Nhân tố thị trường

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở hà tĩnh (Trang 30 - 31)

Về các yếu tố đầu ra: Cũng như các hàng hóa khác, sản phẩm của làng nghề sẽ không tồn tại nếu không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng nhất của các làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Thị trường đầu tiên của làng nghề chính là chợ làng nhằm phục vụ địa phương và các vùng lân cận, thị trường tại chỗ nhỏ hẹp, sức tiêu thụ chậm; phương thức thanh toán trên thị trường chủ yếu là trao tay, thỏa thuận miệng về quan hệ tín dụng giữa người sản xuất, người tiêu dùng và giữa các chủ thể kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ rộng rãi không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được cung cấp ở các địa phương khác trên toàn quốc và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Về thị trường công nghệ: Thị trường công nghệ được hình thành tự phát trên cơ sở các thiết bị công nghệ truyền thống, một số người lao động, hộ thủ công đã tách ra chuyên sửa chữa, cải tiến một số công đoạn cho hiệu quả hơn. Hoặc một số hộ có số vốn dồi dào chuyển sang buôn bán máy móc, thiết bị trong phạm vi làng. Vì vậy, nhìn chung thị trường công nghệ nhỏ hẹp, chắp vá chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa làng nghề.

Hiện nay, có thể nói chưa có nhiều tổ chức nghiên cứu, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để nghiên cứu, giúp làng nghề thực hiện chuyển giao, tiếp nhận công nghệ hiện đại.

Về thị trường lao động: Thị trường lao động được hình thành theo thời vụ, cơ cấu lao động trong làng nghề được phân hóa như sau: Lực lượng cơ bản nhất ở tại địa phương bao gồm lao động địa phương chuyên nghiệp; lao động địa phương bán chuyên nghiệp là những người trong gia đình tham gia khi công việc cần kíp hoặc công việc của hộ rỗi rãi; lao động làm thuê ở địa phương khác đến làm việc với tư cách đi học việc, như các ngành chạm, khắc, thêu, ren... Thực tế hiện nay tại một số làng nghề, lao động chuyên nghiệp là những người trong độ tuổi trung niên hoặc là người đã lập gia đình, còn đối với lao động trẻ thì quan niệm nghề truyền thống của cha ông chỉ là tạm thời.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở hà tĩnh (Trang 30 - 31)