GIAI ĐOẠN 1997 - 2001
Đơn vị: 1000 USD Năm Hàng dệt may Tăng % Hàng giày dép Tăng %
1997 817.430 35,76 530.822 41,33
1998 1.349.267 65,06 965419 82 ,07
1999 1.351.379 0,15 1.000.361 3,62
2000 1.747.304 29,29 1.391.636 39,10
(Nguồn: Cục công nghệ thông tin và Hải quan - Tổng cục Hải quan)
Trong những năm qua, hàng dệt may luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ hai của Việt Nam (sau Dầu thô). Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thường ảnh hưởng lớn tới tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2001, xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng thấp, ước tính đạt 2 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2000 và không đạt được kế hoặch (bằng 90,9% kế hoặch), do gặp rất nhiều khó khăn và chịu sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng trên, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu như: tạo sự thông thoáng trong cơ chế quản lý hạn ngạch và điều hành xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất kinh doanh xuất khẩu hàng dệt may … cùng những nỗ lực chủ yếu từ phía doanh nghiệp.
Khi xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu theo phương thức gia công nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc xuất khẩu thông qua nước thứ ba. Hơn nữa, trong năm 2001, đồng Euro mất giá 6,6% đã ảnh hưởng đáng kể tới lượng nhập khẩu của thị trường này trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm kéo theo sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may.
Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và những thị trường phụ thuộc vào nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng chậm, thậm chí còn giảm sút.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng dệt may vào cả hai khu vực thị trường có sử dụng hạn ngạch và phi hạn ngạch đều tăng chậm do mặt hàng của ta tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng cùng chủng loại của các nước trong khu vực về chất lượng, giá thành. Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ta và đã là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới nên hàng dệt may xuất khẩu của ta càng gặp khó khăn hơn trong
những tháng cuối năm 2001. Ngoài ra một số nước Châu Á khác cũng không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này như Pakistan, Ấn Độ, Philippin, Đài Loan … sang thị trường Hoa Kỳ và EU. Sau sự kiện 11/9, Pakistan đã tận dụng được cơ hội trong cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ để tăng xuất khẩu hàng dệt may sang nước này.
Về mặt hàng này, phương thức gia công vẫn chiếm chủ yếu và giá gia công xuất khẩu lại bị giảm từ 15-18%, có mặt hàng giảm tới 20% đã làm giảm sút đáng kể kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may.
Nguyên liệu và phụ kiện phục vụ ngành Dệt may nước ta chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên kém chủ động trong đầu vào. Chất lượng của nguyên liệu phụ sản xuất trong nước kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhưng giá thành thường cao hơn và khối lượng không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngành. Ví dụ, tỷ lệ Vải sản xuất trong nước có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của ngành may xuất khẩu mới chỉ đạt 12 - 15%, còn các nguyên phụ liệu ngành dệt may như xơ sợi, hoá chất thuốc nhuộm, phụ liệu may xuất khẩu hầu hết là phải nhập khẩu.
Về ngành hàng Giày dép Việt Nam hiện nay đứng hàng thứ 8 trên thế giới về sản xuất giày dép với sản lượng khoảng 300 triệu đôi/năm và có tên trong danh sách 10 nước sản xuất đứng đầu thế giới, chiếm 2,1% tổng sản lượng giày dép thế giới. Sản xuất giày dép của Việt Nam chủ yếu dành cho xuất khẩu.
Nhờ những nỗ lực lớn năm 2001, ngành Da giày Việt Nam đã đạt được kim ngạch xuất khẩu 1,52 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2000 nhưng vẫn không đạt được kế hoặch (bằng 89,4 % kế hoặch) do gặp rất nhiều khó khăn như mặt hàng dệt may.
Tuy nhiên, ngành Da giày Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề nguyên liệu sản xuất do năng lực sản xuất da thuộc thành phẩm trong nước hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cả về số lượng chủng loại và chất
lượng. Phần lớn vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất giày dép xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu làm gia công, hiệu quả mang lại thấp, phụ thuộc nhiều vào đối tác, hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường.
Hiện nay EU là thị trường truyền thống lớn nhất của ngành Da giày Việt Nam, chiếm trên 70% sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã chiếm tới 20% tổng lượng giày nhập khẩu của EU. Khi tỷ lệ này vượt quá 25% thì mặt hàng giày dép xuất khẩu của ta sẽ bị áp dụng hạn ngạch hoặc đưa ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) – (Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu giày dép vào thị trường này). Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng giày dép của Việt Nam đang gặp phải sức ép rất lớn của mặt hàng giày dép Trung Quốc mà mặt hàng giày dép của Trung Quốc phong phú về chủng loại, giá cả hợp lý và hấp dẫn khách hàng. Do vậy đây là một trở ngại cho xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian sắp tới.
Trước khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực, hàng giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải chịu thuế nhập khẩu cao (20% - 80%) nên kim ngạch xuất khẩu vẫn còn nhỏ (năm 2001 khoảng 114,2 triệu USD), chỉ đứng thứ 14 trong số các quốc gia xuất khẩu giày dép vào Hoa Kỳ và chủ yếu do các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh (có lợi thế về kỹ năng tiếp thị, công nghệ tiên tiến … ) thực hiện.
