hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp gây ra
Nguyên tắc là những yêu cầu nền tảng đòi hỏi chủ thể phải tuân thủ đúng trình tự nhằm đạt mục đích đề ra một cách tối ưu. Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT nói chung cũng như xâm phạm đối với kiểu dáng công nghiệp nói riêng được quy định tại Điều 204, Luật SHTT như sau: thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn là chỉ đề cập đến các quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp, vì vậy trong phần này tác giả chỉ đề cập đến các thiệt hại về vật chất.
Khoản 1, Điều 204, Luật SHTT 2005, dựa trên tiêu chí tính chất của thiệt hại vật chất, thiệt hại được chia làm 04 loại: (i) các tổn thất về tài sản; (ii) mức giảm sút thu nhập và lợi nhuận; (iii) tổn thất về cơ hội kinh doanh; (iv) chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, căn cứ vào mối quan hệ giữa thiệt hại và hành vi xâm phạm, thiệt hại được chia làm 2 nhóm: (i) thiệt hại trực tiếp (gồm tổn thất về tài sản và chi phí hợp lý để ngăn
chặn, khắc phục thiệt hại); (ii) thiệt hại gián tiếp (gồm mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận và tổn thất về cơ hội kinh doanh).
Về mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp gây ra:
Điều 204, Luật SHTT về nguyên tắc xác định thiệt hại, ngoài việc quy định về các loại thiệt hại còn quy định về mức độ thiệt hại. Thông thường các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: yếu tố lỗi của chủ thể hành vi, hành vi xâm phạm, thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại đó. Trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nó quyết định việc bảo vệ của pháp luật đối với đối tượng là kiểu dáng công nghiệp có triệt để hay không.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 204, Luật SHTT thì mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp phải chịu do hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp gây ra. Mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Việc xác định thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả trưng cầu giám định và bản kê khai thiệt hại (Khoản 3, Điều 16, Nghị định 105/2006/NĐ-CP). Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế về vật chất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Mức độ bồi thường thiệt hại sẽ được xác định trên cơ sở mức độ thiệt hại.
Dưới đây tác giả sẽ phân tích cụ thể từng loại thiệt hại vật chất do hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp gây ra:
2.3.2.1. Về tổn thất về tài sản
Tổn thất về tài sảnđược xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Giá trị tính được thành tiền của kiểu dáng công nghiệp được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây: i) Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp; ii) Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp; iii) Giá trị quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp trong tổng số tài sản của doanh nghiệp; iv) Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển kiểu dáng công nghiệp, bao gồm chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
Dưới đây tác giả sẽ phân tích cụ thể các quy định của pháp luật đối với từng loại tổn thất về tài sản:
i). Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp. Dựa trên cơ sở định giá theo thị trường, giá kiểu dáng công nghiệp được xác định trên cơ sở giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp tương tự giao dịch trên thị trường vào thời điểm định giá. Tuy nhiên việc định giá dựa trên cơ sở này không chuẩn xác vì thị trường chuyển giao kiểu dáng công nghiệp với số lượng chưa đủ lớn, đa dạng. Ngoài ra, thực tế hiện nay là khi chuyển giao kiểu dáng công nghiệp được đăng ký tại Cục SHTT với mức giá thấp hơn giá thực thế rất nhiều nhằm mục đích trốn thuế. Do đó, việc định giá trên cơ sở này không được chuẩn xác.
ii). Giá trị góp vốn kinh doanh bằng kiểu dáng công nghiệp. Theo phương thức này, giá trị kiểu dáng công nghiệp là giá được ghi vào trong các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp và được đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. So với việc định giá trên cơ sở giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc
giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thì thì việc định giá trên cơ sở này chính xác hơn.
iii). Giá trị kiểu dáng công nghiệp trong tổng số tài sản của doanh nghiệp. Giá trị kiểu dáng công nghiệp và tài sản của doanh nghiệp cũng phải xác định trên cơ sở thị trường và trên cơ sở sổ sách kế toán. Quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp vừa là một tài sản cố định vô hình được định giá vào sổ sách kế toán vừa là một tài sản được lưu thông trên thị trường nên nó tuân theo quy luật thị trường; tương quan giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trưởng của tài sản ngày càng chênh lệch, trong khi đó giá trị tài sản vô hình lại không ngừng tăng lên.
iv). Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển kiểu dáng công nghiệp, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác. Đây là phương thức định giá kiểu dáng công nghiệp theo chi phí v́ nó dựa trên tổng chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình sáng tạo ra kiểu dáng công nhiệp. Tuy nhiên, tiêu chí này có một số hạn chế như: kiểu dáng công nghiệp được xây dựng thành công có giá trị lớn hơn nhiều lần so với chi phí để sáng tạo ra một kiểu dáng công nghiệp.
2.3.2.2. Về mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận
Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 204, Luật SHTT mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận bao gồm: i) thu nhập, lợi nhuận được tạo ra do sử dụng, khai thác trực tiếp kiểu dáng công nghiệp; ii) thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê kiểu dáng công nghiệp; iii) thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp. Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây: i) so sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập; ii) so
sánh sản lượng, số lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; iii) so sánh giá bán thực tế trên thị trường của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, khi xác định về mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận cần lưu ý đến các yếu tố khách quan tác động đến việc tăng hoặc giảm thu nhập, lợi nhuận thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; đối với trường hợp có hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp nhưng khi xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm so với thời điểm trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, thu nhập, lợi nhuận của bên bị xâm phạm tuy không giảm sút, nhưng so với thu nhập, lợi nhuận thực tế đáng lẽ được nhận nếu không có hành vi xâm phạm vẫn bị giảm đi thì trường hợp này cũng bị coi là thu nhập, lợi nhuận bị giảm sút (Điều 18, Nghị định 105/2006/NĐ-CP và mục B.I.1.5, Thông tư 02/2008/TTLT).
