Chí Minh trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh rất quan tâm và đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp xây dựng một nền đạo đức mới. Đạo đức mới, đạo đức XHCN được xây dựng trên nền tảng của chế độ công hữu, nhằm đem lại lợi ích cho nhân dân lao động, là đạo đức chiến đấu vì CNXH, vì sự tiến bộ của loài người, vì tự do hạnh phúc của con người. Ph.Ăngghen đánh giá: “Không có đạo đức nào là chân chính cả, nếu nói theo ý nghĩa tuyệt đối cuối cùng; nhưng tất nhiên, thứ đạo đức hiện nay đang tiêu biểu cho sự lật độ hiện tại, biểu hiện cho lợi ích của tương lai, tức là đạo đức vô sản - đạo đức có một số lượng nhiều nhất những nhân tố hứa hẹn một sự tồn tại lâu dài” [5; tr136].
Con người tồn tại với tích cách là một “động vật xã hội”, chính trong hoạt động sống của mình con người thể hiện mối quan hệ xã hội với những người khác, với cộng đồng và trong quá trình này sẽ hình thành bản chất con
người. Trên cơ sở đó, C.mác nói “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những mối quan hệ xã hội” [7; tr.11]. Trong lý luận về con người, Mác và Ăngghen còn đề cập đến nguyên nhân sâu xa của sự tha hoá đó chính là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa. Để khắc phục sự tha hoá con người đó không còn con đường nào khác là xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xác lập chế độ công hữu, thực hiện cách mạng vô sản, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người, xây dựng chế độ XHCN. Để đạt được trình độ như vậy, không chỉ có sự phát triển kinh tế mà còn phải xây dựng và phát triển văn hoá, đào tạo con người, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người nhất là thế hệ trẻ.
Hồ Chí Minh đã từng viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh là một phần do các thanh niên” [27; tr.186]. Vì thế, các bậc tiền bối rất chú ý đến công tác giáo dục thanh niên, coi đây là biện pháp hàng đầu quan trọng nhất để đào tạo con người mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác đạo đức và giáo dục đạo đức trong quá trình đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Không chỉ trên những bài viết, những bài nói về đạo đức mà cả cuộc đời Người là một tấm gương vĩ đại, một nhân cách lớn, là biểu tượng mẫu mực cho lý tưởng đạo đức của người cách mạng. Người rất quan tâm tới công tác giáo dục đạo đức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên. Người đặc biệt chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Người khuyên thanh niên: Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm thì khó mấy cũng quyết tâm làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc.
Quyết làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chớ kiêu ngạo, tự mãn, nên nói ít làm nhiều, thân ái, đoàn kết [24; tr.185-186].
Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có ước mơ hoài bão, có ý chí và nghị lực, khát khao với lý tưởng cao đẹp và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. thanh niên, học sinh đang là lứa tuổi có tính nhạy cảm với cái mới, cái đẹp và cái tiến bộ... Chính vì vậy, nếu được giáo dục tốt, phù hợp với tính cách, tâm lý, tạo ra sự say mê với lý tưởng sống cao đẹp thì thanh niên, học sinh sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh đã xác định: thanh niên, học sinh là lực lượng đông đảo, luôn luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ việc đánh giá vị trí, vai trò của thanh niên, học sinh đối với sự nghiệp cách mạng, với dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ rõ tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, học sinh. Kế thừa và phát huy truyền thống giáo dục, coi trọng nguồn lực con người, Hồ Chí Minh đã xem việc giáo dục thanh niên, học sinh là vấn đề chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng của cách mạng.
Trong giáo dục, Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ, mỗi người phải thường xuyên chăm lo, tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đấy cũng là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời, không người nào có thể chủ quan tự mãn. Người thường nhắc lại luận điểm “Chính tâm, tu thân” của Khổng Tử, từ đó rút ra ý nghĩa tích cực để vận dụng vào việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Người cũng đưa ra lời khuyên rất dễ hiểu:
“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo đức đã được hình thành trong trường kỳ lịch sử, đồng thời kế thừa
tư tưởng đạo đức, lối sống Phương Tây, những tinh hoa của nhân loại đặc biệt là những tư tưởng đạo đức, lối sống của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I Lênin cũng như những tấm gương đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh của dân tộc.
Trước lúc đi xa, Người căn dặn, Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho Thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Tiếp thu những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, học sinh.
Trên cơ sở những chủ trương và đường lối của Đảng, Bác Hồ trong công tác thanh niên, từ thực tiễn của công tác Đoàn và phong trào thanh niên học sinh trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta luôn đã khẳng định: công tác giáo dục là một trong những chức năng cơ bản, xuyên suốt của Đoàn, trong đó giáo dục đạo đức, lối sống là một nội dung đặc biệt quan trọng, được thể hiện rất rõ trong tiêu đề báo cáo tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII: “phát huy truyền thống vẻ vang, tuổi trẻ Việt Nam thi đua học tập, rèn luyện, lao động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện, xây dựng và bảo vệ tổ quốc ” [17; tr.17].
