định về nội dung quyền SHCN được quy định tại Điều 122 và Điều 123, Luật SHTT. Về thời hạn bảo hộ, trong khi kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ trong khoảng một thời gian nhất định được ghi trong văn bằng bảo hộ, cụ thể theo quy định của Luật SHTT năm 2005, kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bảo hộ là 5 năm, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm; trong khi đó, tác phẩm tạo hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là đối tượng của quyền tác giả được thì các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn là: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; ngoài ra, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; các quyền tài sản được quy định tại Điều 20, Luật SHTT có thời hạn bảo hộ là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
1.1.2. Khái niệm và đặc điểm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp dáng công nghiệp
1.1.2.1. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Quyền SHCN là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tài sản vô hình – kết quả của các hoạt động tư duy, sáng tạo của con người như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và kinh mật kinh doanh, bao gồm các quy định của luật dân sự và một số ngành luật khác cũng như các quy định trong các điều ước quốc tế
song phương và đa phương về các đối tượng đó. Điều 1, Công ước Paris về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được ký kết ngày 20-3-1883 và được sửa đổi vào năm 1967 không đưa ra định nghĩa cụ thể về quyền SHCN mà chỉ quy định về các đối tượng SHCN được bảo hộ bao gồm: “Sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”. Đến nay, danh sách các đối tượng SHCN được bổ sung thêm một số đối tượng mới là: bí mật kinh doanh; thiết kế bố trí mạch tích hợp.
Quyền SHCN nói chung và quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Thứ nhất, hiểu theo nghĩa khách quan, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáng tạo, sử dụng, định đoạt và bảo vệ kiểu dáng công nghiệp- một đối tượng SHCN.
Với nghĩa này, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình, mặt khác quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp còn bao gồm các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các quy phạm pháp luật về quyền sở công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp có thể gồm các nhóm sau: nhóm các quy định liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; nhóm các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác lập quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp; nhóm các quy phạm liên quan đến nội dung quyền của chủ sở hữu, quyền tác giả, các chủ thể khác đối với kiểu dáng công nghiệp; nhóm các quy phạm liên quan đến việc chuyển giao quyền SHCN đối
với kiểu dáng công nghiệp; nhóm các quy phạm liên quan đến việc bảo vệ quyền của các chủ thể đối với kiểu dáng công nghiệp.
Với nghĩa này, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp không chỉ là các quy định của luật dân sự mà thuộc rất nhiều các văn bản pháp luật khác nhau, thuộc nhiều ngành luật khác nhau tạo thành thể thống nhất điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến kiểu dáng công nghiệp. Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp không những được các quy phạm pháp luật của quốc gia điều chỉnh mà còn được điều chỉnh bởi các điều ước quốc tế đa phương và song phương.
Thứ hai, hiểu theo nghĩa chủ quan, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với kiểu dáng công nghiệp. Điều 780, Bộ luật Dân sự 1995 quy định “Quyền SHCN là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định” [44].
Bộ luật Dân sự 1995 ngoài việc liệt kê các đối tượng SHCN cụ thể còn quy định quyền SHCN đối với các “đối tượng khác”. Định nghĩa mở này về quyền SHCN tạo điều kiện để dần dần cập nhật những đối tượng khác sẽ được bảo hộ là đối tượng của quyền SHTT trong tương lai. Luật SHTT 2005 đã bổ sung thêm các đối tượng SHCN sau: bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Theo quy định tại khoản 4, Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT 2005 thì “Quyền SHCN là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”. [41]
Theo nghĩa này, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến việc sử dụng, chuyển giao kiểu dáng công nghiệp. Các quyền chủ quan này phải phù hợp với pháp luật nói chung và pháp luật về SHCN nói riêng, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể trong lĩnh vực SHCN, quyền ngăn chặn những hành vi xâm phạm hoặc cạnh tranh không lành mạnh đối với các quyền của người sáng tạo và người sử dụng hợp pháp các đối tượng đó.
