Tiến trình hợp tác an ninh – quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 60 - 66)

Tiểu kết chương

2.3.1 Tiến trình hợp tác an ninh – quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam

Từ năm 2009 đến nay, nội dung chính trong quan hệ an ninh - quốc phòng được thể hiện cụ thể thông qua các cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo hai nước và các cơ chế đối thoại mới được xác lập.

Trên thực tế, việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng đã được tiến hành từ trước, với việc Bộ trưởng Phạm Văn Trà sang thăm Hoa Kỳ (vào tháng 11/2003). Đến năm 2009, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy. Mở đầu là chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vào tháng 12/2009. Trong chuyến thăm này, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đồng thời bày tỏ sự hài lòng về quan hệ an ninh - quốc phòng của hai nước trong thời gian qua. Phía Hoa Kỳ đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác tích cực, có hiệu quả của Việt Nam trong vấn đề POW/MIA.

Trong năm 2010 và 2011, hai nước tiếp tục tiến hành các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ chế hợp tác tiếp tục được thúc đẩy, mở rộng và củng cố theo hướng chất lượng, đi vào chiều sâu với phương châm “đối tác hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt”. Nổi bật là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (tháng 10/2010) và chuyến thăm của Giám đốc Học viện Quốc phòng Hoa Kỳ, Phó Đô đốc An E. Rônđô (ngày 7/4/2011). Về phía Việt Nam, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington DC (tháng 4/2010) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những cuộc tiếp xúc quan trọng với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhằm nâng cao hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Tiếp đó, vào tháng 9/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp Quốc kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển

Thiên niên kỷ và Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ hai tại New York và có các hoạt động tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Bên lề Hội nghị APEC, Chủ tịch nước cũng có cuộc tiếp xúc với Tổng thống B. Obama nhằm tăng cường quan hệ Việt - Hoa Kỳ. Ngày 6/10/2011, Trung tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ và có bài phát biểu tại Học viện Quốc phòng Washington về chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Tiếp nối những sự kiện và thành công đó, việc Đô đốc Cecil D. Haney, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương sang thăm Việt Nam vào năm 2012 và nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 6/2012) của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quan hệ an ninh - quốc phòng hai nước. Trong bối cảnh hai nước đang tìm kiếm tăng cường hợp tác, việc ông Leon Panetta - Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đầu tiên tới thăm cảng Cam Ranh kể từ năm 1975 được xem là một động thái mang tính biểu tượng cao, cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước được cải thiện rõ rệt “Ngày hôm nay tôi có mặt ở đây để khẳng định mối quan hệ đối tác quốc phòng với Việt Nam”. Ông đánh giá cao vai trò quan trọng của cảng Cam Ranh trong chính sách chuyển hướng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ “Việc tàu Hải quân Hoa Kỳ tiếp cận cảng Việt Nam là một phần quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, và chúng tôi thấy tiềm năng rất to lớn cho việc này tại Việt Nam” [14; tr.121-122].

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông nhấn mạnh Hoa Kỳ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, đồng thời mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Do đó, Hoa Kỳ muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam, cụ thể là bằng Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng mà hai nước ký kết

năm 2011. Hai bên nhất trí tập trung nỗ lực vào 5 lĩnh vực: tiếp tục các cuộc đối thoại cấp cao; an ninh hàng hải; hoạt động tìm kiếm cứu nạn; hoạt động gìn giữ hòa bình và trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Bộ trưởng cũng tuyên bố muốn hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề hàng hải quan trọng, trong đó có việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông và cải thiện tự do lưu thông hàng hải.

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vào tháng 12/2013 được coi là sự đánh dấu việc mở rộng hợp tác an ninh giữa hai nước. Đáng chú ý nhất, Ngoại trưởng công bố một gói hỗ trợ trị giá 18 triệu USD cho Việt Nam nhằm tăng năng lực triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và các hoạt động khác. Sự hỗ trợ này sẽ bắt đầu bằng việc huấn luyện nhân lực và cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013), hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác về quốc phòng và an ninh, cam kết triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương được ký năm 2011. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ và đối thoại chính trị - an ninh- quốc phòng song phương, nhằm đánh giá quan hệ quốc phòng và an ninh và thảo luận về hợp tác trong tương lai, nhất trí mở rộng hợp tác cùng có lợi, nhằm tăng cường năng lực trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thiên tai. Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 2014. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực chống khủng bố; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có chống cướp biển, buôn lậu ma

túy, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã; ứng phó với tội phạm công nghệ cao và vấn đề an ninh mạng.