Thực tiễn cách mạng nước ta và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy ở bất kỳ thời nào thanh niên, học sinh với ý chí tiến thủ và hoài bão lớn, với lòng yêu nước nồng nàn, tuyền thống nhân, nghĩa, trí, dũng của cha ông ta, luôn đi đầu đáp ứng những đòi hỏi của đất nước. Các thế hệ thanh niên đã giữ vững lời thề độc lập “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” xả thân vì nước, dám “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” góp phần làm nên những kỳ tích trong lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Tổng kết lý luận và kinh nghiệm trong công tác thanh niên, kế thừa và phát triển những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta rất coi trọng và đánh giá rất cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng.
Trong công cuộc đổi mới, thanh niên, học sinh Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình trước thời cuộc, tạo nên diện mạo mới đặc trưng cho lớp trẻ ngày nay. Thanh niên, học sinh Việt Nam luôn nêu cao vai trò trên các mặt trận đặc biệt là học tập, lao động sáng tạo, nghiên cứu, tiến quân vào khoa học công nghệ. Thanh niên, học sinh còn tham gia vào các hoạt động rèn luyện thân thể, thực hiện nếp sống mới, phong trào tình nguyện, lập thân lập nghiệp, phong trào “tuổi trẻ sống đẹp” các hoạt động nhân đạo từ thiện chăm sóc và tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng ... của tuổi trẻ đã đi vào cuộc sống của đông đảo thanh niên học sinh.
Trong cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái đạo đức, lối sống, chống tệ nạn xã hội phát sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều thanh niên học sinh đã nêu cao gương sáng như không quản ngại khó khăn, đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn xã hội cảm hoá và giúp đỡ những người lầm đường lạc lối. Nếu trước đây trong kháng chiến thanh niên học sinh đã sẵn sàng đem tuổi xuân của mình hiến dâng cho độc lập tự do, đã từ chối sống cúi đầu làm nô lệ để lựa chọn một lẽ sống cao đẹp, thì ngày nay trong công cuộc đổi mới để hội nhập và phát triển với thế giới thanh niên học sinh nước ta đã lao động, học tập với tinh thần đầy trách nhiệm, lòng say mê và sáng tạo. Không tiếp nhận thụ động một chiều, những công dân trẻ Việt Nam còn tạo nên một thế hệđầy bản lĩnh, góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường hoà nhập với cộng đồng thế giới.
Tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những giá trị vật chất và tinh thần do thế hệ trước tạo nên, những tinh hoa của dân tộc và nhiệm vụ tự thân của thanh niên học sinh, là vấn đề có tính quy luật của quá trình phát triển xã hội. Hơn ai hết, thanh niên học sinh có ý chí, ý thức đạo đức, năng lực trình độ mọi mặt sẽ là người bắt kịp trình độ của thanh niên học sinh thế giới đưa đất nước đi vào tương lai. Do đó, thanh niên học
sinh không chỉ là lực lượng xung kích trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ trật tự an ninh xã hội mà còn là nguồn nhân lực chủ chốt, là nguồn đào tạo nhân tài của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các trường PTDTNT ở Nghệ An thì việc làm đầu tiên nhà trường cần phải quán triệt đường lối, chủ trường của Đảng và Nhà nước, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh cho giáo viên và học sinh, đặc biệt tổ chức tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng các chuẩn mực đạo đức để học sinh rèn luyện và phấn đấu như: Phải biết ý chí tự lập, tự cường, năng động, sáng tạo, thực hiện tốt quy định của địa phương và nội quy, quy chế trường học; khiêm tốn, liêm khiết, trung thực, giản dị, giữ vững được bản sắc văn hoá dân tộc; có nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam...
Bên cạnh đó nhà trường cũng phải có biện pháp theo dõi, giám sát để đánh giá, xếp loại chính xác, khách quan đạo đức của từng học sinh. Có như vậy công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường mới đạt hiệu quả cao đồng thời động viên, khuyến khích các em nổ lực, phấn đấu, rèn luyện tư tưởng đạo đức trong quá trình học tập ở trường cũng như ở gia đình và địa phương.
Như vậy, việc quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở Nghệ An là rất quan trọng. Nó làm cho học sinh thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, có ý thức tổ chức kỷ luật... để từ đó các em coi chuẩn mực là hướng phấn đấu, là quy tắc ứng xử trong học tập và trong cuộc sống hằng ngày.