Tiểu kết chương
3.2 Thành tựu và hạn chế trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam
3.2.1 Thành tựu
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam từ năm 2009 đến nay đạt được nhiều thành tựu, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực.
Về chính trị - ngoại giao, hai bên tiếp tục tiến hành các cuộc thăm viếng chính trị cấp cao khá thường xuyên. Qua các cuộc tiếp xúc góp phần làm giảm bớt sự khác biệt và nghi ngờ, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tạo thuận lợi cho các mối quan hệ khác phát triển. Đặc biệt, năm 2013 hai nước ra Tuyên bố chung, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ
- Việt Nam. Khuôn khổ mới này sẽ giúp tạo ra các cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai nước, nhờ đó nâng cao hiệu quả của mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước đã mở rộng ra cả những vấn đề đa phương và khu vực, hai bên hợp tác chặt chẽ với nhau trong các diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC, ARF, EAS, LMI… nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong khu vực và thế giới, nhất là vấn đề Biển Đông.
Một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp trong quan hệ hai nước là vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đến nay, những khác biệt trong nhận thức và cách tiếp cận với vấn đề dân chủ, nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tuy chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng hai bên đều nhất trí chủ trương thông qua đối thoại để hiểu biết và thu hẹp những bất đồng. Hai bên tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền, để những vấn đề này sẽ không trở thành lực cản cho việc phát triển quan hệ hai nước.
Sự phát triển của quan hệ chính trị - ngoại giao hai nước trong thời gian qua cho thấy chiến lược phát triển đối ngoại đúng đắn của cả hai nước và lý giải tại sao nó nhận được sự đồng thuận của đa số nhân dân hai nước. Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam không phải là ưu tiên hàng đầu ở khu vực, nhưng Việt Nam có tầm quan trọng nhất định trong chính sách “xoay trục” và “tái cân bằng” của Hoa Kỳ và là nhân tố mà Hoa Kỳ không thể bỏ qua trong chính sách của mình tại khu vực. Mặt khác, tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước chính là nền tảng để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác phát triển hơn nữa, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Về Kinh tế, thương mại là lĩnh vực hợp tác thành công nhất giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên nhanh chóng từ 14,364 tỷ USD năm 2009 lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Quan hệ đầu tư cũng có những phát triển mạnh mẽ, năm 2009 Hoa Kỳ là nhà đầu tư số một tại Việt Nam, trong những năm tiếp theo tuy không còn đứng vị trí đầu tiên, song Hoa Kỳ vẫn là một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cả Hoa Kỳ và Việt Nam cùng tích cực tham gia đàm phán TPP cũng có nhiều tác động đến quan hệ kinh tế song phương. Đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ thì Việt Nam là một thị trường mới nổi đầy hấp dẫn, còn đối với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Chính vì vậy, quan hệ kinh tế sẽ là nền tảng quan trọng và tạo thời cơ để Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cao hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Về an ninh - quốc phòng, quan hệ giữa hai nước được nâng cấp từ năm 2010, khi hai nước có những chia sẻ chung về các vấn đề an ninh khu vực. Thông qua các cơ chế đối thoại chiến lược, hai bên chia sẻ những đánh giá về sự biến động của tình hình thế giới cũng như khu vực, trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác trong cả song phương và đa phương. Ngoài ra, quan hệ quân sự giữa hai nước cũng được tăng cường, thể hiện ở việc Hoa Kỳ hủy bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và từ năm 2009 trở lại đây hải quân hai nước đã có nhiều giao lưu, tiếp xúc với nhau thông qua các chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Hai nước cũng đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác khắc phục các hậu quả do cuộc chiến tranh để lại, đó là MIA, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, vấn đề da cam/dioxin. Hai bên thành lập nhiều cơ chế đối thoại và có những hoạt động thực tế để giải quyết các vấn đề đó. Thông qua hợp tác, hai nước từng là kẻ thù sát lại gần nhau hơn, giảm bớt sự nghi kỵ và xây dựng lòng tin giữa hai
nước, khắc phục phần nào những hậu quả do chiến tranh để lại, tạo nền tảng để nâng cao hơn nữa quan hệ hai nước trong những năm tiếp theo.
Sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong vấn đề quân sự những năm qua một phần xuất phát từ những chia sẻ về lợi ích chung giữa hai nước, một phần từ thực tế Hoa Kỳ đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình tại khu vực, vị trí địa - chính trị quan trọng và những tiến bộ nhân quyền của Việt Nam. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ đang coi Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chiến lược an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương của nước này.
Về văn hóa, giáo dục, đây là những cơ hội thuận lợi để tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước. Thông qua hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ, Việt Nam từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học để phát triển một nền kinh tế dựa trên tri thức, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như khoa học - công nghệ, kinh doanh, kỹ thuật…Đối với Hoa Kỳ, trao đổi văn hóa, giáo dục là một phương cách lý tưởng để lan rộng ảnh hưởng của mình đến các nước trên thế giới thông qua “quyền lực mềm”. Những quan hệ đối tác được hình thành trên cơ sở các chương trình học bổng và trao đổi do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ có tiềm năng rất lớn trong phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam và thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước. Càng nhiều sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ học tập bằng sự hỗ trợ của các đối tác Hoa Kỳ và sự tài trợ của Việt Nam thì các mối quan hệ song phương giữa hai nước ngày càng được bồi đắp và tăng trưởng [4; tr.281].
Hợp tác trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, y tế và môi trường giữa hai nước đều có những bước phát triển mạnh, thu được nhiều kết quả tốt, giúp cho tiềm lực khoa học và công nghệ Việt Nam được tăng cường và phát triển. Hai nước cũng đạt được nhiều sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề về y
tế và môi trường. Với sự hợp tác đầu tư của Hoa Kỳ, các chương trình trọng điểm của Việt Nam về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu, nghiên cứu không gian, phòng chống các dịch bệnh…đã đạt được những bước tiến lớn đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng lực của Việt Nam trong một số ngành khoa học, y tế và đối phó với các vấn đề về môi trường. Đặc biệt, năm 2014, “Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự” (Hiệp định 123) chính thức được ký kết là một ví dụ về sự thành công trong an ninh song phương và hợp tác kinh tế, khi mà Việt Nam là thị trường lớn thứ hai về điện hạt nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ sau Trung Quốc, và theo ước tính của Viện Năng lượng hạt nhân Washington, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ mang lại khoảng 10 tỷ USD cho các công ty Hoa Kỳ.
Như vậy, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hai nước đã đạt được những bước tiến rất dài, nhất là trong những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ “cựu thù” trong quá khứ phát triển lên “đối tác toàn diện” hiện nay. Tất cả những thành tựu mà hai nước đạt được trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường và cả vấn đề dân chủ, nhân quyền…là nền tảng cho hai nước trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng đối tác chiến lược trong tương lai.
3.2.2 Hạn chế
Về quan hệ chính trị - ngoại giao: giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều khác biệt, trong đó khác biệt lớn nhất là thể chế chính trị giữa hai nước. Do vậy, về lâu dài, Hoa Kỳ sẽ luôn tìm cách tác động tới thể chế chính trị Việt Nam theo hướng đa nguyên, đa đảng mà một trong những biện pháp mà Hoa Kỳ thường sử dụng là gây sức ép về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm “chuyển hóa” Việt
Nam theo hệ giá trị Hoa Kỳ. Do đó, quan hệ hai nước vừa có hợp tác nhưng cũng vừa có đấu tranh, hai mặt này luôn song hành cùng với nhau.
Trong những năm qua, quan hệ hai nước về nhân quyền đã được cải thiện rõ rệt, song quan niệm về dân chủ và nhân quyền giữa hai nước vẫn còn khoảng cách. Hàng năm, Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra các dự luật về nhân quyền, trong đó có tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Các quan chức Hoa Kỳ liên tục lên tiếng thể hiện mối lo ngại của họ về việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, phản đối Việt Nam xét xử các nhân vật vi phạm pháp luật mà theo Hoa Kỳ là những người bất đồng chính kiến, cho rằng việc cải thiện nhân quyền chính là điều kiện tiên quyết để hâm nóng hợp tác quân sự, bao gồm cả việc bán các vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hoa Kỳ lên tiếng về những việc đe dọa, bắt bớ và tạm giam các blogger, những người chống đối và cả những người biểu tình chống Trung Quốc…Thậm chí Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2013 dựa trên các báo cáo một chiều về tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ không cung cấp viện trợ nhân đạo cho Việt Nam và kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Đây được xem là rào cản lớn nhất trong quan hệ hai nước, nếu hai bên không đối thoại, hài hòa được với nhau thì vấn đề này sẽ tiếp tục là thách thức cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác sâu rộng trong tương lai.
