Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 29 - 31)

Ở TỈNH HẢI DƯƠNG

2.1.2Điều kiện tự nhiên

Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm ở tọa độ địa lý 20 độ 43 phút đến 21 độ 14 phút vĩ độ Bắc, 106 độ 03 phút đến 106 độ 38 phút kinh độ Đông, trung tâm chính là thành phố Hải Dương cách Hà Nội 60km về phía Tây; cách Hải Phòng 45 km về phía Đông; phía Bắc giáp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; phía Tây giáp với tỉnh Hưng Yên, phía Nam giáp với tỉnh Thái Bình; phía Đông giáp với thành phố Hải Phòng. Theo qui hoạch năm 2007, Hải Dương sẽ nằm ở vùng thủ đô với vai trò là một trung tâm công nghiệp.

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1662 km2, chiếm 0,26% tổng diện tích tự nhiên cả nước.

Về hệ thống giao thông đường bộ, Hải Dương có các đường quốc lộ sau chạy qua: Quốc lộ 5 từ Hà Nội chạy tới Hải Phòng, phần chạy ngang qua giữa tỉnh Hải Dương dài 44,8 km; Quốc lộ 18 chạy từ Hà Nội qua Bắc Ninh, Hải Dương đến vùng than và cảng Cái Lân của tỉnh Quảng Ninh. Phần đường chạy qua Chí Linh dài 20 km; Quốc lộ 37 phần chạy qua Hải Dương dài 65,2 km, Quốc lộ 10 dài 0,9 km là đường cấp III đồng bằng; đường cao tốc từ Hà Nội tới Hải Phòng ( đường 5 mới ) đã hoàn thành.

Về hệ thống đường sắt có tuyến Hà Nội – Hải Phòng chạy song song với đường 5, vận chuyển hàng hóa, hành khách qua 2 ga trong tỉnh Hải Dương; tuyến Kép – Bãi Cháy chạy qua Chí Linh, là tuyến đường vận chuyển hàng nông, lâm, thổ sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc ra nước ngoài qua cảng Cái Lân, cũng như hàng nhập khẩu và than cho các tỉnh này.

Đường thủy có 16 tuyến sông chính nối với các sông nhỏ dài 400km; các loại tàu, thuyền trọng tải 500 tấn có thể qua lại. Cảng Cống Câu công suất 300.000 tấn/năm và hệ thống bến bãi đáp ứng về vận tải hàng hóa bằng đường thủy một cách thuận lợi.

Về đường hàng không: hiện tại đang có nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế lớn nhất đến nay tại Hải Dương, nhằm thay thế sân bay Nội Bài, và là sân bay lớn nhất Đông Nam Á.

Vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông trên đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Hải Dương giao lưu kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế. Hải Dương sẽ có cơ hội tham gia phân công lao động trên toàn vùng Bắc Bộ, đặc biệt là trao đổi hàng hóa với các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đại bộ phận tỉnh là đồng bằng, vùng núi và trung du chiếm 11% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, vùng đồng bằng chiếm 89% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Điểm cao nhất cao 818 m, điểm thấp nhất là 0,5 m với độ cao trung bình là 1,5 – 2 m so với mực nước biển.

Khí hậu Hải Dương mang tính chất nhiệt đới gió mùa. Mưa bão xuất hiện vào các tháng 7, 8, 9 có xuất hiện gió lốc và có mưa đá. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1450 – 1550mm, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23, 40ºC. Hàng năm có các tháng lạnh nhất vào tháng 12, 1, 2. Tần suất sương muối thường vào các tháng 12 và tháng 1.

Tỉnh Hải Dương có 84.900 ha đất tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 64,1%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm 10,77%; diện tích đất chuyên dùng là 16,1%; diện tích đất ở chiếm 6,7% và diện tích đất chưa sử dụng chiếm 7,5%.

Trên địa bàn tỉnh có 10 loại khoáng sản như than đá, quặng sắt, thủy ngân…khoáng sản là nguyên vật liệu xây dựng và nguyên liệu làm sành sứ như đá vôi, sét, đất chịu lửa; khoáng sản kim loại như quặng sắt, than đá.

Dựa trên cơ sở những điều kiện về tự nhiên đã tạo cho tỉnh Hải Dương những thế mạnh về giao thông vận tải và những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Nó trở thành nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp theo hướng bền vững. Đây chính là tiềm năng và động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay tỉnh Hải Dương cần khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi thế về các điều kiện tự nhiên. Vấn đề này đặt ra cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh những yêu cầu nhằm thực hiện hiệu quả quá trình khai thác, sử dụng phù hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như vậy để phát huy những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, cần thiết phải khai thác nó một cách hiệu quả và phù hợp, có chiến lược lâu dài và khoa học. Điều đó đặt ra những yêu cầu to lớn và cấp bách đòi hỏi sự đóng góp nhiều hơn nữa của đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương trong quá trình đổi mới hiện nay.

Một phần của tài liệu Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh hải dương trong sự nghiệp đổi mới hiện nay (Trang 29 - 31)