Sự cản trở của chế độ nô lệ đối với sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và tiến bộ xã hội ở Mĩ

Một phần của tài liệu Quá trình giải phóng nô lệ ở mĩ (1986 1865) (Trang 38 - 45)

Nếu như trước đây, sự thỏa hiệp giữa chủ nô và tư sản công thương là một yêu cầu cần thiết cho sự phát triển của kinh tế Bắc Mĩ thì giờ đây nó lại trở thành vật cản cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa và mở rộng chủ nghĩa tư bản ra toàn bộ lãnh thổ Mĩ.

39

Đã gần 100 năm phát triển cho đến trước Nội chiến, kinh tế Mĩ chủ yếu phát triển theo hai hướng khác nhau: miền Bắc công nghiệp và hạ tầng cơ sở, miền Nam nông nghiệp gắn liền với chế độ nô lệ đồn điền. Các khu công nghiệp và thành phố lớn đã phát triển khá mạnh ở cả hai vùng. Nông nghiệp ở miền Nam cũng phát triển nhưng không có sự chuyển đổi mạnh mẽ như miền Bắc. Sự chênh lệch kinh tế giữa hai miền đã gây nên nhiều mâu thuẫn. Đại diện cho hai nền kinh tế là lợi ích của các nhóm chủ nô miền Nam và các nhà tư bản miền Bắc. Mỗi nhóm đều tìm cách kiểm soát Chính phủ Liên bang nhằm củng cố lợi ích của mình. Các nhà tư bản miền Bắc tập trung quyền lực ở trung ương để thống nhất điều khiển sự phát triển kinh tế, đòi hỏi phải đánh thuế cao hàng công nghiệp nhập khẩu có hại cho nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, các chủ nô miền Nam, đặc biệt là những chủ kinh doanh bông muốn hạ thấp thuế quan xuất khẩu. Như vậy, sự tồn tại của chế độ nô lệ đã mâu thuẫn với nhu cầu phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của bản thân nước Mĩ. Điều đó cũng có nghĩa là chế độ nô lệ đang mâu thuẫn với một xu hướng kinh tế tiến bộ không chỉ của bản thân nước Mĩ mà của cả thế giới lúc bấy giờ. Và "cuộc đấu tranh hiện nay giữa hai miền Nam và Bắc không phải

là cái gì khác mà là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội: hệ thống chiếm hữu nô lệ và hệ thống lao động tự do" [13; 453].

Sự tồn tại của chế độ nô lệ còn cản trở quá trình công nghiệp hóa - một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Bước sang thế kỷ XIX, khi cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở miền Bắc thì ở miền Nam, tình hình dường như ngược lại. Ngay trong nông nghiệp, sự tồn tại của chế độ nô lệ đồn điền đã duy trì phương thức sản xuất lạc hậu, thô sơ. Với nguồn nhân công dồi dào, rẻ mạt, các chủ nô tính toán rằng chỉ cần khai thác triệt để sức lao động của các nô lệ da đen là có thể mang lại nguồn lợi nhuận lớn mà không cần đầu tư máy móc và kĩ thuật hiện đại. “Chính trong

40

nông nghiệp, chế độ nô lệ đồn điền đã mất sức sống của nó – nó đã kiệt sức”

[16; 22]. Chi phí mua nô lệ quá lớn, năng suất lao động của nô lệ giảm từ 3-4 lần, nô lệ cũng không có khả năng lao động kĩ thuật và sử dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp. Hơn nữa, các cánh đồng bông với chế độ nô lệ đồn điền không hẳn là điều hoàn toàn có lợi. Chúng đã làm cạn kiệt nguồn đất, vì vậy, trước thời Nội chiến, các vùng đất lớn ở miền Nam hầu như không còn dùng được nữa. Chỉ bằng cách lấn chiếm đến những vùng đất chưa khai phá thì các chủ đồn điền mới có thể tự bảo đảm nguồn thu nhập.