Việc xác định thu nhập, lợi nhuận bị mất do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra là hết sức khó khăn và trong hầu hết các trường hợp đều chỉ mang tính tương đối. Trong một số trường hợp việc xác định thu nhập, lợi nhuận bị mất dựa trên việc so sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm không đơn giản và khó chính xác. Giả sử trong trường hợp mà trong khoảng thời gian xảy ra hành vi xâm phạm, doanh số và lợi nhuận của nguyên đơn không có sự giảm sút so với thời gian trước, thậm chí số lượng bán hàng hay giá bán trên sản phẩm bị xâm phạm cũng không giảm (tức là mọi phép so sánh đều cho kết quả bằng 0, thậm chí là âm) thì điều này cũng không đủ căn cứ để khẳng định nguyên đơn không bị mất thu nhập, lợi nhuận trên thực tế. Trong một số trường hợp mặc dù doanh thu và lợi nhuận của người bị thiệt hại thực tế có sự giảm sút so với thu nhập trước khi có hành vi xâm phạm xảy ra nhưng sự giảm sút đó hoàn toàn không phải do hành vi xâm phạm mà do ảnh hưởng của các yếu tố trên thị trường
hoặc do sự kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của người đó thì việc xác định thu nhập, lợi nhuận bị mất do hành vi xâm phạm SHTT dựa trên sự so sánh trên khó có thể đảm bảo khách quan và toàn diện.
2.3.2.3. Về tổn thất về cơ hội kinh doanh
Cơ hội kinh doanh được hiểu là hoàn cảnh thuận lợi, khả năng thực tế để chủ thể quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp sử dụng, khai thác trực tiếp, cho người khác thuê, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền SHTT, chuyển nhượng quyền SHTT cho người khác theo quy định của pháp luật... để thu lợi nhuận. Điểm a, Khoản 1, Điều 204, Luật SHTT; Điều 19, Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Mục B.I.1.6, Thông tư số 02/2008/TTLT quy định cơ hội kinh doanh bao gồm một trong các trường hợp sau: i) khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp kiểu dáng công nghiệp trong kinh doanh; ii) khả năng thực tế cho người khác thuê kiểu dáng công nghiệp; iii) khả năng trực tiếp chuyển giao, chuyển nhượng quyền sử dụng quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp cho người khác; iv) cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra. Trong các tổn thất về vật chất thì tổn thất về cơ hội kinh doanh là tổn thất khó chứng minh nhất, nhóm này có sự liên hệ với hành vi xâm phạm thấp nhất.
Theo học thuyết về bồi thường thiệt hại cho phép những thiệt hại tuy chưa xảy ra nhưng nếu chắc chắn xảy ra thì cũng có thể được xem xét bồi thường nếu như sự chắc chắn đó là thực tế. Trong đó, cơ hội kinh doanh cũng có thể coi là một thiệt hại. Tuy nhiên, có thể thấy, đây là một sự bồi thường trùng bởi vì xuất phát từ một thực tế là khi giá trị của tài sản SHTT bị mất hay bị giảm sút vì bất cứ nguyên nhân gì thì đương nhiên các cơ hội kinh doanh cũng bị giảm sút ở mức độ tương ứng hay nói đúng hơn, giá trị của một tài sản trí tuệ thường được phản ánh và định lượng dựa trên những cơ hội kinh doanh mà nó mang lại hay khả năng sinh lợi của tài sản này trong tương lai.
Có thể thấy, cơ hội kinh doanh cũng như những lợi nhuận trong tương lai mà một tài sản trí tuệ có thể mang lại và giá trị thành tiền của tài sản này chẳng qua là sự phản ánh khác nhau về cùng một vấn đề và không phải là các giá trị độc lập. Vì vậy, nếu giá trị bị giảm sút hoặc mất đi của một tài sản SHTT đã được xác định là thiệt hại cần được bồi thường trong trách nhiệm bồi thường do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra thì không thể yêu cầu bồi thường đối với những tổn thất về cơ hội kinh doanh nữa và ngược lại. Nghiên cứu pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy không có sự phản ánh trực tiếp về trách nhiệm bồi thường đối với “tổn thất về tài sản” hay “cơ hội kinh doanh” trong những vụ xâm phạm quyền SHTT. Thường thì những yếu tố này sẽ được cân nhắc như một khía cạnh trong quá trình xác định các thiệt hại trực tiếp khác như chi phí quảng cáo cải chính nhằm khôi phục danh tiếng và uy tín của chủ sở hữu quyền trong luật của Mỹ hay khoản tiền bồi thường về uy tín, danh dự và tinh thần trong pháp luật của Nhật Bản.
2.3.2.4. Về chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại
Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 204, Luật SHTT và Điều 20, Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hóa xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm. Đây là những chi phí thực tế, cần thiết, hợp lý mà chủ thể quyền đã dùng để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp gây ra.