Ở TỈNH HẢI DƯƠNG
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Hải Dương
Hải Dương là một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Đây là một vùng đất có chứa những thành tựu văn minh của nhân dân ta từ xa xưa trong lịch sử, bởi vậy nó có giá trị lịch sử văn hóa rất cao.
Dựa vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy Hải Dương là vùng đất có từ lâu đời, trải qua những biến động của lịch sử về hành chính, Hải Dương có những thay đổi về tên gọi, về địa giới.
Đời Hùng Vương xưa, Hải Dương là bộ Dương Tuyền; thời Hán thuộc quận Giao Chỉ; thời nhà Đông Ngô thuộc Giao Châu; nhà Đường đặt Hải Môn trấn, lại gọi là Hồng Châu.
Nhà Đinh chia làm đạo; nhà Tiền Lê và nhà Lý cũng chia theo nhà Đinh. Nhà Trần đổi làm 4 lộ; Hồng Châu thượng và Hồng Châu hạ, Nam Sách thượng và Nam Sách hạ.
Năm Quang Thái thứ 10 (1397), vua Trần Thuận Tông đổi làm trấn Hải Đông.
Thời kì thuộc Minh (1407 – 1427), Hải Dương thuộc hai phủ Lạng Giang và Tân An.
Nhà hậu Lê: Năm Thuận Thiên (1428 – 1433) vua Lê Thái Tổ cho thuộc Đông Đạo.
Khoảng niên hiệu Diên Ninh (1454 - 1459) vua Lê Nhâm Tông chia làm 2 lộ: Nam Sách thượng và Nam Sách hạ.
Năm Quang Thuận thứ 7(1446) vua Lê Thánh Tông đặt thừa tuyên Nam Sách; năm 1469 đổi làm thừa tuyên Hải Dương; năm Hồng Đức thứ 21 (1479) đổi làm xứ.
Khoảng giữa năm Hồng Thuận (1510 – 1516) vua Lê Tương Dực đổi làm trấn.
Nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Dương Kinh, trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh.
Khoảng niên hiệu Quang Hưng (1578 – 1599) vua Lê Thế Tông đổi làm trấn theo nguyên như cũ.
Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) vua Lê Hiến Tông chia làm 4 đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều và An Lão.
Nhà Tây Sơn đem phủ Kinh Môn thuộc Yên Quảng.
Năm 1802, vua Gia Long đem Kinh Môn thuộc về trấn cũ và lệ thuộc vào Bắc Thành.
Năm 1804, vua Gia Long, dị sở Hải Dương được chuyển từ Mao Điền về tổng Hàn Giang, đặt trên vùng đất cao thuộc ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt với mục tiêu trấn thành án ngữ vùng biên ải phía đông Kinh đô Thăng Long, chính vì vậy có tên gọi là Thành Đông – nghĩa là tòa thành ở phía đông.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, còn hai đạo Đông Triều và An Lão thì đặt làm hai huyện, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chia thành một hạt độc lập và đổi làm tỉnh Hải Dương gồm 5 phủ 19 huyện.
Năm 1887, thực dân Pháp tách một số huyện ven biển của Hải Dương, đặt thành tỉnh Hải Phòng, đến 1906 đổi thành tỉnh Kiến An.
Năm 1968, Hải Dương sáp nhập với Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Trải qua những thay đổi và biến động của điều kiện kinh tế xã hội và trước yêu cầu của sự phát triển, đến tháng 1/1997 tỉnh Hải Dương
được tái lập; tháng 8/1997 thị xã Hải Dương được nâng cấp thành thành phố Hải Dương. Từ 1997 đến nay, tỉnh Hải Dương có 11 huyện là huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn, và Chí Linh và 1 thành phố là thành phố Hải Dương.