Ngày nay khoa học công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, được xác định là động lực của CNH, HĐH, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định về chất để tăng năng suất lao động, quyết định lợi thế cạnh tranh và tốc độ phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng của mỗi quốc gia. Công nghệ tiên tiến phù hợp với tiềm năng nguồn lực, trình độ vận dụng, khả năng quản lý sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nguồn khoa học công nghệ được biểu hiện trên nhiều mặt: Trình độ người lao động, đội ngũ các nhà nghiên cứu; Cơ sở vật chất tiến bộ phục vụ nghiên cứu, triển khai sản xuất; Khả năng tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Có thể nói tất cả các làng nghề đều chưa đáp ứng được ba tiêu chí trên. Đặc thù nghề thủ công truyền thống đòi hỏi công nghệ tùy thuộc từng công đoạn làm sản phẩm mà áp dụng cho phù hợp để hạn chế ảnh hưởng môi trường, tăng năng suất... Công nghệ hóa sản xuất, giảm bớt tính chất lao động nặng nhọc nhưng phải đảm bảo tính độc đáo, tinh xảo của sản phẩm truyền thống.
Công nghệ trong làng nghề đặc biệt trong vấn đề tiêu hao năng lượng sẽ tác động trực tiếp đến năng suất lao động, giá thành sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp làng nghề tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm, doanh thu tăng và đó là động lực mạnh mẽ nhất để giữ và phát triển làng nghề.