Một số lĩnh vực hợp tác cụ thể

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 66 - 73)

Tiểu kết chương

2.3.2Một số lĩnh vực hợp tác cụ thể

2.3.2.1 Vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh

* Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).

Đây là vấn đề nhân đạo quan trọng được Chính phủ Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu, thậm chí nó là một trong những điều kiện được đưa ra để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Từ năm 2009, Việt Nam tạo điều kiện và tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để tìm kiếm MIA trên các vùng biển của Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 12/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates danh sách 13 điểm có thể

tiến hành khảo sát, khai quật hỗn hợp mà trước đây Việt Nam do sự nhạy cảm về quân sự chỉ tiến hành khai quật đơn phương. Đặc biệt, tháng 7/2009, lần đầu tiên Việt Nam cho phép tàu hải quân Mỹ USNS Bruce Heezen cùng tham gia với Bộ Tư lệnh Hỗn hợp Tìm kiếm POW/MIA Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm các phi công Hoa Kỳ mất tích ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Ngày 19/11/2010, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam chính thức ký kết Bản ghi nhớ với mục đích thoả thuận hợp tác trong việc tìm kiếm và xác định các quân nhân Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Theo các điều khoản hợp tác, USAID sẽ cung cấp 1 triệu USD để hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong vòng 2 năm giúp các cơ quan chính phủ của hai nước hợp tác trong các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tìm kiếm và xác định quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Tính đến hết năm 2013, hai bên đã tiến hành hơn 100 đợt hoạt động chung, điều tra 4.241 lượt vụ (trong đó có 42 vụ ngoài biển), khai quật hỗn hợp 685 lượt vụ (gồm 8 vụ ngoài biển), 53 đợt điều tra đơn phương (với 818 lượt vụ), 6 đợt khai quật đơn phương với 8 vụ tại các khu vực hạn chế, 61 đợt hợp tác điều tra 3 bên với Lào, Campuchia, sưu tầm và nghiên cứu 27.035 thông tin liên quan đến MIA… Qua các đợt khai quật, đã có 945 bộ hài cốt được trao trả cho phía Hoa Kỳ và phía Hoa Kỳ giúp đỡ nhận dạng được 700 trường hợp [92]

Phía Hoa Kỳ cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam bằng việc trao cho Việt Nam gần 200 tập tài liệu liên quan đến việc tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh, cùng nhiều tư liệu về hình ảnh cuộc chiến mà phía Hoa Kỳ ghi lại được. Ngoài ra, các tổ chức cựu binh Hoa Kỳ cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam mất tích và hỗ trợ về tài chính để nâng cao khả năng nhận dạng hài cốt.

* Vấn đề rà phá bom mìn.

Từ năm 1999, Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác với Việt Nam rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại từ trong chiến tranh, trước hết là viện trợ trang thiết bị phục vụ việc dò tìm, xử lý bom mìn cho Việt Nam.

Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia được Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều nhất với hơn 80 triệu USD trong hoạt động hợp tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Năm 2015, Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ 10 triệu USD cho Việt Nam (trong đó 8 triệu USD hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị) để khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại [106].

Chính phủ Hoa Kỳ cũng ghi nhận đề nghị của Việt Nam về nghiên cứu “Chiến lược hành động về mìn giai đoạn 2010- 2020” và “Chương trình hành động 2010 - 2015” của Việt Nam xây dựng kế hoạch hợp tác giữa hai nước một cách hiệu quả, giúp tư vấn mô hình quản lý, vận hành, giáo trình và quy mô đào tạo cho hai trung tâm đào tạo rà phá bom mìn ở miền Bắc và miền Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm về rà phá bom mìn dưới nước ở gần và xa bờ… Phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam bộ dữ liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu không quân của Mỹ sản xuất. Đây là hồ sơ hoàn thiện và chính xác nhất có được cho đến nay về hoạt động ném bom của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh trong những năm 1960 – 1970. Bộ dữ liệu này có thêm lượng hồ sơ nhiều hơn khoảng 20% so với những gì đã được xác định trước đó. Trong đó độ chính xác được cải thiện rất nhiều với tọa độ mục tiêu trong vòng 100m. Bộ dữ liệu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Việt Nam đánh giá sơ bộ mức độ tồn lưu bom đạn sau chiến tranh, như Đại sứ David Shear nói “Với bức tranh chính xác hơn về ô nhiễm bom mìn, chúng ta có thể làm việc khôn ngoan và hiệu quả hơn” [105].