Ngoài ra, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp còn được hiểu theo nghĩa là một hệ pháp luật, bao gồm cả chủ thể, khách thể và nội dung. Chủ thể của quyền SHCN là tổ chức, cá nhân là tác giả hay chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHCN. Khách thể của quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng công nghiệp, là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nội dung của quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.
Tóm lại, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với kiểu dáng công nghiệp do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
1.1.2.2. Đặc điểm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Thứ nhất, tính vô hình của quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là một quyền tài sản và đối tượng của nó mang tính phi vật chất. Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình.
Kiểu dáng công nghiệp là một đối tượng của quyền SHCN, vì vậy nó cũng mang đặc trưng của các đối tượng quyền SHCN là đặc tính vô hình. Đặc điểm này hoàn toàn khác biệt với đặc tính hữu hình của sở hữu tài sản vật chất. Là sản phẩm của sáng tạo trí tuệ, mang đặc tính vô hình nên đối tượng quyền SHTT nói chung và kiểu dáng công nghiệp nói riêng phải được vật chất hóa và được thể hiện trên các vật mang tin cụ thể. Tài sản trí tuệ vô hình phải được phản ánh, thể hiện thông qua những vật thể hữu hình.
Bản thân quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp không thể tự nó đem lại các tiện ích hiện hữu cho người nắm giữ quyền mà nó chỉ đem lại các lợi ích vật chất và tinh thần cũng như các lợi thế cho chủ sở hữu, người sử dụng khi các đối tượng SHCN được áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, tính hạn chế của quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Tính hạn chế của quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là một đặc trưng cơ bản của quyền SHTT nói chung và quyền SHCN nói riêng. Đây chính là sự khác biệt giữa quyền sở hữu các đối tượng là tài sản vật chất hữu hình với các đối tượng là tài sản vật chất vô hình.
Tính hạn chế của quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp được thể hiện ở nhiều khía cạnh như hạn chế về không gian, hạn chế về thời gian, hạn chế quyền của chủ sở hữu (quyền của người sử dụng trước đối với kiểu dáng công nghiệp), việc sử dụng các đối tượng SHCN không thuộc quyền sở hữu của mình phải được sự cho phép của chủ sở hữu đối với quyền SHCN đó,...
Dưới đây tác giả sẽ đề cập tới tính hạn chế của quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp về không gian và tính hạn chế về thời gian.
Về không gian
Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp mang tính lãnh thổ tuyệt đối. Khác với quyền sở hữu tài sản vật chất, chỉ một số loại tài sản nhất định
mới phải đăng ký quyền sở hữu, quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp chỉ phát sinh trên cơ sở công nhận hoặc cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia nhất định đã được công nhận hoặc cấp văn bằng đó. Việc bảo hộ quyền SHCN trên thế giới đều tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc pháp luật quốc gia. Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp mang tính không gian và lãnh thổ tuyệt đối do đặc điểm của quyền SHCN xuất phát từ đặc trưng của đối tượng SHCN, một loại tài sản vô hình nên rất dễ bị xâm phạm, khó kiểm soát; việc áp dụng các đối tượng SHCN chủ yếu gắn với quá trình sản xuất công nghiệp, với mục đích thương mại và thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người nên thường mang lại lợi ích lớn, có ảnh hưởng tới sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội.
Về thời gian
Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp bị hạn chế về mặt thời gian. Nhìn chung, quyền SHCN chỉ được bảo hộ trong khoảng một thời gian nhất định được ghi trong văn bằng bảo hộ và chủ sở hữu các quyền SHCN phải nộp lệ phí cho sự bảo hộ đó. Khoảng thời gian nhất định để bảo hộ là khoảng thời gian hợp lý để chủ sở hữu các quyền SHCN khai thác các đối tượng SHCN của mình để bù đắp những chi phí vật chất và tinh thần khi tạo ra đối tượng đó. Khi kết thúc thời hạn bảo hộ (kể cả thời gian gia hạn), quyền SHCN của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng cũng chấm dứt, ngoại trừ một số đối tượng SHCN như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý... được bảo hộ vô thời hạn nhưng các đối tượng đó cũng như chủ sở hữu các đối tượng đó phải đảm bảo một số điều kiện do pháp luật quy định. Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bảo hộ là 5 năm, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm.
