Quan hệ đầu tư

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 56)

Tiểu kết chương

2.2.2 Quan hệ đầu tư

Bên cạnh hoạt động thương mại, từ năm 2009 quan hệ đầu tư giữa hai nước cũng bắt đầu tăng mạnh. Hiện nay Hoa Kỳ nằm trong danh sách 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam suy giảm không đáng kể. Đây cũng là năm Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 43 dự án được cấp mới, 12 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD, vượt xa các đối tác đầu tư nước ngoài truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Năm 2010, Hoa Kỳ đứng thứ 7 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có số dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với 556 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký là 13,075 tỷ USD và năm 2011 là 13,34 tỷ USD (trong đó có thêm 37 dự án mới và 15 dự án đăng ký tăng vốn). Sang năm 2012, Hoa Kỳ có thêm 35 dự án mới, với số vốn đăng ký mới là 67,80 triệu USD và 13 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 57,44 tỷ USD. Như vậy, tính trong năm 2012, Hoa Kỳ có 639 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng

ký là 10,468 tỷ USD và tổng số vốn điều lệ là 2,502 tỷ USD, đứng thứ 8 trong tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam [104].

Trong giai đoạn này, FDI của Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam có sự sụt giảm, từ vị trí số một xuống vị trí thứ bảy, thứ tám là do các nguyên nhân sau: Về phía Việt Nam, do kết cấu hạ tầng, khoa học, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, sự bất ổn của nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, tăng trưởng bất ổn định…cũng là những lý do khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém hấp dẫn hơn các nước khác; Về phía Hoa Kỳ, sau khủng hoảng tài chính, nền kinh tế Hoa Kỳ phải chịu những thách thức lớn, với sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực tài chính bị mất cân đối nghiêm trọng. Do đó, mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước liên tục tăng trưởng, song quan hệ đầu tư lại có xu hướng suy giảm.

Năm 2013, đánh dấu nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam có sự khởi sắc trở lại khi các công ty nhượng quyền thương mại của Hoa Kỳ bắt đầu có sự hiện diện tại Việt Nam như KFC, Subway, Burger King, Pizza Hut, Pizza Domino…Nhiều công ty đã rót dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam. Trong năm 2013, Hoa Kỳ có 674 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam (trong đó có 33 dự án mới), với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 10,619 tỷ USD và tổng số vốn điều lệ là 2,561 tỷ USD, đứng thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam [104].

Năm 2014, Hoa Kỳ có 712 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,92 tỷ USD và xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Hoa Kỳ khoảng 15,35 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3

triệu USD/dự án [88]. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ảnh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam do có một số công ty Mỹ như: Intel, Coca Cola, Procter &Gamble, Chevron, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông...

Sang năm 2015, nguồn vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, tính đến ngày 20/3/2015, Hoa Kỳ có 735 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,06 tỷ USD, xếp thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam [104].

Dòng vốn FDI của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào ba ngành chính: dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến và chế tạo; kinh doanh bất động sản. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh...

Bên cạnh các nguồn FDI từ các công ty Hoa Kỳ, nguồn đầu tư của người Hoa Kỳ gốc Việt cũng có những dấu hiệu khởi sắc, tuy quy mô chưa lớn, song cũng có một số công ty đã thành công và tạo được thương hiệu riêng của mình tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến hai công ty Quality Systems Incorporated (QSI) thành lập nhà máy xử lý các chất bán dẫn và International Consumer Products chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm, dầu thơm…Những công ty này đã góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước và đưa quan hệ thương mại hai nước đạt được những thành tựu lớn hơn, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoa Kỳ nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả đạt được

vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tình hình vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh các chính sách, tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tổ chức các diễn đàn để doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, tiếp xúc nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác và chú trọng khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư.

Có thể nói, trong bức tranh tổng thể quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam, lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư là mảng sáng màu nhất, phát triển nhanh chóng nhất và đạt được nhiều thành quả to lớn, thiết thực. Từ năm 2009 đến nay, Hoa Kỳ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ bảy của Việt Nam, nhưng kết quả đạt được vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Theo thống kê, trị giá buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (chỉ 1%). Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là đối tác xếp thứ 23 về xuất khẩu hàng hóa và thứ 40 về nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này. Tuy nhiên, với những nỗ lực của hai nước, nhất là việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013, hứa hẹn cả hai nước sẽ đạt được những thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới. Đặc biệt, khi TPP được ký kết, sẽ tạo ra sức hút mới đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc được hưởng lợi từ cắt giảm các dòng thuế quan và sự minh bạch của thị trường được gia tăng sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w