Tiểu kết chương
3.3 Triển vọng phát triển quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam
Mặc dù, quan hệ hai nước còn tồn tại nhiều hạn chế, song triển vọng phát triển của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là rất to lớn và đang từng bước được hiện thực hóa một cách chắc chắn.
Về quan hệ chính trị - ngoại giao, triển vọng quan hệ hai nước là tươi sáng, với những tín hiệu đáng mừng như năm 2010, lần đầu tiên trong Báo cáo quốc phòng, Hoa Kỳ xác định Việt Nam là nước cần xây dựng quan hệ chiến lược mới và trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đề xuất việc thiết lập quan hệ chiến lược Hoa Kỳ - Việt Nam.
Năm 2013, quan hệ hai nước có bước ngoặt lớn khi quan hệ Đối tác toàn diện được thiết lập, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, tiếp xúc ở tất cả các cấp và ủng hộ việc tăng cường các cơ chế đối thoại và hợp tác. Đây là điểm tựa tạo nên sức bật cho mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong những năm tới, khi mà chủ trương nâng cao quan hệ hai nước đang ngày càng được nhiều người trong giới chính trị Hoa Kỳ ủng hộ.
Năm 2016, Tổng thống B. Obama sẽ rời khỏi nhiệm sở, tuy nhiên chính sách đối với Việt Nam được dự báo là sẽ không thay đổi. Do tăng cường quan hệ với Việt Nam đều là chủ trương của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, điều này có thể nhận thấy trong chính sách của Hoa Kỳ từ sau khi bình thường hóa đến nay. Trải qua ba đời Tổng thống là Bill Clinton, G.W.Bush và hiện nay là B.Obama, đều thuộc hai Đảng khác nhau, nhưng lãnh đạo hai nước đều quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương. Do vậy, dù cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới có kết quả như thế nào thì chính sách đối với Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Dân chủ, nhân quyền tiếp tục là lĩnh vực nhạy cảm trong quan hệ hai nước và Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ việc gây áp lực với Việt Nam về các vấn đề
này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà Hoa Kỳ gặp phải nhiều thách thức lớn thì ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ không phải là quyền lợi về giá trị mà là lợi ích quốc gia và Việt Nam có nhiều đổi mới trong nhận thức và hành động liên quan đến vấn đề này thì quan hệ hai nước trên lĩnh vực này sẽ dần được cải thiện và không trở thành nhân tố chi phối quan hệ hai nước.
Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đây sẽ là dấu mốc để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới. Theo đó, chuyến thăm Hoa Kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ là sự kiện quan trọng, đánh dấu mối quan hệ hai nước đi vào chiều sâu hơn. Bởi, việc người đứng đầu Đảng cầm quyền của một nước có chế độ chính trị đối lập và đã từng là kẻ thù thăm chính thức Hoa Kỳ, sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho những kết quả đã đạt được trong những nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hai nước thời gian qua.
Về quan hệ kinh tế, sau khủng hoảng năm 2008, mặc dù nền kinh tế có sự suy giảm, song Hoa Kỳ vẫn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam không những bị giảm đi mà có xu hướng gia tăng. Điều đó chứng tỏ lòng tin của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam.
Năm 2010, trong Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách sáu “thị trường kế tiếp” để thúc đẩy xuất khẩu. Có thể nói, đây là cơ hội rất lớn của Việt Nam để phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ. Trên thực tế, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đã đạt tới 36,3 tỷ USD, so với 415 triệu USD năm 1995. Dân số Việt Nam năm 2014 đạt hơn 90 triệu người, dự báo trong những năm tiếp theo sẽ vượt mức 100 triệu người. Với số lượng dân số như vậy, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trong khi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất và lớn nhất của Việt Nam. Việc hai nước tích cực tham gia đàm phán TPP cùng với 10 quốc gia khác, mở ra một cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân và chiếm tới khoảng 40% thương mại cũng như GDP toàn cầu. Nếu TPP được ký kết vào cuối năm 2015 sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho các mặt hàng của cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Hơn nữa, năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành. Sau khi thành lập, với quy mô thị trường với hơn 600 triệu dân, tổng GDP hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD, đây sẽ là trung tâm phát triển kinh tế đầy tiềm năng, năng động và là điểm hấp dẫn đối với doanh nghiệp các nước. Việt Nam với vai trò là hạt nhân tích cực trong Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ là thị trường được nhận sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, năm 2013 Việt Nam lần đầu tiên tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo nên nền tảng lợi ích cho các quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Với triển vọng hoàn tất 14 “Hiệp định thương mại tự do” (FTA) trong giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế toàn cầu rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 nước thành viên G20.
