Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, thấm đậm các giá trị văn hoá truyền thống tạo điều kiện cho việc phát triển lối sống thanh

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 153 - 169)

3. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết

3.2.3. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, thấm đậm các giá trị văn hoá truyền thống tạo điều kiện cho việc phát triển lối sống thanh

trị văn hoá truyền thống tạo điều kiện cho việc phát triển lối sống thanh niên theo các chuẩn mực văn hoá

Nhìn từ góc độ văn hoá, mỗi chúng ta đều sinh ra, lớn lên trong một môi trường văn hoá, trong không gian và và qua thời gian, tất thảy đều thấm chất văn hoá và đều là sản phẩm tất yếu của môi trường đó. Một môi trường văn hoá lành mạnh sẽ tạo tiền đề để các giá trị văn hoá từng bước thẩm thấu trong nhận thức và hành động của thanh niên, đồng thời xác lập thang giá trị để định hướng và điều tiết nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân trong

cộng đồng, qua đó thúc đẩy lối sống thanh niên theo chuẩn giá trị chân – thiện – mỹ. Các giá trị truyền thống, thấm trong cách thức lao động sản xuất, cách tạo ra sản phẩm, trong lối hoạt động chính trị hay văn hoá tinh thần, trong lối giao tiếp, sẽ đặt ra yêu cầu văn hoá và từng bước được chuyển hoá thành nhận thức và hành động của tuổi trẻ. Để có một môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển lối sống thanh niên theo các chuẩn mực văn hoá, cần thực hiện những nội dung sau:

Một là, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, các thiết chế văn hoá – xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho việc lan toả các giá trị văn hoá truyền thống trong thanh niên

Trong sự nghiệp phát triển văn hoá, con người Việt Nam, Hệ thống chính trị là nhân tố giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng sự phát triển văn hoá, lối sống nói chung và phát triển lối sống thanh niên nói riêng. Chỉ thị số 42CT/TƯ (ngày 24/3/2015) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030” đã chỉ rõ, phải “nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, cần phải chú ý một số vấn đề sau:

Trước hết, cần nâng cao vai của các cấp ủy Đảng trong việc xác định đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của giá trị văn hóa truyền thống đến phát triển lối sống thanh niên Việt Nam cũng như trong việc hoạch định đường lối, nội dung và phương thức định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng xã hội và trong thanh niên. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, kiểm tra, giám sát đối với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hiện

thực hoá định hướng phát triển đó. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền, giác ngộ, vận động, giáo dục GTVHTT trong cộng đồng xã hội và trong thanh niên.

Thứ hai, phát huy vai trò của Nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc hiện thực hoá đường lối của Đảng thành luật và các chính sách cụ thể, không ngừng nâng cao tính pháp lý, hiệu lực và hiệu quả quản lý về văn hóa và lối sống. Tăng cường sức mạnh, năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, đảm bảo các hoạt động đó không tổn hại đến giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời tạo điều kiện để các GTVHTT thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, lẽ sống của thanh niên, giúp thanh niên rèn luyện lối sống một cách thường xuyên, bền vững. Sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kinh tế, văn hoá cũng như đời sống xã hội mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng đồng thời phải duy trì và lan toả các GTVHTT, giữ vững được bản sắc dân tộc trong phát triển. Thanh niên không chỉ là người đón nhận và thụ hưởng mà còn là người tham gia bảo vệ, truyền bá các GTVHTT thông qua lối sống của mình. Do đó, công tác quản lý nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút mọi nguồn lực xã hội trong đó có thanh niên tham gia sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ giá trị văn hóa, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của các chủ thể, làm cho các giá trị đó lan tỏa sâu rộng trong lối sống thanh niên và trong cộng đồng.

Quản lý hoạt động sáng tác, xuất bản các sản phẩm văn hóa để đảm bảo các sản phẩm đó không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đảm bảo định hướng giá trị chân, thiện, mỹ cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ; khuyến khích việc sáng tác và phổ biến nhiều công trình, tác phẩm có giá trị giáo dục tốt cho thanh niên; quản lý các hoạt động truyền thông, biểu diễn để các sản phẩm quảng bá tới công chúng thấm đẫm GTVHTT; quản lý, giám sát việc du nhập các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa từ bên ngoài để đảm bảo lựa chọn được các sản phẩm có giá trị hiện đại, làm phong phú cho văn hóa và lối sống dân

tộc, đồng thời siết chặt quản lý với những ấn phẩm, trang mạng, trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, có thể làm sai lệch nhận thức, phai nhạt lý tưởng, rệu rã tinh thần và ý chí của thanh niên, dẫn đến những hành động thiếu văn hóa, thậm chí phản giá trị, phản nhân văn.

