nối truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo của dân tộc, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều thanh niên làm ăn giỏi, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm và biết làm giàu chính đáng, quyết tâm thay đổi cuộc sống của bản thân cũng như góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều thanh niên giàu sáng tạo, có trí tuệ và bản lĩnh đã sớm trưởng thành, trở thành các chủ doanh nghiệp, công ty, trang trại lớn, có đóng góp to lớn về hiệu quả kinh tế cũng như tác động xã hội. Trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu, đa số thanh niên chủ

động tích luỹ kiến thức, rèn luyện bản lĩnh, chuẩn bị hành trang về chuyên môn, nghiệp vụ, và kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhiều thanh niên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, kiên trì học tập, tu dưỡng, rèn luyện trên mọi lĩnh vực, trong sản xuất, kinh doanh, trong học tập, nghiên cứu khoa học, văn hoá, thể thao, đạt những thành tích nổi bật, trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam và làm rạng danh đất nước, dân tộc.

Ý thức về những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc đã từng bước giúp thanh niên kiềm toả, đấu tranh với những hành vi phản văn hoá và khuyến khích hành vi cao thượng trong lối sống của họ. Xu hướng sống tuân thủ luật pháp, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đang dần phổ biến trong thế hệ trẻ. Phần đông thanh niên (61,2%) có thái độ bất bình trước các hành vi lệch chuẩn [91]. Tính tích cực xã hội của thanh niên ngày càng biểu hiện rõ nét thông qua việc họ sẵn sàng tham gia đấu tranh một cách trực tiếp hay gián tiếp nhằm chống lại các biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Các bạn trẻ thường bày tỏ thái độ bất bình trước những hiện tượng tiêu cực, phản văn hoá trong thái độ, hành vi, cách ứng xử diễn ra trong đời sống xã hội, thậm chí lên án quyết liệt, đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ những trường hợp khó khăn, thiên tai, tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo. Sự nhanh nhạy của tuổi trẻ cùng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông khiến các hoạt động ý nghĩa của họ có cơ hội lan toả sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ thanh niên vẫn chưa ý thức thực

sự về vai trò, trách nhiệm của mình với chính bản thân mình và với cộng đồng. Bên cạnh những hành động cao đẹp, tình nguyện viết đơn nhập ngũ, hăng hái xông pha đến những nới khó khăn, gian khổ, vẫn có những thanh niên thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự. Đó là biểu hiện của sự yếu đuối, hèn nhát, đi ngược lại truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc. Hiện tượng đó không phải là phổ biến, nhưng lại gây tác động tiêu cực đến

tình cảm, niềm tin, lẽ sống của giới trẻ. Có 17% thanh niên được hỏi cho rằng học tập là vì danh dự gia đình, dòng họ. Không ít thanh niên, chủ yếu là thanh niên nông thôn chưa quan tâm lựa chọn nghề nghiệp, học nghề, do đó khó thích ứng với yêu cầu thị trường lao động trong điều kiện hiện nay [87].

Một bộ phận thanh niên có những biểu hiện lệch lạc việc trong việc lựa chọn giá trị, bị lôi cuốn vào những trào lưu, xu hướng mới thiếu lành mạnh, không phù hợp với chuẩn mực xã hội và giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hiện tượng ”cuồng thần tượng” một cách thái quá đến mức không kiểm soát được hành vi của mình ở một số bạn trẻ đối với các ngôi sao ca nhạc nước ngoài là một ví dụ điển hình, nó cho thấy có một sự khủng hoảng giá trị cũng như sự lệch lạc trong nhận thức giá trị của bản thân ở một số bạn trẻ hiện nay. Một bộ phận có nhận thức và hành vi sai lệch về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, thái độ sống tiêu cực như buông thả bản thân, sống theo bản năng, không cần biết đến tương lai, thiếu gắn bó với gia đình, lạnh lùng với xã hội. Sự thờ ơ, vô cảm, không tình nghĩa, thiếu trách nhiệm, bất chấp pháp luật, hành xử hung bạo khi có va chạm, mâu thuẫn,... có biểu hiện gia tăng trong thanh niên. Tình trạng bạo lực học đường, thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường kỷ luật nhà trường,…đang trở nên phổ biến ở một bộ phận học sinh, sinh viên [91]. Điều đó đi ngược lại với tinh thần trách nhiệm, đạo lý tôn sư trọng đạo, trọng tình nghĩa, cách ứng xử tế nhị, khoan dung, hòa hiếu của dân tộc ta.

Do tác động nhiều chiều của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và sự thiếu rèn luyện của bản thân, không ít thanh niên có lối sống thực dụng, sùng bái giá trị vật chất, chuộng hư vinh, coi mức độ thành công của một cá nhân bằng địa vị, danh tiếng hay một công việc có thu nhập cao làm mục tiêu phấn đấu của mình chứ không phải là những điều tốt đẹp, những cống hiến có giá trị cho cộng đồng, xã hội. Theo Báo cáo tình hình thanh niên của Viện Nghiên cứu thanh niên, chỉ sau 2 năm 2008 - 2009, biểu hiện sống thực dụng, sống gấp, sống hưởng thụ, buông thả của một bộ phận thanh niên tăng từ 5 - 10%,

đặc biệt là thực dụng, tính toán tăng gần 15%. Có đến 18% thanh niên là sinh viên được hỏi chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. Sự đơn giản trong suy nghĩ, thiếu thận trọng trong hành động, ngoài nguyên nhân từ đặc điểm tâm sinh lý tuổi trẻ, còn do sự thiếu tích luỹ vốn tri thức, văn hoá, kinh nghiệm sống. Thiếu gắn kết xã hội, đời sống tình cảm nghèo nàn, tâm hồn đơn điệu cũng khiến tuổi trẻ quan tâm nhiều đến cái tôi, thích hưởng thụ mà ít sự khát khao cống hiến, dấn thân. Điều đó đã khiến cho lối sống của một bộ phận thanh niên hiện nay chệch ra khỏi quỹ đạo văn hoá của xã hội.

Như vậy, vai trò định hướng và điều tiết của GTVHTT đã được thể hiện trong việc củng cố nhận thức, quan điểm, lẽ sống, cũng như thái độ, hành động theo hướng chân, thiện, mỹ của thanh niên. Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực trong lối sống của thanh niên cũng cho thấy sự định hình lối sống văn hóa trong thanh niên chưa thực vững chắc, chưa có sự hài hòa giữa giá trị cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Những con số biểu hiện lối sống tiêu cực, phản văn hóa của thanh niên, dù nhỏ cũng không thể xem thường.

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 81 - 87)