Nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về hành vi xâm phạm và xác định hành vi xâm phạm đối với kiểu dáng công nghiệp có ý nghĩa quan trọng bởi vì trên cơ sở nghiên cứu các quy định này sẽ là cơ sở để đánh giá thực trạng xâm phạm; đưa ra các giải pháp hạn chế xâm phạm và nâng cao hiệu quả xác định, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp cũng như đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện hành về hành vi và xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Trong khuôn khổ phạm vi nghiên cứu của Luận văn, Chương 2 sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về các dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp; căn cứ xác định hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp; căn cứ và nguyên tắc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp.
2.1. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp dáng công nghiệp
Cũng giống như các đối tượng SHCN khác, tình trạng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp cũng ngày càng gia tăng và ngày càng phức tạp với nhiều dạng xâm phạm khác nhau. Theo quy định tại Điều 126, Luật SHTT, các hành vi sau đây bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp:
1. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
2. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
3. Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Quy định trên đã đưa ra các dạng cơ bản của hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Đây là sự định nghĩa trên cơ sở liệt kê, vì vậy sẽ khó khái quát và tiên liệu hết được các dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp sẽ phát sinh trong tương lai.
Để xác định đúng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp cần hiểu rõ hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 124, Luật SHTT, sử dụng kiểu dáng công nghiệp là việc thực hiện các hành vi sau đây:
- Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;
- Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ;
-Nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
Cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp thực hiện một trong các hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang trong thời hạn bảo hộ quy định tại Điều 124, Luật SHTT mà không được phép của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp, đồng thời người thực hiện hành vi đó không phải là người có quyền sử dụng trước quy định tại Điều 134, Luật SHTT và hành vi đó không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 125, Luật SHTT thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Khi xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp cần chú ý các hành vi không bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 125, Luật SHTT. Cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 2, Điều 125, Luật SHTT thì không bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Khi có đơn khởi kiện đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN, cần xem xét kỹ xem trường hợp đó có thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 125, Luật SHTT hay không, nếu có thì Tòa án phải giải thích cho người khởi kiện biết, trả lại đơn và không thụ lý giải quyết. Trường hợp thụ lý xong mới phát hiện thấy đây không phải là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, Luật SHTT Việt Nam mới quy định về các hành vi xâm phạm mang tính trực tiếp mà chưa quy định hành vi gián tiếp xâm phạm đến quyền SHTT gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, ở Việt Nam hiện nay đã và đang tồn tại nhiều hành vi gián tiếp xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền như, hành vi xúi giục vi phạm; gián tiếp tham gia vào hành vi xâm phạm (hành vi chào hàng, bán, nhập khẩu các phương tiện...). Pháp luật một số nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật,... quy định hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm cả hành vi
trực tiếp xâm phạm quyền SHTT và hành vi gián tiếp xâm phạm quyền SHTT. Pháp luật các nước này còn có sự phân biệt rõ ràng cũng như quy định các biện pháp xử lý tương xứng với hành vi trực tiếp và hành vi gián tiếp xâm phạm quyền SHTT. Các nhà làm luật Việt Nam cũng nên nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về một số hành vi gián tiếp xâm phạm quyền SHTT để hoàn thiện pháp luật về SHTT.
Dưới đây tác giả sẽ phân tích các dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật SHTT: