Khái niệm hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp

Một phần của tài liệu Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp (Trang 37 - 43)

với kiểu dáng công nghiệp

Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol coi xâm phạm quyền SHTT là “tội phạm nghiêm trọng”. Phạm vi các hành vi phạm tội về SHTT rất rộng, chủ

yếu là các hành vi liên quan đến hàng giả và hàng nhái nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Hành vi xâm phạm SHTT nói chung cũng như xâm phạm quyền SHCN nói riêng gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, làm thiệt hại hàng tỷ đồng của các nhà sản xuất và người tiêu dùng mỗi năm. Hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT không chỉ hạn chế ở hàng hóa cao cấp như trước mà mở rộng sang cả hàng hóa tiêu dùng bao gồm các hàng hóa thông thường như thức ăn cho trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc và các phụ tùng thiết bị khác. Các hành vi xâm phạm quyền SHCN ngày càng đa dạng và phổ biến hơn. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đặt ra một yêu cầu là phải bảo vệ hiệu quả quyền SHTT cho các chủ thể.

Liên quan đến khái niệm hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp có nhiều định nghĩa khác nhau.

Hiệp định TRIPS quy định về thực thi quyền SHTT và hành vi xâm phạm quyền SHTT thông qua việc sử dụng các thuật ngữ “xâm phạm quyền SHTT” và các quy định về thực thi quyền SHTT tại các Điều từ Điều 41 đến Điều 61, Phần III của Hiệp định.

Điều 71, phần 2, chương 6, Đạo luật về kiểu dáng công nghiệp 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 của Ôxtrâylia quy định về hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp như sau:

Một người bị coi là xâm phạm kiểu dáng đã đăng ký nếu trong thời gian kiểu dáng được bảo hộ và không được phép của chủ sở hữu kiểu dáng mà thực hiện các hành vi sau:

a). Sản xuất hoặc đưa ra bán sản phẩm liên quan đến kiểu dáng đã đăng ký, trong đó thể hiện một kiểu dáng giống hoặc tương tự với kiểu dáng đã đăng ký;

b). Nhập khẩu để bán hoặc sử dụng nhằm mục đích kinh doanh, thương mại;

c). Bán, cho thuê hoặc phục vụ cho mục đích khác, hoặc cung cấp để bán, cho thuê hoặc nhằm mục đích khác như một sản phẩm; d). Sử dụng như một sản phẩm bằng bất kỳ cách nào nhằm mục đích kinh doanh, thương mại;

e). Giữ lại như là một sản phẩm với mục đích thực hiện bất kỳ hoạt động nào nhằm mục đích kinh doanh, thương mại.[60]

Pháp luật về SHTT của Ôxtrâylia cũng đã quy định các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp dưới dạng liệt kê, với mức tương đối đầy đủ. Cũng như Ôxtrâylia, pháp luật về SHTT của Malaysia cũng quy định hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp dưới dạng liệt kê. Theo quy định tại mục 32, Phần VI, Đạo luật thiết kế kiểu dáng công nghiệp 1996 của Malaysia quy định về hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp như sau:

1. Theo quy định của Đạo luật này, chủ sở hữu một kiểu dáng công nghiệp có quyền độc quyền thực hiện hoặc nhập khẩu để bán hoặc cho thuê, hoặc để sử dụng nhằm mục đích thương mại, kinh doanh hoặc bán, thuê hoặc tặng cho hoặc trưng bày để bán hoặc cho thuê kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký.

2. Theo quy định tại mục 30 của Đạo luật này, một người bị coi là có hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký trong thời gian có hiệu lực của văn bằng bảo hộ nếu sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không có giấy phép hoặc sự đồng ý của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp trong những trường hợp sau:

a) Sử dụng kiểu dáng công nghiệp hoặc bắt chước bắt kỳ bộ phận nào của kiểu dáng công nghiệp, hoặc bắt chước hiển nhiên kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.

b) Nhập khẩu vào Malaysia để bán hoặc để sử dụng nhằm mục đích thương mại hoặc kinh doanh bất kỳ bộ phận nào của kiểu

dáng công nghiệp hoặc bắt chước hiển nhiên hoặc rõ ràng kiểu dáng công nghiệp được áp dụng bên ngoài Malaysia mà không có giấy phép hoặc không được sự đồng ý của chủ sở hữu; hoặc

c) Bán hoặc tặng cho hoặc giữ để bán, hoặc thuê, hoặc cung cấp hoặc giữ để cho thuê, bất kỳ bộ phận nào kiểu dáng công nghiệp được mô tả mục a và b [67].

Khoản 1, Điều 14, Nghị định 85/HĐBT ngày 13-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về Điều lệ kiểu dáng công nghiệp và Khoản 1, Điều 12, Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN 1989 quy định về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp như sau: sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, quảng cáo và lưu thông các sản phẩm được sản xuất theo kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ mà không được phép của chủ Văn bằng bảo hộ; Việc chủ sở hữu đối tượng SHCN không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả và việc không bảo đảm các quyền tinh thần của tác giả bị coi là xâm phạm quyền của tác giả kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này quy định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp còn đơn giản.

Bộ luật Dân sự 1995 quy định về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là một dạng hành vi của hành vi xâm phạm quyền SHTT được quy định tại Mục 5, Chương II, Phần VI về Bảo hộ quyền SHCN. Khoản 1, Điều 804 đã đưa ra khái niệm về hành vi xâm phạm quyền SHCN

“Người nào sử dụng các đối tượng SHCN của người khác trong thời hạn bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu đối tượng SHCN, thì bị coi là xâm phạm quyền SHCN...[44]. Khoản 3, Điều 805 đã liệt kê các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp gồm:

- Sản xuất sản phẩm theo kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam;

- Nhập khẩu, bán, quảng cáo hoặc sử dụng các sản phẩm chế tạo theo kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh [44].

Tiếp đó, Nghị định 63/1996-CP quy định chi tiết về quyền SHCN thì hành vi xâm phạm quyền SHCN được định nghĩa như sau:

Việc một người không phải là chủ sở hữu đối tượng SHCN thực hiện một trong các hành vi sử dụng đối tượng SHCN đang trong thời hạn bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu đối tượng SHCN, đồng thời người thực hiện hành vi đó không phải là người có quyền sử dụng trước quy định tại Điều 50 Nghị định này và các hành vi sử dụng nói trên không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 51 và Điều 52 Nghị định này thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN [8].

Như vậy, Bộ luật Dân sự 1995 và các văn bản liên quan đã bước đầu có những quy định đầy đủ hơn về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này còn nằm rải rác và chưa đầy đủ về hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Đến Luật SHTT 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất về SHTT nói chung cũng như về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng. Khoản 1 và Khoản 2, Điều 126, Luật SHTT 2005 đã liệt kê các dạng hành vi được coi là xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp, bao gồm các hành vi sau:

- Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

- Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật SHTT [40].

Sau đó, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT và Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã xác định các yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền SHTT. Các quy định này đã có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cá nhân, cơ quan thực thi quyền SHTT xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT chính xác, nhanh chóng và thống nhất. Tuy nhiên, Luật SHTT 2005 cũng không đưa ra định nghĩa về hành vi xâm phạm quyền SHCN mà chỉ liệt kê các dạng hành vi xâm phạm đối với từng đối tượng quyền SHCN và việc liệt kê như vậy sẽ không bao hàm hết được các hành vi xâm phạm ở trên thực tế.

TS. Lê Nết đã đưa ra khái niệm về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp như sau:“xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và thời hạn bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp trừ các trường hợp được pháp luật cho phép”[36].

Từ các khái niệm về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp được đưa ra ở trên và dưới góc độ nghiên cứu, tác giả đưa ra khái niệm về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp như sau: hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và thời gian bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp và không thuộc các trường hợp ngoại lệ được pháp luật cho phép sử dụng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp (Trang 37 - 43)