Các chủ đồn điền lại thích đầu tư vốn vào những vùng đất mới và nô lệ hơn là đầu tư vào máy móc và các phân xưởng. Mà cho dù người miền Nam sẵn lòng đầu tư vào công nghiệp thì chính chế độ nô lệ cũng sẽ gây cản trở. Các nô lệ thiếu những kỹ năng cần thiết, thiếu sự khích lệ, cổ vũ và nền giáo dục cho những công việc thuộc về công nghiệp. Hơn nữa để gây dựng thành công những công ty công nghiệp có nguồn lao động thích hợp là một gánh nặng quá lớn đối với các nhà đầu tư. Ngoài việc phải có những tòa nhà lớn, máy móc, họ còn phải mua các công nhân cho mình. Trong khi đó, các nô lệ da đen với tình trạng hơn 90% không biết đọc, biết viết thì không để đáp ứng được nhu cầu về đội ngũ công nhân có tay nghề và trình độ trong quá trình công nghiệp hóa. Các sử gia đã từng tuyên bố rằng “với một xã hội nô lệ mang những tính chất này thì chẳng

có gì phải ngạc nhiên khi miền Nam vẫn còn là một khu vực có tỷ lệ phát triển nông nghiệp và kinh tế chậm hơn so với các vùng khác trong quốc gia” [12; 423]. Và cũng bởi vậy nên xét về sự phát triển công nghiệp thì miền Nam vẫn tụt lại so với miền Bắc mặc dù nó có tài nguyên thiên nhiên về sức nước, than đá, sắt và sợi bông – tất cả những nguồn lực chủ yếu cho sự khởi đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp. Như vậy, chính chế độ nô lệ - thứ “thể chế khác

41

là nguyên nhân của tình trạng lạc hậu tương đối ở khu vực này, đồng thời là một cản trở lớn cho việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa trên toàn nước Mĩ.

Không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế, sự tồn tại và mở rộng của chế độ nô lệ đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thành phần cư dân trong xã hội Mĩ. Không chỉ ảnh hưởng đến quá trình làm giàu của giai cấp tư sản Bắc Mĩ, nó còn đe dọa đến cuộc sống và khát vọng đổi đời của hàng triệu cư dân Mĩ - những chủ trại nhỏ. Với đạo luật Morrill, họ có thể tự do phát triển nông nghiệp theo con đường kiểu Mĩ, nhưng chế độ nô lệ với những đồn điền bát ngát của các chủ nô đã cướp đi cơ hội đổi đời của họ. Hơn nữa, bằng cách bóc lột tàn tệ những người da đen, giới chủ nô đã tung ra thị trường một khối lượng lớn sản phẩm giá rẻ. Các trại chủ nhỏ thường không cạnh tranh nổi với nền sản xuất bằng lao động nô lệ và đã bị phá sản. Không phải ngẫu nhiên mà giới chủ nô lại nắm độc quyền sản xuất bông. Sự bành trướng của chế độ nô lệ làm cho chế độ trang trại bị thu hẹp lại và làm gia tăng nguy cơ phá sản cho nhiều trại chủ. Với công nhân, sự tồn tại của chế độ nô lệ đã hạ thấp địa vị xã hội của người công nhân và làm cho tình cảnh kinh tế của họ khó khăn hơn. Năm 1844, khi những người thợ dệt của thành phố Phôn-Rivơ thuộc bang Massachusetts than vãn về những điều kiện khó khăn của lao động thì họ nhận được một câu trả lời rằng: “Các anh phải làm việc với một số giờ và với một số

tiền công thấp như những người nô lệ ở miền Nam” [9; 481]. Và “nơi mà ở đó lao động da đen bị sỉ nhục và đày đọa thì lao động da trắng cũng không được giải phóng” [16; 23].

Chế độ nô lệ còn được coi là một vết nhơ trong lịch sử, xã hội Mĩ. Mặc dù, những quan điểm mới gần đây dường như bác bỏ lại những lời chỉ trích ghê gớm nhất về chế độ nô lệ nhưng thực tế cho thấy các nô lệ không phải là "người da đen hạnh phúc" trong những huyền thoại lãng mạn về các đồn điền miền Nam mà giới chủ nô cố gắng tạo dựng.