Thứ ba, cần nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị trong việc thực hành lối sống theo các chuẩn mực văn hóa. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần nội dung cũng như cách thức tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hoá, biết diễn dịch chủ trương, định hướng phát triển văn hoá, lối sống một cách cụ thể trong môi trường, phạm vi thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình, từng bước hướng dẫn, điều chỉnh thanh niên thực hành lối sống theo các chuẩn mực đạo đức, văn hóa đó; tích cực vận động và cùng với thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, công chức phải trở thành tấm gương về tư tưởng đạo đức, lối sống, phải tự ngăn chặn nguy cơ tha hóa về đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực và làm xói mòn lòng tin của thanh niên với Đảng và với chế độ. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa, lối sống.

Thứ tư, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên trong công tác giáo dục GTVHTT. Là người đại diện cho lợi ích, nguyện vọng và ý chí của thế hệ trẻ, các tổ chức như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam cần chủ động, tích cực trong việc tổ chức hoạt động thực tiễn, các phong trào hành động cách mạng đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên. Tạo lập môi trường công tác, hoạt động lành mạnh để thanh niên thể hiện nhận thức, quan điểm, hành động của mình theo các chuẩn mực văn hóa, giúp thanh niên phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của mình, đồng thời tăng năng lực thực hành lối sống trên các phương diện

của đời sống xã hội, tăng bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa, đủ sức đề kháng với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Từ đó, hình thành năng lực thẩm định văn hóa để tiếp nhận và biến đổi giá trị văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa lối sống của dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội cũng phải tự rèn luyện, nâng cao sự hiểu biết, bản lĩnh văn hoá, hướng tới các phong trào thực tiễn thấm đậm tinh thần truyền thống, nhằm thúc đẩy sự phát triển lối sống thanh niên theo hướng chân - thiện - mỹ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục GTVHTT cho thế hệ trẻ. Nội dung giáo dục cần lồng ghép trong các mô hình giáo dục hay các phong trào thực tiễn. Gắn giáo dục tryền thống với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, với việc học tập, lao động, rèn luyện của thanh niên. Hình thức tổ chức tập hợp thanh niên phải linh hoạt, luôn đổi mới, sáng tạo, tuỳ thuộc vào nhu cầu, sở thích, tính đặc thù của từng tiểu cộng đồng thanh niên, vào đặc điểm văn hoá của từng vùng miền cũng như điều kiện vật chất hiện có. Tận dụng ưu thế của công nghệ hiện đại để nhân rộng điển hình tiên tiến, lan toả lối sống đẹp, phổ biến giá trị nhân văn trong thanh niên và lối sống thanh niên.

Thứ năm, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá như nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, bảo tàng, thư viện, cung văn hoá,… như một kênh bảo tồn, gìn giữ, lan toả các GTVHTT. Đây là nơi tiếp nhận, lưu giữ, lan toả các giá trị văn hoá, trong đó có GTVHTT, nơi tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng, tạo mối liên kết sâu rộng giữa các thành viên cũng như kết nối truyền thống, hiện đại, nơi lan toả sự định hướng giá trị, văn hoá, đạo đức, lối sống tới thanh niên và cả cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, phải quan tâm đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá với kiến thức văn hoá sâu rộng, nghiệp vụ

chuyên môn giỏi, gắn bó với quần chúng nhân dân, có phương pháp và cách thức tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng một cách sáng tạo, hiệu quả, giàu bản sắc và hiện đại. Nội dung và phương thức hoạt động của các thiết chế văn hoá phải bám sát định hướng chính trị, văn hoá, tư tưởng, hơn nữa phải nhạy bén nắm bắt nhu cầu văn hoá của từng tiểu cộng đồng, sáng tạo trong cách tổ chức mô hình và chuyên đề văn hoá để thu hút công chúng, đặc biệt là lớp trẻ được trực tiếp tham gia các hoạt động văn hoá cộng đồng.

Hai là, tạo môi trường sống, học tập, lao động, hoạt động chính trị, văn hoá, giao tiếp thấm đậm tinh thần dân tộc

