I. Phương hướng đầu tư xây dựng KCHTGTVT từ năm 2005 đến năm 2010
4. Phương hướng phát triển hạ tầng đường thủy nội địa
Phương hướng phát triển GTVT đường thuỷ nội địa năm 2010 tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến sông kênh trọng điểm ở Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ bên cạnh việc mở rộng kéo dài, khơi sâu thêm các tuyến khác hiện có. Đặc biệt chú trọng đầu tư củng cố, phát triển các tuyến đường thủy từ đất liền ra đảo, vận tải ven biển pha sông, vận tải sông lên vùng cao, vận tải sông quốc tế. Trong đó, cần hoàn thiện sớm các tuyến ra đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quóc, Trường Sa nhằm tạo cơ sở hạ tầng hỗ trợ chương trình đưa dân ra đảo, phát triển, đánh bắt, chế biến hải sản, thiết thực góp phần củng cố an ninh - quốc phòng bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc. Bên cạnh đó, đầu tư hiện đại hoá hệ thống dẫn luồng và quản lý luồng, bố trí đủ phao tiêu, đèn hiệu theo tiêu chuẩn đảm bảo đi lại suốt ngày đêm trên các tuyến chính. Tập trung nạo vét, cải tạo nâng cấp các tuyến chính:
ở miền Bắc: nâng cấp tuyến Quảng Ninh đi Phả Lại cho tầu sà lan đến 1.000 tấn và khu vực các nhà máy điện, xi măng dọc QL18; cải tạo sông Đuống để cải tạo tuyến Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh, mở tuyến cho tàu ven biển qua sông Đáy vào Ninh Bình; nghiên cứu, khai thác các tuyến vận tải vùng cao: hồ Hòa Bình, sông Thao và các đoạn sông, hồ miền núi khác.
ở miền Nam: nạo vét thanh thải 2 tuyến từ TP. HCM đi Kiên Lương và đi Cà Mau, trong đó đặc biệt chú trọng tới đoạn kênh yết hầu Chợ Gạo và mở tuyến nối Vàm Cỏ Đông qua Đồng Tháp Mười tới sông Tiền; kết hợp mở luồng cho tàu biển qua cửa Định An, cải thiện đoạn sông Vàm Nao, nâng cấp tuyến đường thuỷ quốc tế từ biển đi Phnôm Pênh, Hạ Lào. Phân loại hệ thống cảng sông cho
phù hợp với đặc thù kinh tế thị trường. Đổi mới công nghệ, thiết bị bốc xếp theo hướng chuyên dụng hoá đối với cảng chuyên dùng.