Hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn

Một phần của tài liệu Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp (Trang 59 - 64)

kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu.

Trong trường hợp này, kiểu dáng công nghiệp xâm phạm thuộc dạng không khác biệt cơ bản- tương tự tới mức có thể gây nhầm lẫn và sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp xâm phạm có thể trùng lặp hoặc cùng loại với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Đây là dạng xâm phạm phổ biến và diễn ra nhiều nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp.

Thuộc trường hợp này có thể chia làm 03 dạng hành vi xâm phạm như sau: (1) sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp xâm phạm không trùng lặp mà chỉ là cùng loại với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và kiểu dáng xâm phạm cũng không trùng lặp hoàn toàn mà là không khác biệt cơ bản với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; (2) sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp xâm phạm trùng lặp với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ nhưng kiểu dáng xâm phạm không trùng lặp với kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ mà chỉ thuộc dạng không khác biệt cơ bản (tương tự tới mức có thể gây nhầm lẫn); (3) kiểu dáng công nghiệp xâm phạm là kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm trong đó có bộ phận mang kiểu dáng công nghiệp giống hệt hoặc không khác biệt cơ bản với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

Ví dụ 1, Hành vi của công ty Thanh Long Hải Dương Việt Nam xâm phạm kiểu dáng bát

Hành vi của công ty Thanh Long Hải Dương Việt Nam xâm phạm kiểu dáng bát của Công ty gốm sứ Hải Dương Việt Nam: sản phẩm đĩa của công ty Thanh Long Hải Dương Việt Nam có một số họa tiết, đường nét hoa văn giống với sản phẩm bát của Công ty gốm sứ Hải Dương Việt Nam. Về mặt hàng hóa, sản phẩm bát và đĩa là hai sản phẩm cùng loại. Về dấu hiệu, kiểu dáng của hai sản phẩm này khác nhau, nhưng đường nét, hoa văn trên bát và đĩa không khác biệt cơ bản, tương tự tới mức người tiêu dùng nhầm sản phẩm đĩa cũng do Công ty gốm sứ Hải Dương Việt Nam sản xuất.

Ví dụ 2, Hành vi của Công ty cổ phần xe máy, điện máy Phương Đông xâm phạm kiểu dáng xe máy

Công ty cổ phần xe máy, điện máy Phương Đông đã có hành vi lắp ráp các chi tiết nhựa tạo ra kiểu dáng về tổng thể không khác biệt đáng kể với

kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 4306 cho xe máy do Công ty Honda sản xuất. Các chi tiết nhựa tạo ra kiểu dáng xe máy do Công ty cổ phần điện máy Phương Đông lắp ráp có các bộ chi tiết, chi tiết nhựa có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành kiểu dáng xe máy về tổng thể xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của xe máy, bộ phận sản phẩm của xe máy đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Honda Motor (Nhật Bản) theo bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 4306, 8924, 9658, 9032, 9189. Việc lắp ráp các chi tiết nhựa tạo kiểu dáng công nghiệp xe máy này không do chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp hoặc người được chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho phép, sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Như vậy, về mặt sản phẩm, đây là những hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp thuộc dạng sản phẩm cùng loại; về mặt dấu hiệu, kiểu dáng xe máy có sử dụng một số chi tiết giống kiểu dáng công nghiệp xe máy của Công ty Honda.