Trước hết, cần quan tâm xây dựng môi trường văn hoá gia đình. Mỗi gia đình cần tạo ra không gian sống mang những nét đẹp truyền thống nhưng không bảo thủ, lạc hậu, từ đó chuyển tải các thông điệp văn hoá tốt đẹp, không chỉ từ quá khứ mà cả hiện tại đến thanh niên, rèn luyện thanh niên theo các chuẩn mực văn hoá đó. Không gian giáo dục, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thế hệ trẻ trong gia đình cần đa dạng, từ các câu chuyện cổ tích giàu tính nhân văn, những bài dân ca, ca dao, tục ngữ đến những câu chuyện sinh động đời thường hàm chứa nội dung giáo dục giản dị mà sâu sắc. Duy trì nền nếp sinh hoạt gia đình theo thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng cũng phải có tính khoa học, văn minh. Các hoạt động học tập, lao động, hay giao tiếp, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình cần theo đúng chuẩn mực văn hoá, đạo đức của xã hội và quy định của pháp luật. Mỗi gia đình cũng như mỗi thành viên trong gia đình đều phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thanh niên, có trách nhiệm thực hành lối sống theo các giá trị văn hoá, trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Các thành viên gia đình phải khắc phục tâm lý phó mặc sự giáo dục thế hệ trẻ cho nhà trường, cho xã hội, biết cân bằng giữa nhu cầu mưu sinh với việc quan tâm dạy dỗ, giáo dục con em, giải quyết hài hoà giữa việc đảm bảo nhu cầu vật chất với đáp ứng nhu cầu tinh thần, nhu cầu được lắng nghe và

được chia sẻ của các em, biết cân bằng giữa ước vọng chung của cha mẹ và “cái tôi” của lớp trẻ. Khắc phục sự xung đột thế hệ, xung đột giá trị trong gia đình phải bằng sự thấu hiểu, thấu cảm đối với thanh niên. Phải làm cho gia đình trở thành nơi lưu giữ và lan toả các giá trị văn hoá cũng như suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ trẻ - yếu tố cơ bản để có một lối sống đẹp, có văn hoá. Có như vậy, các GTVHTT dân tộc mới thông qua truyền thống gia đình mà được chuyển hoá thành lối sống của thế hệ kế tiếp.

Thứ hai, nhà trường phải trở thành môi trường có tính chuyên nghiệp trong việc lan toả GTVHTT tới thanh niên. Nhà trường là môi trường giáo dục mang tính định hướng rất rõ nét đối với thanh niên, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên, về tri thức, trí tuệ, niềm tin, định hình lẽ sống, hình thành thái độ và định hướng hành vi của thanh niên. Trong môi trường văn hoá học đường, những thói quen ứng xử, ngôn ngữ, hành vi, trang phục đến tác phong thói quen trong học tập, nghiên cứu, giao tiếp xã hội đều tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ và hành vi của lớp trẻ. Khoa học, giáo dục luôn hướng tới cái mới, sáng tạo, nhưng cũng sẽ mất phương hướng nếu thiếu sự gắn kết với truyền thống, từ bỏ truyền thống một cách vô nguyên tắc. Vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện môi trường văn hoá học đường theo hướng duy trì truyền thống, kết nối hiện đại.

Cần xây dựng chuẩn mực văn hoá ứng xử mang đậm dấu ấn truyền thống trong mỗi nhà trường, từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đến các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề cho phù hợp với lứa tuổi thanh niên. Cần có quy định rõ về trang phục, ngôn ngữ, hành vi sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhu cầu của giới trẻ, không đi ngược lại với truyền thống dân tộc nhưng cũng không quá cứng nhắc. Cách giao tiếp, ứng xử cũng như xử lý các mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường, giữa thành viên của nhà trường với cộng đồng, với xã

hội phải dựa trên những chuẩn mực văn hoá, sao cho văn minh, lịch thiệp, giàu chất nhân văn, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc. Tạo điều kiện để những GTVHTT đã được thanh niên tiếp nhận từ môi trường gia đình, như tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, tình cha con, đạo thầy trò, nghĩa thuỷ chung v.v… tiếp tục được củng cố, bồi đắp và trở nên bền vững hơn, đồng thời cũng có những chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp lệch chuẩn văn hoá trong nhận thức, thái độ và hành vi của lớp trẻ. Mỗi thầy cô giáo phải trở thành tấm gương về đạo đức, lối sống về tự học, sáng tạo, là người “truyền lửa” và “giữ lửa” truyền thống văn hoá của dân tộc. Môi trường học đường phải trở thành nơi mà thanh niên không chỉ được hấp thụ một cách khoa học các GTVHTT, là nơi thực hành lối sống theo các chuẩn mực văn hoá đó, mà còn là nơi khơi nguồn sáng tạo cho việc rèn luyện tư duy, kỹ năng để tiếp cận và ứng xử với tri thức, văn hoá, lối sống của thời đại, của nhân loại, tiến tới hình thành thế hệ thanh niên có trí tuệ, giàu kỹ năng, giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhân văn trong hoạt động học tập, nghiên cứu, chuẩn bị vốn văn hoá để lập thân, lập nghiệp.

Một phần của tài liệu Giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên việt nam hiện nay (Trang 153 - 169)