Một trong những rào cản cho quan hệ hai nước xuất phát từ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Đại đa số đều mong muốn vun đắp cho mối quan hệ hai nước, nhưng vẫn còn một bộ phận luôn có thái độ thù địch và ngăn cản quan hệ giữa hai nước. Những người đó phần đa là ngụy quyền hoặc từng gắn bó với chế độ cũ. Họ luôn tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cổ vũ, ủng hộ các tổ chức phản động chống phá Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sử dụng Internet, đòi Chính quyền Hoa Kỳ gây áp lực với Việt Nam
để thả những người vi phạm pháp luật, những kẻ phản động chống phá nhà nước... Đặc biệt, thường xuyên sử dụng chiêu bài “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” để ngăn cản sự phát triển của quan hệ hai nước. Điều này có thể thấy rõ trong việc các dự luật nhân quyền Việt Nam được thông qua rất nhanh ở những nơi có sự tham gia của người Hoa Kỳ gốc Việt trong chính quyền.
Về quan hệ kinh tế, mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển, song Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này gây phương hại tới lợi ích của Việt Nam trong việc tham gia vào các thể chế và các hiệp định kinh tế khu vực cũng như toàn cầu, và gây cản trở cho quan hệ hai nước. Đặc biệt, cùng với tiến trình quan hệ kinh tế một cách sâu rộng, nhất là triển vọng TPP sẽ được ký kết vào cuối năm nay, thì những cọ xát lợi ích cũng như khác biệt giữa hai bên cũng gia tăng. Việt Nam luôn nằm trong danh sách những nước bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam và tạo ra những khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi mong muốn thâm nhập sâu hơn vào Hoa Kỳ, đồng thời làm cản trở tiến trình tăng cường quan hệ kinh tế nói riêng cũng như quan hệ song phương nói chung. Về phía Việt Nam, mặc dù những năm qua nền kinh tế đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại nhiều bất hợp lý trong cơ cấu kinh tế và các chính sách đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng…Tình hình thực tế này, ở một mức độ nào đó sẽ có tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Về quan hệ an ninh – quốc phòng, thực tế những năm qua cho thấy, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, quan hệ hai nước trên lĩnh vực này vẫn còn một
số hạn chế, hợp tác quân sự hai nước chủ yếu là đối thoại, ngoại giao chứ chưa thực sự đi vào thực chất, chiều sâu.
Trong lịch sử, Hoa Kỳ và Việt Nam từng đối đầu trong chiến tranh, do vậy giữa hai nước luôn có sự thiếu tin tưởng và nghi kỵ lẫn nhau. Việt Nam luôn có tâm lý lo ngại, đề phòng về ý định và cam kết của Hoa Kỳ, cảnh giác trước nguy cơ “diễn biến hòa bình” hoặc “âm mưu lợi dụng quyền tự do dân chủ”, nên nhiều mục tiêu Việt Nam đặt ra chỉ mới dừng ở lại mức cam kết hay quyết tâm của lãnh đạo chứ chưa được thực hiện kiên quyết. Phía Hoa Kỳ cũng chưa chấp nhận nhiều vấn đề trong nội bộ Việt Nam.
Quá khứ chiến tranh tiếp tục là một đặc điểm không nhỏ trong xây dựng và phát triển quan hệ hai nước. Khi quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam phát triển, hầu hết các vấn đề di chứng chiến tranh đang từng bước được giải quyết, song chưa được giải quyết triệt để, đó là vấn đề tháo gỡ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và vấn đề chất độc da cam/dioxin. Thực tế những năm qua đã ghi nhận những cố gắng của hai nước, trong đó có cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ hai nước trong những nỗ lực nhằm khắc phục phần nào những hậu quả do chiến tranh để lại. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn rất nhỏ bé so với những gì còn sót lại đối với môi trường và con người Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận chất độc da cam/dioxin chính là nguyên nhân gây ra hậu quả cho hàng ngàn người khuyết tật Việt Nam, chối bỏ việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, do đó các khoản tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ chi cho công tác khắc phục hậu quả da cam/dioxin tại Việt Nam luôn được đưa ra