Hoa Kỳ và Việt Nam phối hợp mở các lớp tập huấn về rà phá bom mìn nhằm củng cố và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm về nhận biết bom

mìn, các vật liệu nổ còn sót lại; các biện pháp tháo gỡ, bảo vệ, vận chuyển, tiêu hủy, an toàn; các biện pháp về phòng ngừa thương tích và cấp cứu người bị thương do bom mìn và vật nổ… Tổ chức các chương trình giáo dục về nguy cơ bom mìn tới từng địa phương, khu vực chịu hậu quả lớn từ bom mìn còn lại sau chiến tranh, nhất là tổ chức các buổi giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.

* Vấn đề chất độc da cam/ dioxin.

Cùng với sự phát triển trong quan hệ hai nước, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin theo đúng phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Được thành lập từ năm 2007, với nhiệm vụ kêu gọi và thúc đẩy sự quan tâm của công luận và chính phủ hai nước tìm cách giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin một cách thỏa đáng và hòa bình, nhóm Đối thoại Việt Nam - Hoa Kỳ về chất độc da cam/dioxin tập trung thực hiện 5 nhóm vấn đề ưu tiên: Góp phần cải thiện đời sống của những người Việt Nam bị khuyết tật bao gồm cả những người có thể bị nhiễm chất độc dioxin thông qua các phương pháp chuẩn đoán, điều trị và hòa nhập xã hội; Chính phủ hai nước hợp tác để khống chế và làm sạch dioxin ở ba sân bay ưu tiên là điểm nóng về ô nhiễm dioxin (sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát - Bình Định); Thiết lập một phòng xét nghiệm dioxin hiện đại ở Việt Nam; Thúc đẩy các chương trình đào tạo nhân lực về việc phục hồi và sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học; Vận động giáo dục công chúng Hoa Kỳ về vấn đề này.

Từ khi thành lập đến nay, Nhóm Đối thoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm đánh giá tình hình, xem xét, thảo luận các dự án nghiên cứu, chương trình khắc phục hậu quả da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe; tổ chức nhiều đoàn hỗn hợp gặp gỡ, vận động, tuyên truyền, tham gia vào các

cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ …nhằm nâng cao nhận thức trong công chúng, các quan chức, các tổ chức và doanh nghiệp Hoa Kỳ về thực chất vấn đề da cam/dioxin ở Việt Nam, cũng như nhu cầu to lớn và những giải pháp về tài chính, công nghệ, phương tiện khoa học và sự cần thiết của việc hợp tác giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả da cam/dioxin.

Một thành công lớn của Nhóm Đối thoại là thành lập và công bố “Bản Tuyên bố và Chương trình hành động” 10 năm (2010 - 2019) vào ngày 16/6/2010. Bản tuyên bố nhằm thực hiện hai mục tiêu chính là làm sạch đất bị nhiễm dioxin, khắc phục hệ sinh thái đã bị tàn phá và mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật có liên quan đến chất độc da cam/dioxin, những người bị các khuyết tật khác cùng với gia đình của họ, được thực hiện qua ba giai đoạn, tổng kinh phí dự kiến là 300 triệu USD.

Tháng 1/2011, phòng phân tích dioxin có độ phân giải cao được xây dựng ở Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, tổ chức Atlantic Philanthropies và Quỹ Bill and Melinda Gates. Đây là cột mốc đánh dấu nỗ lực quản lý môi trường của Việt Nam, cho phép có thể đánh giá chính xác nồng độ dioxin và các chất độc hữu cơ khác trong đất, trầm tích, và cơ thể con người.

Tháng 5/2011, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam ký kết Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, với mục tiêu làm sạch đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, ngăn ngừa phát tán chất ô nhiễm ra không khí và nguồn nước, bảo vệ sức khỏe người dân xung quanh và các nhân viên làm việc trong sân bay. Dự án sử dụng 43 triệu USD nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Hoa Kỳ và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam trị giá 35 tỷ đồng. Dự án sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 9 - 12/2012, đến ngày 19/4/2014 Việt Nam và USAID tiến hành đóng điện trong giai đoạn 1 của dự án và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, dự kiến dự án sẽ kết thúc vào năm 2016.

