Công tác Marketing xuất khẩu là yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thói quen chờ đối tác nước ngoài đến ký hợp đồng hơn là chủ động tìm kiếm bạn hàng tại các thị trường mới. Trong khi thương mại điện tử đang trở nên phổ biến trên toàn cầu thì đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn xa lạ với phương thức kinh doanh này. Hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam mở trang WEB trên mạng INTERNET, số các công ty có mở thì cũng ít cập nhật, có tính chất khuếch trương thành tích nhiều hơn là mục đích kinh doanh. Hơn nữa hệ thống pháp luật trong nước chưa có những điều luật cần thiết hỗ trợ kinh doanh trên mạng. Những năm gần đây khi sự cạnh tranh trên thị trường thế giới trở nên gay gắt và quyết liệt thì Marketing xuất khẩu được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp thâm nhập và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, có thể nói Marketing xuất khẩu là một khâu yếu nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay. Những rủi ro trong hoạt động xuất khẩu vừa qua một phần là do công tác Marketing xuất khẩu chưa được các doanh nghiệp chú trọng.
Vì vậy khi kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp nên có bộ phận chuyên trách công tác Marketing xuất khẩu. Bộ phận này cần bố trí những cán
bộ năng động, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ ngoại thương, am hiểu mặt hàng mà mình kinh doanh, chủ động trong công tác tìm kiếm thị trường và trong các khâu đàm phán ký kết. Bộ phận này phải đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Công ty. Bộ phận này có nhiệm vụ:
Định hướng thị trường xuất khẩu:
Bộ phận này có nhiệm vụ xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của doanh nghiệp. Phải biết thâm nhập thị trường mới và chiếm lĩnh thị trường truyền thống. Phải biết tăng cường tiếp cận những thị trường mà nhà nước đã ký kết các hiệp định ưu đãi để hạn chế bớt rủi ro. Công tác tiêu thụ sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Phải xây dựng được những mặt hàng cụ thể cho từng thị trường cụ thể làm sao các thị trường có thể tương hỗ lẫn nhau khi một thị trường trở nên khó khăn. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh, không phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào để hạn chế bớt rủi ro cho doanh nghiệp khi thị trường truyền thống có biến động. Định hướng mặt hàng và mẫu hàng xuất khẩu:
Doanh nghiệp cần phải chủ động nguồn hàng của mình. Phải chủ động các yếu tố đầu vào như nhiên liệu, vận tải, nguyên liệu ... để tránh những hành động đơn phương lên giá, giảm tiến độ giao nhận và tiêu thụ và có thể dẫn đến mất khách hàng. Luôn theo dõi và rà soát lại các mặt hàng mà mình đang sản xuất, theo dõi tiến độ tiêu thụ từng mặt hàng mà mình đang sản xuất, theo dõi tiến độ tiêu thụ từng mặt hàng, tìm ra nguyên nhân và biện pháp đối phó nhanh nhất khi có thay đổi về tốc độ bán hàng. Doanh nghiệp phải chú trọng công tác bao bì, chất lượng ... theo yêu cầu của từng thị trường tiêu thụ, đồng thời phù hợp với truyền thống dân tộc, tôn giáo của nước sở tại. Về lâu dài nên chuyên môn hoá một mặt hàng mà mình có lợi thế, nhưng cũng không
nên không mở rộng các công tác sản xuất đa ngành khác khi có thời cơ và có cơ hội.
Doanh nghiệp phải chú trọng giảm tỷ trọng các sản phẩm thô, sơ chế. Phải tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, đầu tư thích đáng cho công tác bao bì đóng gói sản phẩm. Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chế biến có hàm lượng công nghệ cao. Doanh nghiệp nên áp dụng các tiêu chuẩn ISO và ghi mã số mã vạch trên từng sản phẩm, phải có chính sách hậu mãi hợp lý với các sản phẩm của mình.
