tin đại chúng, các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan thực tế, phong trào tình nguyện, “ Đền ơn đáp nghĩa”, “ uống nước nhớ nguồn”
Trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, các phương tiện thông tin đại chúng giữ vị trí hết sức quan trọng. Do sức mạnh to lớn của phương tiện này mà các nước trên thế giới đã sớm ý thức sử dụng chúng vào mục tiêu chính trị của mình. Ở nước ta, trong điều kiện mở cửa, hội nhập vào
nền kinh tế quốc tế, kẻ địch có thể lợi dụng mọi cơ hội để nhồi nhét các
“chân lý” vào các tầng lớp nhân dân. Cái mà người ta gọi là “chân lý” là hệ thống tư tưởng, quan niệm, lối sống, thị hiếu... phục vụ cho mục tiêu chống phá cách mạng nước ta và bao giờ cũng được thể hiện một cách tinh vi, kín đáo.
Đối với chúng ta, các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ quan trọng và cần thiết để tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết liên quan tới đời sống chính trị xã hội của đất nước. Thông qua các phương tiện này, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành có thể định hướng tư tưởng, tuyên truyền và giáo dục lối sống, thẩm mỹ, thị hiếu cho học sinh.. Những thông tin qua sách báo, tranh ảnh cũng như các tư tưởng, quan niệm thông qua nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn sẽ dễ dàng đi vào lòng người. Học sinh là lứa tuổi nhạy cảm, tinh tế, hồn nhiên, vui tươi. Vì vậy một tư tưởng, quan niệm nào đó chỉ thấm vào họ khi chủ thể tiếp nhận nó một cách tự nhiên, không bị hạn chế bởi bất cứ một ức chế tâm lý nào.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Nghệ An cần phát triển hơn nữa hệ thống thông tin theo hướng đa dạng hoá các loại hình. Thực tế cho thấy, lưu lượng sách báo đến với học sinh còn quá nghèo nàn, ít ỏi trong khi đó lượng thông tin trên mạng internet lại phong phú, đa dạng. Vì vậy cần phải sàng lọc chu đáo để tránh cho các em khi tiếp nhận sẽ không bị nhiễm độc bởi những luồng tư tưởng, thị hiếu, lối sống tầm thường, xa lạ với đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nhằm phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng cần đổi mới, mở rộng các phương thức thông tin, phải đa dạng về hình thức, thể loại, phải giàu tính lối cuốn, thuyết phục.
Chẳng hạn như đầu tư đa dạng các loại sách báo ở phòng đọc thư viện của trường, tổ chức các cuộc thi “Đường lên đỉnh Ôlympia” cấp trường, “học sinh thanh lịch”...Từ đó sẽ có tác dụng nhất định trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, giải trí là những hình thức hoạt động không thể thiếu được đối với học sinh THPT. Các hoạt động này có ý nghĩa tích cực trong quá trình rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường. Chúng ta biết rằng, nhiệm vụ trung tâm của học sinh trong nhà trường là học tập, song bên cạnh các giờ lên lớp và tự học ở nhà, học sinh có nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hoá, văn nghệ, thể thao. Nếu chúng ta biết tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt này sẽ giúp cho học sinh thoát khỏi sự cám dỗ, lôi kéo của các hoạt động không lành mạnh đồng thời cũng giúp cho học sinh thấy yêu đời, yêu cuộc sống, tạo không khí thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Các hoạt động bổ ích trên là dịp để mỗi học sinh tìm hiểu, suy ngẫm về lịch sử hào hùng của dân tộc, những vấn đề trong đời sống của đất nước, về vai trò của mình đối với tương lai của Tổ quốc. Đây cũng là dịp để học sinh tự trau dồi ý thức đạo đức, quý trọng đạo đức truyền thống, vươn tới cuộc sống có niềm tin, lý tưởng, nhân ái và đoàn kết. Họ có ước mơ, hoài bão vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân để trở thành con người toàn diện, có ích cho xã hội.
Thông qua các hoạt động này sẽ có ý nghĩa rất to lớn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vì vậy chúng ta phải thực hiện tốt những vấn đề sau:
- Nhà trường tổ chức thực hiện thông qua lồng ghép văn hoá - văn nghệ vào các ngày lễ như ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Đoàn 26/3.. để giáo dục học sinh. Qua các hoạt động đó có thể làm cho các em thấy thoải mái hơn, yêu đời hơn, sống tốt hơn đồng thời tạo nên sức mạnh để các em phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập.
- Cần phải đầu tư xây dựng thư viện nhà trường, phòng truyền thống nhằm thu hút học sinh đến để đọc sách báo và biết thêm lịch sử truyền thống của nhà trường. Đồng thời nhà trường cần tổ chức các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, lựa chọn những học sinh đạt kết quả cao để khen thưởng. Từ đó kích thích, cổ vũ, động viên khích lệ các em say mê tìm hiểu sách báo và có tác dụng nhất định trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ về đạo đức, tình cảm, lối sống,có nhân cách cao đẹp, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh.
- Nhà trường cũng cần tổ chức các buổi học ngoại khoá, tìm hiểu thực tế với nhiều nội dung phong phú, sinh động để lôi cuốn các em tham gia một cách tích cực như vào các ngày lê lớn nhà trường nên tổ chức cho các em đến các di tích lịch sử, bảo tàng, tham gia các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn” “ thương người như thể thương thân” từ đó giúp các em thấy được trách nhiệm của mình với mọi người xung quanh.
Như vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh THPT nói chung và học sinh ở các trường trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Nghệ An nói riêng thông qua các phương tiện thông tin, các hoạt động văn hoá - văn nghệ, tham quan thực tế và phong trào tình nguyện có ý nghĩa rất to lớn trong việc đào tạo những con người mới toàn diện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.