42

Tội lỗi rõ ràng nhất của chế độ nô lệ là nó đã bác bỏ quyền tự do cá nhân của con người. Về cơ bản, cuộc sống của người nô lệ không còn là của riêng họ nữa. Nô lệ không được tự do đi lại. Họ không thể dựa vào sức lao động của mình và không được hưởng lợi trực tiếp từ nó. Họ cũng không được thể hiện được hết cá tính của mình. Thể chế này cũng thẳng thắn khước từ quyền được sống, được tự do và khát khao hạnh phúc của họ, điều mà mọi người Mĩ đều ấp ủ và xứng đáng được hưởng. Chế độ nô lệ cũng không để cho người da đen phát huy hết khả năng của họ. Ngay cả những người nô lệ đã thoát khỏi cánh đồng bông, mía để trở thành tài xế hoặc học được một nghề nghiệp nào khác cũng không thể đạt đến trình độ cao nhất hoặc chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc dạy cho nô lệ biết đọc và viết là phạm pháp. Năm 1860, hơn 9 trong số 10 người nô lệ không biết đọc, mọi phương tiện giúp họ đi đến kiến thức đều bị hạn chế nghiêm ngặt. Khi những người có tài như Josiah Henson, Solomon Northup và Frederick Douglass được tự do kể về những câu chuyện của mình, họ đã lên án gay gắt cái chế độ đã bác bỏ nhân quyền của họ. Frederick Douglass đã viết trong cuốn Tự truyện của mình rằng: “Chế

độ nô lệ có thể và đã phát triển tất cả những đặc tính hung ác và đáng ghê tởm của nó. Nó khiếm nhã không cần hổ thẹn, ác độc không cần run sợ, và sát nhân không sợ bị bắt giữ hoặc sợ hãi nếu bị công khai, hoặc bị trừng phạt”

[12; 436].

Chế độ nô lệ là một chế độ cưỡng bức. Các nô lệ bị phạt bằng cách rút bớt các đặc quyền hoặc làm việc nhiều hơn bình thường. Họ bị đánh vì tội ăn trộm, không vâng lời, bỏ trốn, đấu tranh và uống rượu. Các thanh niên trẻ - những thành phần bất trị nhất của bất kỳ dân tộc nào – thường bị đánh bằng roi nhiều hơn các nô lệ khác nhưng không có nhóm nào được miễn các hình phạt về thể xác. Đôi khi họ cũng bị đánh nhưng vì những nguyên nhân không rõ ràng. Theo Mary Boykin Chesnut, vợ của một chính trị gia làm điền chủ ở

43

North Carolina phải thừa nhận rằng: “Đàn ông và phụ nữ bị phạt vì các ông

chủ hay bà chủ của họ hung ác chứ không phải vì họ đã làm sai” [12; 433].

Thậm chí, các nô lệ không bị đánh đập cũng bị tác động sâu sắc vì chuyện này. Đã có những điều luật chống lại sự tra tấn dã man và cắt xéo nô lệ nhưng luật pháp không thể ép buộc thực hiện một cách dễ dàng vì người nô lệ không có giá trị hợp pháp, trước tòa họ không thể làm chứng chống lại người da trắng.

Chế độ nô lệ còn gây chia rẽ sâu sắc đối với các gia đình nô lệ. Bởi những mối đe dọa về sự chia rẽ chính là vũ khí đầy quyền lực của kỷ luật xã hội. Các gia đình bị chia rẽ do bị bán đi, vợ bị tách khỏi chồng, con phải lìa cha mẹ là những chuyện hàng ngày trong các đồn điền. Chế độ nô lệ xung đột với cuộc sống gia đình người da đen trên nhiều phương diện khác. Không có nơi nào ở miền Nam mà luật pháp công nhận sự ràng buộc thiêng liêng trong hôn nhân của người nô lệ vì làm như vậy sẽ hạn chế quyền lực của những chủ nô trong việc quản lý nô lệ theo ý muốn của họ.