Sự giới hạn thời hạn bảo hộ quyền SHCN xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế xã hội vì các đối tượng của quyền SHCN là những sản phẩm trí tuệ có ích cho xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Nếu kiểu dáng công nghiệp cũng như các đối tượng quyền SHCN được bảo hộ vĩnh viễn thì sẽ kìm hãm sự sáng tạo, dẫn đến tình trạng bưng bít tin tức. Sau khi hết thời hạn bảo hộ, các đối tượng SHCN này sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại.
Thứ ba, quyền sử dụng là quyền năng cơ bản nhất của quyền sở hữu công nghiệpđối với kiểu dáng công nghiệp
Quyền SHCN là một quyền dân sự theo nghĩa rộng. Đây không phải là một quyền dân sự “tuyệt đối” theo cách hiểu truyền thống về quyền dân sự. Trong khi đối với tài sản hữu hình, trong ba quyền năng của chủ sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) thì quyền chiếm hữu là quyền cơ bản và quan trọng nhất thì đối với quyền SHCN, quyền sử dụng lại được coi là quyền năng cơ bản nhất. Với tài sản là kiểu dáng công nghiệp được thể hiện thông qua quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng, ngăn cấm người khác sử dụng và định đoạt kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu không được chủ sở hữu cho phép. Điều này xuất phát từ tính vô hình của các đối tượng SHCN, do đó, chủ sở hữu không thể chiếm hữu (cầm, nắm, giữ) tài sản. Bản thân kiểu dáng công nghiệp không tạo ra giá trị mà chúng phải được ứng dụng vào những loại vật chất hữu hình cụ thể và phát sinh giá trị trong quá trình sử dụng, khai thác kiểu dáng công nghiệp.
Đặc tính không hữu hình của sản phẩm sáng tạo trí tuệ nói chung của kiểu dáng công nghiệp nói riêng sau khi bộc lộ có thể lan truyền vô hạn, không thể kiểm soát được. Do vậy, để chiếm giữ, hoặc là không công bố, giữ bí mật về sản phẩm, không đưa vào sử dụng, khai thác hoặc có khai thác nhưng phải giữ không cho người khác biết bản chất của đối tượng đó. Tuy
nhiên, điều này không thể thực hiện được trên thực tế hoặc nếu có thực hiện được thì không có ý nghĩa. Vì vậy, quyền năng quan trọng nhất trong nội dung quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là quyền sử dụng các đối tượng SHCN.
Quyền SHCN là một quyền đặc biệt thể hiện khả năng độc quyền khai thác, sử dụng của chủ sở hữu đối với đối tượng được bảo hộ. Việc bảo hộ quyền SHCN nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, của tác giả bằng cách tạo điều kiện cho họ thu lợi, bù đắp những chi phí mà họ đã bỏ ra. Do đó, chỉ chủ sở hữu mới có quyền sử dụng và chuyển giao cho người khác sử dụng đối với kiểu dáng công nghiệp.
Thứ tư, quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Đăng ký văn bằng bảo hộ là cách thức để công khai hóa tình trạng của loại tài sản vô hình này đối với các chủ thể khác, là cách thức để thông báo công khai tài sản này đã thuộc về chủ thể xác định. Từ đó, chủ sở hữu có căn cứ để chứng minh tài sản đó thuộc về mình. Khác với quyền tác giả là mặc nhiên phát sinh ngay sau khi tác phẩm được tác giả sáng tạo ra và thể hiện dưới một hình thức nhất định, do đó, việc đăng ký chỉ mang tính khuyến khích thì quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng và quyền SHCN nói chung thì việc đăng ký mang tính bắt buộc, muốn được bảo hộ phải có đơn yêu cầu bảo hộ hoặc công nhận và sẽ được bảo hộ từ thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định công nhận (trừ tên thương mại, bí mật kinh doanh).
Thông qua thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Nhà nước còn nhằm mục đích khuyến khích các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại. Việc đăng tải trên công báo các thông tin về các