Chính phủ hai nước còn hợp tác chặt chẽ trong “Ủy ban tư vấn hỗn hợp Hoa Kỳ - Việt Nam”. Đây là một diễn đàn song phương về đối thoại khoa học cấp cao về chất da cam/dioxin, giúp hai chính phủ hiểu rõ hơn về mức độ bị phơi nhiễm chất độc này, đồng thời đưa ra những khuyến nghị dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về sức khỏe con người và các tác động đối với môi trường của chất độc da cam/dioxin.

Hàng năm, Quốc hội Hoa Kỳ cam kết tăng thêm tài chính cho các hoạt động phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin, cụ thể: 3 triệu USD (2009), 15 triệu USD (2010), 18,5 triệu USD (2011), 20 triệu USD (2012) và 29 triệu USD (2014) [107]. Những khoản ngân sách này tuy không đủ so với nhu cầu rất lớn cho việc khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin tại Việt Nam và được thông qua dưới hình thức hỗ trợ các hoạt động y tế, song nó có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự thừa nhận của Chính quyền Mỹ đối với sự tàn phá của chất độc hóa học do chiến tranh để lại cho môi trường và sức khỏe con người Việt Nam.

Có thể nói, với mối quan hệ ngày càng được mở rộng và tăng cường trên nhiều lĩnh vực, vấn đề da cam/dioxin cũng được nhận thức sâu sắc và quan tâm mạnh mẽ ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam, không chỉ các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ mà còn có các cá nhân, doanh nghiệp hai nước. Trong những năm qua, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả của chất da cam/dioxin ngày càng được tăng cường. Hai nước đang cùng chung sức hỗ trợ và khắc phục, nhằm góp phần làm giảm và loại dần khỏi cuộc sống nỗi đau nhức nhối do hậu quả của chất da cam/dioxin để lại đối với môi trường sinh thái và sức khỏe của con người Việt Nam. Để khắc phục triệt để hậu quả da cam/dioxin vẫn cần một thời gian dài, cần những nỗ lực và nguồn lực lớn, song cả Hoa Kỳ và Việt Nam đang nỗ lực cùng nhau giải quyết vấn đề này. Sự hợp tác trong giải quyết chất da

cam/dioxin sẽ là một cơ hội để hai nước hiểu nhau hơn, bỏ qua những nghi kỵ từ quá khứ, đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa “hậu quả da cam trong nhiều năm đã là vấn đề chia cắt chúng ta, bây giờ trở thành vấn đề để đưa chúng ta xích lại gần nhau”.

2.3.2.2 Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo

Năm 2005, Việt Nam ký Thỏa thuận huấn luyện đào tạo quân sự quốc tế (IMET). Theo chương trình này, Việt Nam tập trung ưu tiên cử các học viên quân sự chuyên ngành tiếng Anh, quân y và kỹ thuật sang Hoa Kỳ đào tạo. Ngoài ra, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 12/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố Việt Nam sẽ tham gia Chương trình tài chính Quân sự Quốc tế (FMF) mà trước mắt là trong lĩnh vực đào tạo quân sự. Tháng 3/2010, Chính phủ Hoa Kỳ thông báo cấp 500.000 USD đối với FMF cho Việt Nam trong tài khóa năm 2009 có thời hạn đến hết ngày 30/8/2018 [1; tr.28].

Từ năm 2009 đến nay, có khoảng 7 lượt tàu hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam. Trong các chuyến thăm, hải quân hai nước có các hoạt động diễn tập chung, chủ yếu tập trung vào các hoạt động trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực điều khiển và bảo trì tàu, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thi đấu thể thao, …Bên cạnh đó, hai bên tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, trao tặng quà cho các cơ sở nhân đạo ở địa phương.

Có thể nhận thấy trong những năm qua, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng phát triển nhanh chóng và vượt bậc so với giai đoạn trước. Thể hiện rõ nhất của tiến triển này là qua các chuyến thăm ở cấp cao nhất của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện quan hệ hai nước. Với việc Hoa Kỳ nới lỏng

một phần lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam cho thấy giới chức Hoa Kỳ đã có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và thể hiện sự gia tăng lòng tin trong quan hệ, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 66 - 73)