Củng cố và phát triển các hội trí thức

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 76 - 82)

Ở TỈNH HẢI DƯƠNG HIỆN NAY

3.2.6.Củng cố và phát triển các hội trí thức

Củng cố, phát triển các hội trí thức nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức này trong việc tập hợp, đoàn kết góp phần nâng cao năng lực chuyên môn khoa học, nâng cao và cập nhật tri thức, giáo dục lòng yêu nước, ý thức

trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh là nơi tập hợp và hội tụ trí thức trong tỉnh, ngoài tỉnh và trí thức cả ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc phải nhìn nhận, đánh giá đúng trí thức để kịp thời thông tin với Tỉnh Ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời lựa chọn và giới thiệu những trí thức tiêu biểu để Tỉnh Ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh bồi dưỡng và sử dụng.

Hiện nay ở Hải Dương đã có một số hội, tổ chức của trí thức. Trong đó, Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Hải Dương là tổ chức đầu mối của các hội xã hội – nghề nghiệp (tổ chức phi Chính phủ) được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương thành lập theo quyết định số 49/QĐ – UB ngày 6/5/1997. Hội được thành lập ra có một số nhiệm vụ chính như sau: Phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, kiến thức, tiến bộ về khoa học và công nghệ cho hội viên và cho quần chúng; tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác; tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường, hỗ trợ đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; là cơ quan thường trực Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ và Hội thi sáng tạo kĩ thuật của tỉnh; tổ chức, hướng dẫn, động viên quần chúng tiến quân vào khoa học và công nghệ; tích cực góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, nhất là các tài năng trẻ…

Nhìn chung hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã ngày càng rõ nét và mang lại những kết quả thiết thực.

Tuy nhiên hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội theo tinh thần quyết định 22/2002/QĐ – UB vẫn còn những vướng mắc; nhiều cấp, nhiều ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của các hoạt động này trong xây dựng và thực hiện các dự án phát triển. Mặt khác, kĩ năng, năng lực thực tiễn của các chuyên gia trong Liên hiệp Hội còn hạn chế, thiếu chủ động nên chưa tạo được niềm tin lớn đối với các cơ quan sử

dụng và tư vấn. Năng lực vận động chính sách cũng chưa được chú ý đúng mức trong hoạt động tư vấn của Liên hiệp Hội.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do Liên hiệp Hội được hình thành muộn hơn so với các tổ chức chính trị - xã hội khác, có hệ thống tổ chức mang tính đặc thù, do vậy còn thiếu kinh nghiệm hoạt động. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cấp hội còn thiếu chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ. Mặt khác, việc thể chế hóa nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về những vấn đề liên quan đến khoa học, công nghệ và hoạt động của Liên hiệp Hội còn thực hiện chậm và không được rõ ràng, hoặc không đảm bảo tính khả thi trong thực tế, đã tạo ra những rào cản không đáng có của Liên hiệp Hội.

Vì vậy, cần phải đổi mới tổ chức và hoạt động của các Hội trí thức trong tỉnh nói chung, của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật nói riêng một cách hiệu quả và thiết thực hơn để Hội trí thức này thực sự là nơi trí thức có thể phát huy tối đa tài trí của mình phục vụ quê hương.

KẾT LUẬN

Trong thời đại ngày nay, cùng với tiến bộ xã hội, cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng đã và đang đưa nhân loại chuyển mình sang một nền văn minh mới – văn minh trí tuệ, kinh tế tri thức. Kết quả của cuộc cách mạng đó đã chứng tỏ sức mạnh trí tuệ của con người, do đó, nó cũng đòi hỏi con người phải có trình độ lao động cao hơn mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới. Trong đó, trí thức ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển xã hội.

Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật với những thành tựu hết sức to lớn. Trong đó, tri thức, khoa học công nghệ không chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực quan trọng hàng đầu của sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn trở thành tài nguyên quý giá hơn nhiều so với tài nguyên khác. Sự thay đổi này đang đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới những thời cơ và thách thức mới. Quan niệm phát triển truyền thống dựa vào tài nguyên thiên nhiên,nguồn nhân lực rẻ…đang ngày càng giảm bớt vai trò và thay vào đó là lợi thế phát triển mới – tri thức, khoa học và công nghệ. Người lao động ngày nay phải có kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức, có nghiệp vụ và tác phong công nghiệp, cần cù lao động và sáng tạo để có năng suất cao…Do đó, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là một vấn đề có tính chiến lược, có tính ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Để thực hiện tốt chiến lược này, mỗi quốc gia đều quan tâm tới việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong quá trình phát triển đất nước vì đội ngũ trí thứcvừa là bộ phận của nguồn lực con người, vừa là tiềm năng khoa học, kĩ thuật trực tiếp góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về trí thức, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vị trí và vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong mọi giai đoạn cách mạng. Từ đó Đảng ta đã từng bước lãnh đạo, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh đủ sức giải quyết những vấn đề của đất nước và thời đại. Trong thời gian gần đây, cùng với những cải cách quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, Đảng ta đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Trong nhận thức của mình, Đảng đã khẳng định trí thức là một tầng lớp xã hội độc lập và là một chủ thể bình đẳng trong khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, là động lực cơ bản để phát triển đất nước. Những nhận thức đúng đắn đó đã tạo cơ sở cho việc hoạch định các chính sách của Đảng đối với trí thức. Có thể nói rằng, mục tiêu các chính sách của Đảng đối với trí thức trong giai đoạn hiện nay là tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để sử dụng và phát huy cao nhất năng lực của đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí phấn đấu vì sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng chủ nghĩa xã hội.

Nắm bắt được xu hướng vận động chung của nền kinh tế thế giới, dựa trên những mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta, tỉnh Hải Dương đã rất năng động, nhạy bén với cái mới. Tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về nền kinh tế tri thức, về đội ngũ trí thứccủa tỉnh, về chiến lược thu hút nhân tài… Tỉnh Ủy đã ra nhiều văn bản quy định việc đào tạo, sử dụng, đãi ngộ và đánh giá đối với đội ngũ trí thứcđể phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Trên tinh thần lãnh đạo đó, trong những năm gần đây, Hải Dương đã trở thành tỉnh có năng lực cạnh tranh cao, kinh tế tăng trưởng mạnh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện hơn so với trước đây. Đặc biệt là đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng mà biểu hiện rõ rệt nhất

là liên tục trong những năm gần đây Hải Dương luôn đứng thứ 2, thứ 3 cả nước về số lượng thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng. Đó là niềm tự hào cho cả tỉnh Hải Dương nói chung và cho đội ngũ trí thứctỉnh nói riêng.

Đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương hiện nay đã có môi trường làm việc thuận lợi, yên tâm công tác và có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của quê hương…

Bên cạnh đó, thực tế cũng đã chỉ ra sự phát triển của đội ngũ trí thứctỉnh hiện nay chưa tương xứng và phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cả về mặt số lượng và chất lượng. Đội ngũ trí thứctỉnh có những hạn chế do nguyên nhân khách quan của thời đại mang lại. Do đó, Tỉnh Ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần tìm ra những quyết sách hiệu quả, phù hợp nhằm khắc phục những yếu kém, xây dựng đội ngũ trí thứccủa mình đông đảo về số lượng, sâu sắc về chất lượng. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là một trong những nhân tố hàng đầu để tỉnh Hải Dương thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 76 - 82)