Đối với trường hợp xâm phạm của Công ty Quân Sơn do không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng trước của mình nên đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, Công ty Long Anh và Công ty Quân Sơn đã đạt được thoả thuận, thống nhất tự giải quyết. Theo thông thường Công ty Quân Sơn sẽ trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và thời hạn sử dụng theo sự thỏa thuận của hai bên.
Ví dụ trên đã chứng minh Công ty Long Anh đã sử dụng quyền tạm thời đối với kiểu dáng công nghiệp theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và khi được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì Công ty này đã có đơn yêu cầu xử lý vi phạm đối với Công ty Tuấn Việt và Công ty Quân Sơn. Công ty Tuấn Việt do đã sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp “Dép mát-xa” trước thời điểm Công ty Long Anh nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiếp tục sử dụng trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng nên Công ty Tuấn Việt không vi phạm quyền của người sử dụng trước. Công ty Quân Sơn do không có quyền sử dụng trước đối với kiểu dáng công nghiệp “Dép mát-xa” nên đã xâm phạm quyền SHCN “Dép mát –xa” của Công ty Long Anh.
2.2. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp cũng giống như các hành vi vi phạm pháp luật khác, hành vi này cũng có các mặt
chủ quan, khách quan, chủ thể và khách thể. Tuy nhiên, với mục đích là đưa ra các căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp, tác giả sẽ đi sâu phân tích các yếu tố xác định một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí đã được đưa ra theo quy định tại Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Nghị định 119/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT quy định 4 căn cứ để xác định một hành vi xâm phạm quyền SHTT như sau:
1- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền SHTT. Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật SHTT ví dụ như văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận, bằng độc quyền.
2- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Yếu tố xâm phạm là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm. Yếu tố xâm phạm là sản phẩm, quy trình hoặc một phần, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc quy trình được tạo ra từ hành vi xâm phạm.
3- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền SHTT và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Trường hợp người không phải là chủ thể quyền SHTT vẫn có quyền sử dụng mà không vi phạm, đó là các trường hợp các chủ thể mặc dù không phải là chủ thể quyền SHTT nhưng có quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT phù hợp với quy định của pháp luật, như trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không
phải trả tiền nhuận bút thù lao quy định tại Điều 25 hoặc quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp tại Điều 134, Luật SHTT.
4- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng Internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Như vậy Điều 5, Nghị định 105/NĐ-CP đã khái quát các căn cứ để xác định một hành vi xâm phạm quyền SHTT. Việc quy định như vậy rất thuận lợi cho việc bảo vệ hiệu quả quyền SHTT, là cơ sở để cho các chủ thể quyền SHTT cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền SHTT bởi vì trên thực tế hành vi xâm phạm quyền SHTT rất đa dạng, trong nhiều trường hợp các văn bản pháp luật không thể liệt kê hết được cũng như dự liệu các hành vi xâm phạm trong tương lai. Đây cũng là bước tiến quan trọng so với quy định trước, góp phần quan trọng vào việc xác định một hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung cũng như xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng.
Trên cơ sở căn cứ xác định một hành vi xâm phạm quyền SHTT nêu trên có thể phân tích từng căn cứ để xác định một hành vi bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp như sau: