Muốn tiến hành sản xuất yếu tố đầu tiên cần có là vốn, vốn là yếu tố vật chất đầu tiên, quyết định quy mô sản xuất của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong làng nghề. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đòi hỏi các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề phải có lượng vốn lớn đầu tư công nghệ, đổi mới trang thiết bị ở một số công đoạn sản xuất phù hợp để thay thế lao động thủ công, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường.
Vốn tồn tại dưới hai hình thức: vốn tài chính và vốn hiện vật, trong đó vốn tài chính trong làng nghề là tiền; còn vốn hiện vật tồn tại dưới hình thức vật chất của quá trình sản xuất trong làng nghề như cơ sở vật chất của các hợp tác xã thủ công trước kia, máy móc, nguyên liệu và đặc biệt còn có nguồn vốn phi vật chất là kinh nghiệm bí quyết nghề nghiệp.
Về quy mô vốn tại các hộ gia đình làng nghề truyền thống không thể so sánh với các cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực khác. Mặt khác khối lượng vốn
còn phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất. Các làng nghề đòi hỏi vốn lớn như: các làng nghề sản xuất về đồ gỗ, gốm vì chi phí nguyên liệu và công đoạn sản xuất phức tạp hơn. Ngược lại một số làng nghề sản xuất không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều như: Mây tre đan, bánh tráng... Cơ cấu nguồn vốn tại các làng nghề bao gồm nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể nói ở làng nghề là rất ít, còn nguồn vốn trong nước bao gồm:
+ Vốn tự có: Là nguồn vốn của các chủ thể sản xuất kinh doanh trong làng nghề được tích lũy lại, nguồn vốn này quá nhỏ bé so với nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất hay đổi mới trang bị kỹ thuật, nó chiếm khoảng trên 90% tổng số vốn đầu tư của các chủ thể sản xuất kinh doanh. Có một thực tế do truyền thống tập quán của nếp nghĩ sản xuất nhỏ, nhiều hộ thủ công sau khi tích lũy được lợi nhuận, họ dè dặt trong việc tái sản xuất mở rộng nhưng lại rất mạnh tay dùng lợi nhuận đó để xây nhà, sắm sửa đồ đạc.
+ Nguồn vốn tín dụng phi chính thức: Đây là nguồn vốn tự phát hình thành dưới tác động quy luật cung - cầu, được hình thành phổ biến, phát triển mạnh. Bao gồm các hoạt động vay mượn trong gia đình, dòng họ, bạn bè người thân. Với các mức lãi suất do hai bên thỏa thuận. Hoặc vay bằng các hình thức chơi phường, chơi hụi, vay bằng tiền, bằng hiện vật.
+ Nguồn vốn tín dụng chính thức: Đầu tiên là vay từ các quỹ tín dụng địa phương, ngoài ra các chủ thể sản xuất kinh doanh còn có thể vay từ các ngân hàng thương mại, tuy nhiên do thủ tục cho vay phức tạp, lượng vốn cho vay còn ít, thời gian vay ngắn nên thực tế hiệu quả của nguồn vốn này còn thấp so với nhu cầu.
Hiện nay có một số làng nghề còn được nhận một khoản vốn vay ưu đãi được trích ra từ các chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, vốn của các tổ chức xã hội, đoàn thể.