kiểu dáng công nghiệp để phục vụ yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp
Xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp để phục vụ cho yêu cầu bắt buộc trong kinh doanh. Yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là điều không tranh khỏi trong kinh doanh nhất là trong xã hội ngày nay, khi một sản phẩm vừa mới ra đời thì ngay lập tức đã có những doanh nghiệp sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có kiểu dáng tương tự như vậy để kiếm lời nhanh chóng. Ngày nay, các doanh nghiệp ngoài việc chú ý đến việc cải tiến kiểu dáng công nghiệp cũng ngày càng chú ý đến các biện pháp bảo vệ kiểu dáng công nghiệp đó nhưng việc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Trong hoạt động kinh doanh, nhiều khi vì mục đích lợi nhuận, vì lợi ích kinh doanh, các nhà kinh doanh bất chấp thủ đoạn kể cả xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp khác để đạt được lợi ích của mình. Đối với kiểu dáng công nghiệp, luôn phải đối mặt với sự xâm phạm, sự bắt trước và cả sự làm giả. Khi có sự xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp thì không chỉ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị giảm sút mà uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp gây cho doanh nghiệp nhiều tổn thất như mất doanh thu; mất lợi thế cạnh tranh từ những nỗ lực và chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như nỗ lực tiếp thị bị lạm dụng; gia tăng chi phí giám sát thị trường và thực hiện các biện pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp khiến các doanh nghiệp sản xuất chân chính không chỉ bị thiệt hại về kinh tế vì mất thị trường tiêu thụ mà uy tín bị giảm sút, mà môi trường kinh doanh cũng bị xâm phạm. Ví dụ, hàng năm Công ty Honda Motor Ltd. (Nhật Bản) đã bị thất thu một khoản doanh thu lớn từ các hành vi sản xuất, lắp ráp,
buôn bán các loại xe máy có kiểu dáng tương tự kiểu dáng xe máy của Honda mang các nhãn hiệu khác như Starmax, Neva, Ashita, Maxima, Piogo, SH- LX, Asrtrea, skygo, New VMC, New Wait, Vivio... Công ty này cũng đã phải bỏ ra một lượng chi phí lớn để thực hiện các biện pháp chống hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp xe máy của Honda diễn ra trên khắp các tỉnh của Việt Nam đặc biệt là ở các tỉnh Đà Lạt, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vĩnh Long, Đắk Nông... Công ty Võng xếp Duy Lợi cũng ở trong tình trạng tương tự như Công ty Honda. Duy Lợi cũng đã phải đau đầu và tốn kém để đối phó với tình trạng xâm phạm kiểu dáng võng xếp của các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Năm 2005, Duy Lợi tuyên bố có tất cả 16 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất võng xếp xâm phạm kiểu dáng độc quyền võng xếp của mình. Pháp luật quy định về những hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là một biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền cho các chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp. Để việc quy định các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp thực sự có ý nghĩa thì việc xác định hành vi xâm phạm là yếu tố quyết định.
Ngoài ra, ở góc độ chủ thể quyền, xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp còn có ý nghĩa hướng dẫn chủ thể quyền trong việc tìm kiếm cách thức và biện pháp để bảo vệ kiểu dáng công nghiệp. Như vậy, khi có sự xâm phạm hoặc có tranh chấp về quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp thì việc xác định hành vi xâm phạm một cách nhanh chóng, chính xác sẽ góp phần phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.