Ví dụ 3, Hành vi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Quân Sơn xâm phạm kiểu dáng công nghiệp “Dép mát – xa” (Hà Nội, 2009)

Công ty trách nhiệm hữu hạn Quân Sơn đã sản xuất, buôn bán dép mát – xa có dấu hiệu xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp “Dép mát – xa” đang được bảo hộ cho Công ty Long Anh (Việt Nam). Kiểu dáng công nghiệp “Dép mát-xa” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 12020 (cấp ngày 1-7-2008) và 13101 (cấp ngày 31-3-2009). So sánh các đặc điểm tạo dáng trên sản phẩm dép nhựa mát –xa do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quân Sơn với kiểu dáng công nghiệp dép mát –xa đang được bảo hộ cho Công ty Long Anh, thấy rằng: sản phẩm dép nhựa do Công ty Quân Sơn sản xuất, đế dép có mặt trên được tạo bởi các nút có dạng mặt cầu rỗng, sắp theo các hàng ngang dọc và tạo thành bề mặt hở thoáng khí, một đường gờ bao quanh mặt trên, mặt dưới của đế dép có các đường gân thẳng bố trí theo các hàng ngang dọc và liên kết với mặt dưới của các nút có dạng mặt cầu rỗng; quai dép làm bằng nhựa trong, có đường gân bao quanh đường bao và có một lỗ thủng hình ôvan ở mặt trên của quai dép, tuy có khác biệt ở đường gân bao quanh đường bao sau, lỗ thủng hình ôvan ở mặt trên và có độ khoét sâu ở quai dép, nhưng khác biệt nói trên là không đủ để tạo ra ít nhất một đặc điểm tạo dáng dễ nhận biết và ghi nhớ. Như vậy, về mặt dấu hiệu, kiểu dáng công nghiệp xâm phạm và kiểu dáng công nghiệp “Dép mát –xa” tuy có khác biệt ở đường gân bao quanh đường bao sau, lỗ thủng hình ôvan ở mặt trên và có độ khoét sâu ở quai dép so với kiểu dáng dép được bảo hộ, nhưng khác biệt nói trên là không đủ để tạo ra ít nhất một đặc điểm tạo dáng dễ nhận biết và ghi nhớ. Về sản phẩm, sản phẩm mang kiểu dáng xâm phạm và sản phẩm mang kiểu dáng “Dép mát-xa” là cùng loại. Do đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quân Sơn đã sản xuất, buôn bán dép mát-xa sử dụng kiểu dáng không khác biệt với kiểu dáng “Dép mát-xa” của Công ty Long Anh.

Ví dụ 4, hành vi của Công ty Bánh kẹo Hải Châu xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng “bao gói kẹo” (Hà Nội, 2006).

Kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm kẹo khoai môn đã được Cục SHTT cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bao gói kẹo số 7680 (có hiệu lực từ ngày 02-06-2003) cho Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà. Tuy nhiên, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm khoai môn với thiết kế bao gói kẹo không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ cho Công ty bánh kẹo Hải Hà. Mẫu bao gói kẹo của Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Châu gồm mặt trước và mặt sau được thể hiện với các hình chữ “Chew”, “Taro” và “Khoai môn”, hình cây khoai môn với hai củ khoai thái lát, hình hai viên kẹo và lá khoai môn, có các đặc điểm tạo dáng về tổng thể không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ theo bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 7680. Về trường hợp này, Cục SHTT đã có Công văn số 2031/SHTT-TTKN ngày 14-8-2006 khẳng định: “việc sử dụng, sản xuất và buôn bán bao gói kẹo có kiểu dáng nêu trên mà không được phép của chủ kiểu dáng công nghiệp- Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà và không có quyền sử dụng trước đối với kiểu dáng công nghiệp là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ”. Như vậy, về mặt sản phẩm, đây là những sản phẩm cùng loại, cùng là mặt hàng bánh kẹo; về dấu hiệu, kiểu dáng xâm phạm của Công ty bánh kẹo Hải Châu đã sử dụng các dấu hiệu về tổng thể không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cho Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà. Do đó, Công ty bánh kẹo Hải Châu đã xâm phạm kiểu dáng bao gói kẹo của Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà và đây là trường hợp sử dụng kiểu dáng công nghiệp không khác biệt với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và sản phẩm mang kiểu dáng xâm phạm và sản phẩm mang kiểu dáng được bảo hộ là cùng loại.

Một phần của tài liệu Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp (Trang 59 - 64)