kiểu dáng công nghiệp để bảo vệ các quyền dân sự cơ bản của con người
Xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người. Quyền được bảo vệ các tài sản sáng tạo của con người là một quyền cơ bản không chỉ được pháp luật Việt Nam mà còn được pháp luật quốc tế thừa nhận và bảo vệ. Bất kỳ ai cũng có quyền sở hữu đối với thành
quả lao động do mình làm ra hoặc do mình đầu tư công sức, tài sản, trí tuệ mà có. Đây chính là quyền dân sự cơ bản của con người. Ban đầu, người ta chỉ công nhận quyền sở hữu là quyền đối với tài sản hữu hình còn các thành quả lao động từ hoạt động trí tuệ thì mãi sau này cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học- công nghệ mới được coi là một loại tài sản mà con người có thể sở hữu chúng. Khoản 1, Điều 27, Hiến chương Liên Hiệp quốc về nhân quyền năm 1948 đã quy định về quyền con người như sau: “Mọi người có quyền lao động, sáng tạo và được hưởng những lợi ích vật chất từ thành quả lao động sáng tạo của mình” [22]. Pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận quyền SHTT là một loại quyền dân sự thể hiện ở các quy định trong Bộ luật Dân sự. Bộ luật dân sự 1995 trong đó có Chương II, Phần VI, với 26 điều khoản quy định về quyền SHCN là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn,“Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền SHTT được Nhà nước thừa nhận là một loại quyền dân sự” [47]. Tiếp đến, Luật SHTT 2005 đã được ban hành, theo đó SHTT không chỉ tiếp cận dưới góc độ quyền dân sự mà còn chủ động nhấn mạnh góc độ thương mại và các khía cạnh khác của SHTT, như khía cạnh hành chính, hình sự.
Như vậy, việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp là để bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp, tức là bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người. Chủ sở hữu có đủ các quyền về tài sản đối với kiểu dáng công nghiệp của mình.