Các giải pháp về giá (price)

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trường EU và Nhật Bản trong thời kỳ hội nhập WTO.doc (Trang 88 - 90)

Xây dựng chiến lược giá hợp lý bằng cách giảm chi phí sản xuất

Theo Marketing Mix, giá cả là một yếu tố quan trọng trong chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá. Nếu sử dụng chiến lược giá cả một cách đúng đắn, thích hợp với từng thị trường có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao

cho doanh nghiệp. Trong nhóm giải pháp về giá này, chúng ta cũng cần cân nhắc đến vấn đề chi phí, bởi chi phí có tính chất quan trọng trong việc quy định giá.

Yếu tố này càng trở nên quan trọng trong cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu. Hàng nông sản trước khi đến tay người tiêu dùng EU và Nhật Bản thường phải qua rất nhiều khâu, và mỗi khâu lại phát sinh nhiều chi phí, làm tăng giá thành sản phẩm. Do vậy giảm chi phí là một yêu cầu cho tất cả các doanh nghiệp muốn tăng hiệu quả xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải cứ giảm chi phí càng nhiều càng tốt mà cần giảm ở một mức phù hợp mà vẫn đảm bảo tạo ra những sản phẩm có chất lượng như yêu cầu. Có thể sử dụng các biện pháp sau để giảm chi phí hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá:

- Sử dụng các giống tốt cho năng suất cao, sử dụng các phương pháp nuôi trồng hiện đại nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, xây dựng vùng chuyên canh xuất khẩu để khai thác lợi thế do quy mô nhờ đó mà chi phí trên mỗi sản phẩm giảm. Ổn định giá cả các đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị trong nông nghiệp.

- Tổ chức lại hệ thống phân phối ở nước ta. Hiện nay, chi phí vận chuyển, bảo quản, tỷ lệ hao hụt trong các khâu trung gian làm tăng đáng kể chi phí tổng thể, tăng giá thành và giá bán, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của hàng hoá.

- Giảm chi phí hoa hồng cho các khâu trung gian bằng cách xuất khẩu trực tiếp ra thị trường EU và Nhật Bản. Muốn được như thế phải tăng cường công tác quảng cáo, xây dựng chiến lược phù hợp với từng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu với khối lượng lớn và thường xuyên. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu hàng hoá có tiếng trên thị trường để có thể đến trực tiếp người tiêu dùng nước ngoài mà không phải qua trung gian.

Định giá hợp lý linh hoạt đối với thị trường EU và Nhật Bản

Song song với việc giảm chi phí một cách thích hợp thì việc định giá như thế nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nông sản chúng ta trên thị trường EU và Nhật Bản. Đối với một số thị trường, giá rẻ là một vũ khí cạnh tranh lợi hại nhưng ở thị trường Nhật Bản và EU thì giá rẻ chưa hẳn đã là một ưu thế. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần phải tuỳ vào tình hình cung cầu của thị trường naỳ mà đưa ra mức giá tối ưu. Việc định giá sản phẩm không phải tuỳ tiện mà nên theo những bước hợp lý: Định giá theo chất lượng sản phẩm và loại thị trường.

Các doanh nghiệp nên tìm kiếm các hợp đồng dài hạn thay vì các hợp đồng chuyến để ổn định giá. Cố gắng xuất khẩu giá CIF thay vì giá FOB. Việc đưa ra mức giá ổn định hợp lý không chỉ làm tăng năng lực cạnh tranh của hàng nông sản trên hai thị trường lớn mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người nông dân và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, giải pháp về giá cả cần đi kèm với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể phát huy hết tác dụng của nó trong thời gian dài.

Nghiên cứu giá nhập khẩu của từng chủng loại mặt hàng của những đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Trung Quốc trên hai thị trường này trên cơ sở đó đưa ra mức giá hợp lý ở từng thị trường mục tiêu, tránh tình trạng găm hàng hay bán tống bán tháo làm tổn hại đến các ngành nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trên thị trường EU và Nhật Bản trong thời kỳ hội nhập WTO.doc (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w