Về quan hệ an ninh – quốc phòng giữa hai nước đã và đang được định hình ngày càng rõ nét. Mối quan hệ này được phát triển trên nền tảng lợi ích chung của hai nước trong việc hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Trong những năm qua, quan hệ an ninh – quốc phòng hai nước đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, việc thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách
quốc phòng và Đối thoại chính trị - an ninh – quốc phòng thường niên trở thành kênh mới cho các cuộc đối thoại cấp cao về quân sự hai nước và Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011 được coi như nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước trong thời gian tới.
Như trên đã nêu, trở lực lớn nhất trong quan hệ an ninh – quốc phòng hai nước chính là vấn đề lòng tin. Thực tế, trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, thách thức trật tự, hòa bình cũng như vị thế của Hoa Kỳ ở khu vực, Hoa Kỳ sẽ cần phải cân nhắc lại, đưa các lợi ích chiến lược lên trên các giá trị khác trong quan hệ với Việt Nam. Do đó, trong những năm tiếp theo, nếu cả hai bên cùng nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược thông qua những hành động hợp tác cụ thể, tăng cường đối thoại để hiểu nhau hơn, giải quyết thỏa đáng những khác biệt tồn tại giữa hai nước, và nếu cả hai bên đều nhìn nhận đối phương như một đối tác quan trọng trong khu vực, thì chắc chắn hợp tác an ninh – quốc phòng hai nước sẽ vượt qua được những trở ngại, hướng tới quan hệ chặt chẽ hơn, sâu sắc hơn.
Triển vọng của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trên các lĩnh vực khác như
văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, y tế và môi trường cũng rất khả quan. Sự kết hợp giữa văn hóa và giáo dục, trong đó văn hóa là nội dung còn giáo dục là hình thức hợp tác sẽ được đẩy mạnh. Hai nước đã có những chương trình trao đổi thường xuyên về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, trong đó giáo dục là một trong những lĩnh vực có nhiều chương trình trao đổi lớn và quan trọng nhất. Các chương trình học bổng của chính phủ hai nước hay của các tổ chức phi chính phủ tài trợ, các chương trình trao đổi văn hóa, giao lưu nghệ thuật giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Trong khi đó, Việt Nam với sự nới lỏng các quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, có các chính sách và hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác cũng như ủng hộ, khuyến khích
công dân Việt Nam hay Việt kiều, nhất là thế hệ trẻ học tập, lao động ở Hoa Kỳ mang văn hóa Việt Nam đến Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới.
Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác thực chất về khoa học – công nghệ, môi trường, y tế, trong đó tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu, hạt nhân dân sự và các chương trình phòng chống HIV/AIDS. Trong Tuyên bố chung năm 2013, nhà lãnh đạo hai nước cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên mọi phương diện. Hoa Kỳ tiếp tục kết hợp với Việt Nam tăng cường những nỗ lực chung trong bảo vệ môi trường, phòng chống các dịch bệnh mới nổi, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông…trong đó, hợp tác về khoa học hạt nhân tiếp tục là nội dung quan trọng trong quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam.
