Về chất lượng

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 38 - 41)

Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

2.2.2. Về chất lượng

Năm 2003, toàn tỉnh Hải Dương có 24840 người có trình độ cao đẳng trở lên. Trong đó trình độ cao đẳng là 7.350 người; đại học 18705 người; sau đại học là 785 người, trong đó thạc sĩ 653 người, tiến sĩ là 132 người [26, tr. 135]. Đến năm 2009 số lượng tăng lên là 37.477 người. Trong đó trình độ cao đẳng là 9985 người, đại học là 26292 người, trên đại học là 1200 người, trong đó thạc sĩ là 994 người, tiến sĩ là 206 người [ phụ lục 1].

Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và tin học đang đặt ra những thách thức rất lớn cho đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương. Điều này đang là thực trạng chung của đội ngũ trí thức Việt Nam. “Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, về sự thành thạo tiếng Anh trong nguồn nhân lực, Việt Nam được 2,62 điểm, đứng ở vị trí thấp nhất 12/12 nước trong khu vực” [29, tr. 225]. Qua đó phản ánh chất lượng nguồn nhân lực chung còn nhiều hạn chế. Ngoài đội ngũ trí thức hoạt động trong những lĩnh vực chuyên môn cần đến ngoại ngữ, tin học như công tác giảng

dạy, đối ngoại, du lịch… thì hầu hết đội ngũ trí thức của tỉnh còn bị hạn chế rất lớn. Chỉ có 14395 người có trình độ ngoại ngữ từ bằng A trở lên với tiếng Anh là chính (chiếm 45%), còn các ngoại ngữ khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong lĩnh vực tin học, đội ngũ trí thức sử dụng chủ yếu là tin học văn phòng với hai phần mềm thông dụng nhất là Word và Excel (Powerpoint và các phần mềm chuyên dụng rất ít). Tỷ lệ thường xuyên sử dụng các phần mềm để ứng dụng vào công việc là không nhiều. Có một nghịch lý thường thấy rõ đó là có những cán bộ giữ chức vụ càng cao thì trình độ ứng dụng tin học càng kém, chỉ chủ yếu sử dụng chương trình Word để xử lý văn bản, còn các chương trình khác thì phải thông qua hệ thống nhân viên, tham mưu và chuyên gia.

Công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất được đội ngũ trí thức của tỉnh chú trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa. Ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ về khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đặc biệt trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ngành được đội ngũ trí thức tỉnh thực hiện tích cực đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế xã hội của tỉnh. Số trí thức tham gia vào các cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp, các cơ quan Đảng, Nhà nước đã phát huy tốt vai trò và năng lực của mình, góp phần quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ, tham gia đào tạo là chức năng, nhiệm vụ chính của đội ngũ trí thức, nhưng tỷ lệ tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu khoa học và triển khai còn thấp. Khi tham gia nghiên cứu thì các đề tài còn có nhiều điểm chưa tiếp cận được với trình độ khoa học và công nghệ của khu vực và trên thế giới, khả năng hội nhập còn rất hạn chế nếu không nói là có nguy cơ tụt hậu so với sự phát triển của trí thức trên thế giới.

Đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương có khả năng nhạy bén, linh hoạt, có trình độ để tiếp cận nhanh chóng với những cái mới và cập nhật vận dụng kịp thời. Nhiều người có những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, lập thành công trình nghiên cứu khoa học, đề tài có giá trị ở các cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp Nhà nước.

Trải qua quá trình đào tạo, sử dụng và phát triển, đội ngũ trí thức của tỉnh đã có những đóng góp to lớn trong tổng kết, xây dựng luận cứ khoa học, phát triển lý luận, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh.

Đội ngũ trí thức của tỉnh có lòng yêu nước, luôn trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, họ tin vào sự nghiệp đổi mới, gắn bó với quê hương, tâm huyết với nghề nghiệp và là nhân tố tích cực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Nếu có sự lãnh đạo sát sao, quan tâm thích đáng của Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự quyết tâm và sáng tạo của đội ngũ trí thức vươn lên làm chủ tri thức thì bất kì nhiệm vụ khó khăn, phức tạp như thế nào cũng có thể vượt qua.

Bên cạnh những mặt mạnh, ưu thế cần phát huy thì đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương hiện nay đang đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, cần phải tự hoàn thiện thêm về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ và năng lực công tác. Số cán bộ có trình độ ngoại ngữ còn ít, nhiều người chưa có đủ trình độ để giao dịch quốc tế và khai thác các tài liệu nước ngoài. Có những sở ngành có rất ít cán bộ đạt trình độ học vấn thạc sĩ, tiến sĩ. Hầu như không có những chuyên gia có đủ trình độ, khả năng đảm đương những dự án lớn và thiếu trầm trọng những chuyên gia đầu đàn để đào tạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ kế cận.

Trí thức trong tỉnh nhạy bén, linh hoạt, năng động nhưng ít có điều kiện đi sâu, vươn xa nên không bền và ít có kết quả trong sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hoạt động khoa học thiếu gắn bó mật thiết và chưa đáp ứng

được yêu cầu đa dạng, phong phú của sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong khoa học tự nhiên, công nghệ vẫn còn nhiều sự chậm chễ và bất cập. Số công trình được công bố ở các tạp chí lớn trong và ngoài nước vẫn còn rất hạn chế, có khoảng cách xa so với các tỉnh, khu vực và các nước khác. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được những vấn đề do yêu cầu thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít những tác phẩm xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của các bậc hiền nhân trong tỉnh, lý luận phê bình văn học nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

Trình độ của đội ngũ trí thức trong nhiều cơ quan nghiên cứu, trong các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh còn nhiều hạn chế, tụt hậu so với yêu cầu phát triển của tỉnh và của đất nước, nhất là năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng thực hành.

Một bộ phận trí thức, kể cả những người có trình độ học vấn cao còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan nhiều đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác.

Một bộ phận trí thức trẻ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, thiếu ý chí vươn lên về chuyên môn. Một bộ phận do ý thức tự tu dưỡng rèn luyện kém cộng với những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những luận điểm tuyên truyền xuyên tạc và sự lôi kéo của các thế lực thù địch…đã có những biểu hiện lệch lạc, sai trái về quan điểm, thiếu say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm công dân và xa rời lý tưởng của Đảng.

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w