Như vậy, về lâu dài đây sẽ là hai ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu vì nó thu hút một số lượng nhân công lớn, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho số lao động phổ thông nông nhàn. Đây là ngành hàng có ý nghĩa quan trọng với việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong hoàn cảnh nước ta vẫn còn là nước nông nghiệp, đa số dân vẫn đang làm nghề nông. Đây là ngành có thể giải quyết việc làm cho một số lượng nhân công lớn, số nhân công chỉ phải đào tạo với mức chi phí thấp, phù hợp với hoàn cảnh một nước nghèo như Việt Nam. Đây là một nhóm hàng có
tốc độ tăng nhanh về tổng trị giá và gặp khá nhiều rủi ro do phải phụ thuộc khá nhiều vào các nước bạn hàng, đặc biệt là thị trường EU với cơ chế hạn ngạch. Trong thời gian vừa qua hàng công nghiệp nhẹ Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, đặc biệt là hàng cùng chủng loại của Trung Quốc. Trong thời gian tới Trung Quốc chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO thì nhóm hàng này của Việt nam sẽ còn gặp nhiều rủi ro và khó khăn hơn nữa trong việc mở rộng thị trường. Đặc biệt từ năm 2005 khi các nước thành viên WTO thống nhất bãi bỏ mọi hạn ngạch về dệt may với các nước thành viên trong tổ chức thì hàng dệt may Việt Nam sẽ phải gặp cạnh tranh nhiều hơn nữa.
2.1.1.3. Nhóm hàng Nông sản:
Đây là nhóm hàng có ý nghĩa quan trọng nhất vì trị giá thực thu về trong xuất khẩu lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng với việc tăng sức tiêu thụ của thị trường nông thôn. Đây là nhóm hàng hàm chứa nhiều yếu tố rủi ro cao. Trong tương lai sự tăng trưởng của nhóm hàng này sẽ có xu hướng chậm lại do khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Về lâu dài đây là nhóm hàng sẽ cần có sự đầu tư lớn để thay đổi chất lượng sản phẩm, biến bán cái mình có sang bán cái mà thị trường cần, tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ và thay đổi trang thiết bị, hiện đại hoá ngành công nghiệp chế biến còn rất sơ khai của Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu 1997- 1998 hàng nông sản xuất khẩu ít khó khăn trong khâu tiêu thụ hơn và ít rủi ro hơn so với giai đoạn 1999 - 2001. Từ năm 1999 - 2001 hầu hết các hàng nông sản của Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Sản lượng của các mặt hàng nông sản tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước nhưng kim ngạch xuất khẩu, giá xuất khẩu của một số mặt hàng không những không tăng mà còn giảm đáng kể so với các năm trước. Vì vậy khi sản lượng tăng cao thì các doanh nghiệp kinh
doanh các hàng nông sản lại càng dễ gặp rủi ro hơn do nhu cầu thúc bách phải tiêu thụ nhanh hàng hoá đã thu mua vì nếu càng để lâu doanh nghiệp lại càng có khả năng thua lỗ.
Nhóm hàng có ý nghĩa quan trọng nhất với Việt Nam là nhóm hàng nông sản lại có độ rủi ro xuất khẩu khá cao. Đây là nhóm hàng có ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân vì Việt Nam vẫn đang là một nước nông nghiệp, 80% dân số và lao động nằm ở khu vực nông nghiệp. Tuy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ngày càng giảm theo thời gian nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong tổng thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Rủi ro cao đối với nhóm hàng này là rủi ro về biến động thị trường xuất khẩu, giá cả và chính sách nhập khẩu của các nước bạn hàng trong khu vực và trên thế giới. Cho đến nay những mặt hàng trong nhóm hàng này vẫn chưa được chế biến hoàn hảo, phần lớn ở dạng thô và bán thành phẩm nên có nhiều nguy cơ dẫn đến rủi ro khi xuất khẩu nếu không có chiến lược đầu tư thích đáng vào công nghệ chế biến. Ngoài ra thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế rủi ro xuất khẩu với thị trường này nếu doanh nghiệp không nắm bắt được giá cả, nhu cầu của thị trường thế giới. Rủi ro do giá cả liên tục xảy ra, nhìn chung có thể phòng ngừa đến mức thấp nhất. Khi tham gia vào thị trường thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này phải biết chấp nhận rủi ro và một qui luật tồn tại trong kinh doanh là khu vực nào có rủi ro cao thì lợi nhuận lại càng lớn.
Trong nhóm hàng nông sản, các mặt hàng có vai trò quan trọng nhất là gạo, cà phê, cao su và hạt điều, rau quả. Đây là nhóm các mặt hàng hàm chứa nhiều rủi ro nhất. Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là mặt hàng gạo trong thời gian vừa qua lại là mặt hàng có nhiều biến động nhất. Đây là mặt hàng đem lại một kim ngạch xuất khẩu khá ổn định hàng năm và có quan hệ tới thu nhập của hàng triệu nông dân. Nếu giải quyết được những rủi ro trong xuất
khẩu gạo thì mới có thể tăng sức mua cho người nông dân, tạo thị trường tiêu thụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp tiêu dùng trong nước khác.