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam cho đến nay mặc dù đã trở thành đối tác toàn diện, nhưng quan hệ song phương nhìn chung vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, tuy đã xây dựng được những nền tảng căn bản nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa khai thác hết tiềm năng của mỗi nước. Trong năm 2015, cũng như những năm sau đó, hai nước cần phải cùng nhau tiếp tục nỗ lực để quan hệ song phương đạt được những phát triển thực chất và sâu sắc hơn. Theo đó, Hoa Kỳ và Việt Nam cần:
Thứ nhất, thúc đẩy việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước, thông qua việc tiếp tục và tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, duy trì các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước trong cả quan hệ song phương và đa phương. Những rào cản trong quan hệ hai nước chủ yếu xuất phát từ việc hai bên có thể chế chính trị, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khung giá trị khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp của khu vực hiện nay, nhất là sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần hạ thấp những khác biệt đồng thời đề cao những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược. Năm 2015, hai bên cần tăng cường các cuộc
đối thoại, tiếp xúc ở tất cả các cấp độ và các kênh quan hệ, không chỉ ở kênh Chính quyền mà còn cả kênh Đảng. Mặc dù chưa có thông báo chính thức, nhưng chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống B. Obama trước khi rời khỏi nhiệm sở sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược.
Trong quá trình tăng cường hợp tác, để tránh những nghi kỵ của các nước về việc phát triển quan hệ giữa hai nước, nhất là trong an ninh - quốc phòng, Hoa Kỳ và Việt Nam nên hướng mối quan hệ vào trong hợp tác khu vực và toàn cầu, trong đó tăng cường hợp tác trong khuôn khổ quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN. Điều này vừa tận dụng được sự ủng hộ của ASEAN, vừa tránh được các vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc.
Thứ hai, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế, hai bên cần có những nỗ lực để thúc đẩy việc hoàn tất được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cần xem xét để sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và cùng hợp tác với nhau xử lý những vướng mắc trong các vụ tranh chấp thương mại giữa hai bên.
Thứ ba, cả Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa để cụ thể hóa các cam kết đã đạt được. Trở lực lớn nhất trong hợp tác quốc phòng hai nước là vấn đề lòng tin và phía Hoa Kỳ vẫn cho rằng vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết. Do vậy, hai bên cần phải tăng cường hơn nữa những cuộc đối thoại để thu hẹp sự khác biệt trong quan niệm về các vấn đề này. Hoa Kỳ cần có cái nhìn cởi mở và toàn diện hơn hơn đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam để nó không trở thành vấn đề cản trở quan hệ hai nước. Việt Nam cũng cần có nhiều động thái hơn nữa trong việc giải quyết những
bất đồng, xây dựng một hình ảnh Việt Nam ngày càng phát triển, cởi mở, thân thiện, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân.
Thứ tư, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ thông qua các hoạt động trao đổi văn hóa, giáo dục cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để tạo nên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bởi thế hệ trẻ chính là những người sẽ dẫn dắt quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Tiểu kết chương 3
Trong những năm qua, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam có những bước phát triển ổn định trong khuôn khổ “Đối tác toàn diện, hữu nghị, hợp tác trên nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.
Trên thực tế, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh chưa được giải quyết, song không vì thế mà làm mất đi triển vọng phát triển trong quan hệ hai nước. Với xu thế vận động của thế giới ngày nay và những nguy cơ an ninh mới nổi, cả Hoa Kỳ và Việt Nam có những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược. Bên cạnh đó, những nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc cải thiện và mở rộng toàn diện mối quan hệ sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam ngày càng phát triển “Tuy hai nước cùng chia sẻ một lịch sử phức tạp, nhưng cũng chia sẻ một tương lai tươi sáng” [76].
Tháng 7/2015, hai nước sẽ tiến hành kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đây được coi là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh việc tích cực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam cần phải làm cho các nước hiểu rằng việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng không vì mục đích kiềm chế hay làm phương hại đến lợi ích của nước khác. Ngoài ra, Việt Nam phải thận trọng trên các lĩnh vực hợp tác để đảm bảo rằng các mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không tạo ra những cản trở cho môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam và đặc biệt là tránh việc để bản thân bị mắc kẹt trong mối quan hệ giữa các nước lớn.
KẾT LUẬN
“Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill quả thật rất đúng với lịch sử đầy những thăng trầm của hai nước đã từng là kẻ thù của nhau như Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngày nay, mặc dù chế độ chính trị vẫn khác nhau, song giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lại có nhiều điểm tương đồng, những “mẫu số chung” trong lợi ích chiến lược tại khu vực và khi lợi ích chung bị ảnh hưởng thì hận thù trong quá khứ sẽ mở đường cho