Một trong những bản cáo trạng đối với chế độ nô lệ là việc người da trắng được phép lạm dụng tình dục đối với phụ nữ da đen. Số liệu điều tra dân số năm 1860 cho thấy 10% dân số nô lệ có dòng máu từ người da trắng. Như giáo sư Eugene Genovese nhận xét: “Nhiều người đàn ông da trắng khởi đầu

bằng việc quan hệ tình dục với một cô gái da đen, khai thác đến tận cùng tình yêu của cô ta và những đứa con cô ta sinh ra” [12; 435]. Những cuộc hôn nhân dị chủng – pha trộn giữa hai dòng máu thường hiếm khi tiến triển tốt đẹp trong các đồn điền, tuy vẫn có số ít trong thành phố và thị trấn. Ở bất cứ đâu, nó đều được xem là điều đáng hổ thẹn.

Quan trọng hơn, chế độ nô lệ củng cố chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đó là một bằng chứng của sự thấp kém vốn đè nặng lên tất cả đàn ông và phụ nữ da đen và vẫn tồn tại cho đến khi người da đen giành được tự do của họ. Chế độ nô lệ cũng thổi phồng những ác cảm của người Mỹ da trắng về nguồn

44

gốc về chủng tộc của người da đen và tạo cho người da đen một vết nhơ khó mà tẩy xóa được.

Chế độ nô lệ còn là một nhân tố duy trì tính bảo thủ, trì trệ của xã hội miền Nam. Chế độ cai quản đồn điền theo kiểu gia trưởng cũ với sự quản lý trực tiếp của các ông chủ vẫn là nét đặc trưng của xã hội miền Nam. Việc quản lý các nô lệ đã tạo nên tính gia trưởng của người đàn ông trong gia đình. Họ tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm đối với gia đình cũng như các nô lệ của mình. Đồng thời cũng tự cho mình quyền quyết định đối với mọi việc trong gia đình. Và người phụ nữ cũng như các nô lệ đều tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của các quý ông. Do đó, chế độ nô lệ không chỉ củng cố chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nó còn củng cố sự phân biệt giới tính, cản trở cuộc đấu tranh đòi bình quyền của người phụ nữ trong xã hội Mĩ.

Như vậy, đi ngược lại với truyền thống tự do, dân chủ của người Mĩ, sự tồn tại của chế độ nô lệ như một sự phản bội lại lời tuyên bố của bản Tuyên ngôn độc lập Mĩ năm 1776 rằng "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình

đẳng" [22; 17]. Bởi “Làm gì còn bình đẳng trên đời khi vẫn còn tồn tại bang tự do và bang công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ” [4; 35]. Và xuất phát từ tư tưởng tự do, dân chủ, nhân dân Mĩ đã sớm hiểu rằng “chế độ nô lệ là một tội

lỗi – một chỗ gãy trong luật pháp của Chúa, giống như nạn rượu chè quá độ, tàn bạo với tù nhân và ngược đãi với người điên… nó là điều không thể chấp nhận vì xã hội đã để cho tội lỗi này vẫn tiếp tục duy trì” [12; 453]. Vì thế,

“phải tống khứ ngay chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ ra khỏi quốc gia mình. Nếu không, ta đang vứt bỏ sự tự do của chính mình” [4; 35]. Nếu như trước đây, chế độ nô lệ là sản phẩm hợp quy luật của chủ nghĩa tư bản Bắc Mĩ thì giờ đây nó lại trở thành vật cản trên bước đường phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự tiến bộ, dân chủ của xã hội Mĩ. Do đó, việc xóa bỏ chế độ nô lệ cũng tất yếu như chính sự ra đời và tồn tại của nó.

45

Một phần của tài liệu Quá trình giải phóng nô lệ ở mĩ (1986 1865) (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)