Trong 5 năm qua (2011 - 2015), kinh tế Hà Tĩnh phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao; tái cơ cấu nền kinh tế được triển khai tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 18,7% (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là trên 14%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,6%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. GDP bình quân đầu người dự kiến đạt trên 43 triệu đồng (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là trên 35 triệu đồng) [12, tr.3].
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với 8 cụm ngành chủ yếu có lợi thế cạnh tranh cao được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương và quy hoạch sản phẩm hàng hóa chủ lực cơ bản được xây dựng, phê duyệt. Huy động đa dạng các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển; giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 287.000 tỷ đồng (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 230.000 tỷ đồng), trong đó: Vốn tư nhân và dân cư chiếm 14,39%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 71,51%. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhất là đối với công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án; kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp và hạ tầng giao thông, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 8A, Quốc lộ 15, đường ven biển... Phong trào làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được nhân dân hưởng ứng tích cực, trong 5 năm đã xây dựng được trên 4.500km đường bê tông và đường nhựa, kiên cố hóa gần 1.000km kênh mương nội đồng, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các loại hình doanh nghiệp, HTX phát triển nhanh, bình quân mỗi năm thành lập mới 450 doanh nghiệp; đến cuối năm 2015, dự kiến toàn tỉnh có 5.000 doanh nghiệp và 950 HTX. Cơ cấu ngành nghề theo hướng tăng tỷ trọng doanh nghiệp sản xuất vật chất. Sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, hình thành rõ mô hình tăng trưởng mới. Tộc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 5,46%/năm (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 3,3%/năm); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 65 triệu đồng/ha); sản lượng lương thực đạt trên 51 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45,2% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (đạt chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra). Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới từng bước đi vào chiều sâu; chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng tập trung, gia trại, trang trại công nghiệp có quy mô lớn; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ, hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô vừa và nhỏ, liên kết giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp [12, tr.6].
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, với nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả toàn diện, được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của cả nước; dự kiến đến cuối năm 2015, có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 23% (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 47 xã), không còn xã dưới 10 tiêu chí [2, tr.5].
Công nghiệp có bước phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực sản xuất; tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến tăng 38,3% (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 35%); cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo từ 66,43% (năm 2010) lên 69,69%; giảm công nghiệp khai khoáng từ 17,77% (năm 2010) xuống 5,59%. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu được chú trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; tốc độ tăng trường bình quân các ngành dịch vụ đạt trên 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội bình quân tăng 23%/năm. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 34,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương năm 2015 dự kiến đạt 150 triệu USD (Chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra là 280 triệu USD). Giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 15,87 tỷ USD, riêng năm 2015 dự kiến đạt 3,35 tỷ USD. Hoạt động tài chính, tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân. Thu ngân sách trên
địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2015 dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2010; trong đó thu nội địa đạt 7.000 tỷ đồng (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII đề ra trên 5.000 tỷ đồng). Cơ cấu nguồn thu chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm trên 70% tổng thu ngân sách. Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng, phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả cao; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khi hậu được tăng cường [13, tr.5].
Lĩnh vực VH - XH tiếp tục phát triển; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao đạt được những kết quả tích cực. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trở thành các hoạt động thường xuyên, được nhân dân hưởng ứng tích cực; các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, nhiều tác phẩm có chất lượng; triển khai thực hiện chủ trương, quy định về các hoạt động văn hóa, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc là di tích quốc gia đặc biệt [13, tr.7].
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên; mạng lưới trường, lớp được củng cố, sắp xếp hợp lý. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVII) về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo [13, tr.8].
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường [13, tr.8].
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả thiết thực. Lĩnh vực thông tin, truyền thông được quan tâm chỉ đạo, đầu tư, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được triển khai sâu rộng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp [13, tr9].
* Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội:
Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua cùng với sự gia tăng dân số, mật độ phân bố dân cư không đồng đều, cùng với sự phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp đã và đang tạo nên những áp lực đối với sự phát triển của một số làng nghề trong tỉnh. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các ngành kinh tế, xây dựng, cải tạo và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và đặc biệt khi tốc độ đô thị hoá ngày càng cao... dự báo sẽ có những thay đổi lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời đặt ra những vấn đề có tính bức xúc trong việc phát triển các làng nghề ở tỉnh và được thể hiện ở một số mặt sau:
- Để đạt được mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương, cần tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng của các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch. Phát triển các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có quy mô tập trung, các khu dịch vụ, các khu du lịch và công trình phục vụ du lịch... sẽ tác động rất lớn đến việc bố trí dân cư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Nhằm đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao thì việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp thoát nước, các công trình phúc lợi xã hội như: Trường học, y tế,...).
Như vậy, từ thực trạng phát triển KT-XH những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai, thì áp lực đối với các làng nghề của tỉnh đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn (nhất là ở các khu vực nội thị, các tụ điểm kinh tế phát triển) dẫn đến thay đổi lớn và sẽ có một số làng nghề bị mai một. Do đó, để thực hiện chiến lược phát triển KT-XH lâu dài bền vững, cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc phát triển các làng nghề gắn với phát triển các ngành công nghiệp hiện đại theo hướng khoa học, hiện đại.