Mở rộng các hoạt động tài trợ, tư vấn xuất khẩu:

Một phần của tài liệu Rủi ro và hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Trang 73 - 75)

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và hầu như các doanh nghiệp phải độc lập tác chiến trên thị trường nước ngoài, các hoạt động tài trợ tư vấn xuất khẩu đóng vai trò trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu và hạn chế rủi ro trong xuất khẩu. Hiện nay tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu, năng lực công nghệ vẫn thua thiệt so với nhiều nước nên nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ vẫn gặp rủi ro. Biện pháp đầu tiên là vẫn phải thành lập các quĩ quốc gia hỗ trợ xuất khẩu. Trong nhiều năm Việt Nam đã thực hiện phụ thu với nhiều mặt hàng xuất khẩu nhưng việc sử dụng các quĩ này vẫn hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn của mình.

Trong thời gian gần đây Bộ thương mại đã thành lập các quĩ khen thưởng xuất nhập khẩu dành cho những doanh nghiệp tìm được thị trường mới và mặt hàng mới nhưng ý nghĩa của việc làm này mới chỉ có tính chất động viên mà vẫn chưa có hiệu quả thiết thực. Quĩ thưởng này vẫn còn nhỏ so

với các chi phí bỏ ra nên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp thực sự quan tâm. Đa số các doanh nghiệp được thưởng chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, qui mô lô hàng được thưởng không lớn, những lô hàng này có tính chất chào hàng nhiều hơn là mang mục đích thương mại. Ngoài ra, Nhà nước còn cần phải dành nhiều ưu đãi tín dụng hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phải dành sự ưu đãi cho những ngành hàng cụ thể, tránh tình trạng tràn lan như hiện nay và doanh nghiệp mạnh ai nấy chạy, doanh nghiệp được ưu đãi chưa thực sự là doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu. Các ngân hàng thương mại nên chủ động hơn trong việc cấp vốn cho các lô hàng xuất khẩu. Ngoài ra cũng nên thành lập một quĩ bảo hiểm xuất khẩu, quĩ này có thể thu từ các thương vụ xuất khẩu có tính chất như một công ty Bảo hiểm xuất nhập khẩu. Theo thống kê của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam thì tỷ lệ bảo hiểm xuất khẩu vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện xuất khẩu theo phương thức FOB nên phần bảo hiểm xuất khẩu hầu hết do các công ty nước ngoài thực hiện. Điều này làm cho các doanh nghiệp tưởng như có thể hạn chế được rủi ro nhưng thực chất doanh nghiệp không chủ động được khách hàng của mình và thụ động trong khâu tiêu thụ hàng.

Ngoài ra Chính phủ và các Bộ ngành cần chủ động tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thay đổi công nghệ chế biến, giảm thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu để sử dụng vào chế biến các mặt hàng xuất khẩu. Nhà nước cần chủ động đàm phán giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một nước mà doanh nghiệp đó gặp khó khăn, không đủ tiềm năng tài chính cũng như quan hệ để thiết lập các hợp đồng xuất khẩu. Trong tương lai khi các hoạt động tài trợ xuất khẩu trở nên khó khăn do ràng buộc bởi các hiệp định thương mại song phương và đa phương thì tuỳ tình thế và từng giai đoạn khác nhau Nhà nước có thể thực hiện nhiều biện pháp tài trợ linh hoạt hơn. Công cụ tài trợ thì có nhiều không nhất thiết cứ phải bằng tiền bằng tín

dụng mà có thể bằng những cách gián tiếp như giấy phép sử dụng tài nguyên với giá ưu đãi, giảm tiền sử dụng đất khi góp vốn liên doanh … Nhà nước có thể tài trợ để mở rộng sản xuất với các mặt hàng trong nước thực sự có nhu cầu, giúp các doanh nghiệp này có thể đổi mới công nghệ, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường trong nước.

Một phần của tài liệu Rủi ro và hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Trang 73 - 75)