Về tiêu chuẩn mẫu mã sản phẩm, thực tế ở nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, trên cơ sở đề án xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thời kỳ 2001-2005 và dự kiến đến năm 2010 của Bộ Thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 132 ngày 24/11/2000 về các chính sách biện pháp khuyến khích xuất khẩu trong thời kỳ mới. Tuy nhiên việc thực hiện các chính sách về biện pháp trên còn chậm cả ở phía doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy kết quả đem lại trong năm 2001 còn hạn chế. Hình thức quan hệ hợp đồng xuất khẩu giữa các làng nghề thủ công mỹ nghệ với các doanh nghiệp xuất khẩu chưa được khai thác có hiệu quả và phổ biến; Chính phủ vẫn chưa có những sự hỗ trợ cụ thể đối với hình thức này. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 270 triệu USD năm 2002 và 1,5 tỷ USD vào năm 2010, thì các chính sách biện pháp được nêu trong quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ cần phải được các Bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, về thị trường xuất khẩu, một mặt cần khai thác mọi khả năng để xuất khẩu sang tất cả thị trường có nhu cầu, mặt khác cần tập trung xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng và nhu cầu lớn theo định hướng sau:
- Thị trường EU là khu vực thị trường rộng lớn. Trong nhóm hàng thủ công mỹ nghệ thì nhóm các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này khá tốt, nhóm gốm sứ mỹ nghệ cũng đang được tiêu thụ mạnh.
Các nhóm hàng như mây tre lá đan, các vật phẩm trang trí nội thất, bàn ghế bằng nguyên liệu song mây tre, hàng thêu ren, thảm len, thảm cói … cũng xuất khẩu được sang khu vực này với khối lượng đáng kể. Để duy trì phát triển xuất khẩu ổn định sang khu vực thị trường này, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới về mẫu mã và giá thành sản phẩm, đồng thời cần giữ uy tín và đảm bảo nguồn hàng ổn định.
- Thị trường Nhật Bản là thị trường gần và có nhu cầu lớn về nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của ta. Nếu xét thị trường theo từng nước thì Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất, trong đó có hàng thủ công mỹ nghệ từ năm 1991 đến nay. Nhật Bản có nhu cầu khá lớn về đồ gỗ, đồ gốm sứ, ngoài ra Nhật Bản còn nhập khẩu nhiều loại hàng như mây tre đan, các loại thảm, … Để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2002, ta cần giữ uy tín trong quan hệ bạn hàng, đồng thời thiết lập liên doanh, liên kết trực tiếp với các nhà phân phối hàng thủ công mỹ nghệ Nhật Bản.
- Thị trường Nga, các nước SNG và Đông Âu: Đây là khu vực thị trường rộng lớn, trước đây là thị trường tiêu thụ hầu hết hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam . Từ sau năm 1990 do biến động chính trị – xã hội ở khu vực này, nên xuất khẩu của ta nói chung và đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ bị giảm sút nghiêm trọng. Đến nay tuy vẫn chưa khôi phục lại, nhưng dần đã có biến chuyển tốt, nhất là đối với thị trường Nga. Để khôi phục lại thị trường này, cần khắc phục những vướng mắc trong khâu thanh toán, tìm ra cơ chế mới giải quyết được biện pháp kiểm soát, ngoại hối của Ngân hàng trung ương Liên Bang Nga. Sử dụng các kênh phân phối tại thị trường Nga do người Việt thực hiện để đưa hàng của ta tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng.
- Thị trường Hoa Kỳ có dung lượng lớn đối với các chủng loại hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ … nhờ mức thuế nhập khẩu thấp. Để xuất khẩu với khối lượng lớn vào thị trường Hoa Kỳ, cần sự hỗ trợ của Chính Phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu hệ thống luật và quy định của Liên Bang, từng bang đối với việc lưu thông hàng thủ công mỹ nghệ trên thị trường này.
Định hướng kế hoặch kinh doanh xuất khẩu:
Doanh nghiệp nên theo dõi những biến động của hàng hoá cùng chủng loại trên thị trường quốc tế để đề ra giá bán hàng hợp lý. Cần phải tính toán để sao cho phía các đối tác cũng không gặp khó khăn trong khi tiêu thụ, trong thời gian đầu có thể chấp nhận giá bán thấp, lợi nhuận ít do đa số các sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh và vượt trội so với các khu vực. Doanh nghiệp cần phải có tỷ lệ hoa hồng hợp lý cho các đối tác giúp đàm phán ký kết các hợp đồng mới.
Tuỳ theo quy mô mở rộng ở thị trường nước ngoài, cũng như những chính sách khuyến khích của Nhà nước doanh nghiệp xem xét cần hoặc nên thiết lập văn phòng đại diện, thậm chí các kênh tiêu thụ ở các thị trường đó. Đây là biện pháp chiến lược, một khi xuất khẩu với khối lượng lớn, giá trị cao thì việc thiết lập các văn phòng đại diện là tất yếu.
Doanh nghiệp cần phải coi trọng công tác quảng cáo, phải thiết lập và cập nhật thường xuyên các trang WEB trên mạng với chi phí khá thấp nhưng sẽ là hình thức kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp trên thế giới hiện nay.