Sang năm 2014, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao tiếp tục diễn ra sôi nổi. Trong tháng 8/2014, hai Thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse đến Việt Nam trao đổi các vấn đề an ninh song phương và khu vực. Tiếp đó là chuyến thăm của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Scot Marciel. Đặc biệt, Từ ngày 13 - 16/8/2014, lần đầu tiên đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Hoa Kỳ do Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam. Trong các cuộc hội đàm với các lãnh đạo cao cấp Việt Nam, Hoa Kỳ khẳng định quan hệ quốc phòng giữa hai nước mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi bên. Hai bên cũng trao đổi về những vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, cùng thống nhất quan điểm ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không đơn phương sử dụng sức mạnh, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực. Khẳng định Hoa Kỳ cam kết hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong 5 lĩnh vực đã thỏa thuận, đồng thời sẽ nỗ lực cùng với Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh. Hoa Kỳ cũng ủng hộ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, mong muốn hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và giúp Việt Nam giải quyết những thách thức về bảo vệ chủ quyền trên biển. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ tìm ra lộ trình và cách thức để sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Năm 2015, quan hệ an ninh – quốc phòng hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Thông qua chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang (tháng 3/2015) và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter (từ ngày 31/5-2/6/2015), hai bên thống nhất tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác cũ và tăng cường các cơ chế hợp

tác mới về trao đổi đoàn cấp cao, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác trên lĩnh vực an ninh, cảnh sát, nội vụ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Kết quả đạt được là Thư thỏa thuận về việc Cục điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) chuyển giao phần mềm giám định gen AND cho Cảnh sát biển Việt Nam được ký kết. Đặc biệt “Tuyên bố tần nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ” được ký kết giữa Bộ Quốc phòng hai nước để định hướng cho việc mở rộng quan hệ song phương dựa trên các nguyên tắc lợi ích chung, nắm bắt các cơ hội mới, đáp ứng các thách thức của thế kỷ XXI, và ủng hộ Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ một cách rộng lớn hơn. Bản Tuyên bố được ký trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, gồm 5 nội dung: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.

Với mục tiêu tăng cường hiểu biết chung về những vấn đề khu vực, quốc tế và có quan điểm thống nhất hơn về nhiều vấn đề quan trọng những vấn đề đa phương và song phương cũng như những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Từ đó, cùng nhau tạo dựng khuôn khổ mới cho quan hệ song phương, góp phần làm giảm thiểu những bất đồng, sự khác biệt giữa hai nước và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề đa phương trong khu vực và thế giới. Bắt đầu từ năm 2008, Đối thoại chiến lược Hoa Kỳ - Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao - an ninh - quốc phòng lần đầu tiên được tổ chức, đến năm 2009, hai bên nhất trí về việc thiết lập cơ chế Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng và tổ chức Đối thoại lần đầu vào quý 2/2010. Đến nay,

Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại chiến lược, trong đó có bảy cuộc Đối thoại về Chính trị- An ninh- Quốc phòng (kể cả lần thứ nhất diễn ra vào năm 2008) và năm cuộc Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng quốc phòng, tập trung chủ yếu vào các nội dung:

Về đánh giá tình hình thế giới và khu vực: Hai bên tập trung thảo luận và đánh giá các vấn đề liên quan đến tình hình trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, như: chống khủng bố, an ninh trên biển, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu… Hai bên cũng thảo luận về vai trò của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực và những đóng góp của cả hai bên trong ASEAN.

Về tăng cường hợp tác song phương: Trong các cuộc đối thoại, hai bên tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao; sự tham gia của Hoa Kỳ vào các thể chế khu vực; các sáng kiến an ninh khu vực và quốc tế, gìn giữ hòa bình quốc tế và sự tham gia của Việt Nam; an ninh biên giới, an ninh trên biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; hợp tác chống khủng bố, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia; đối phó với các thảm họa thiên nhiên, khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng cường các chuyến tàu hải quân Hoa Kỳ tới Việt Nam và các hoạt động liên quan...

Trong Đối thoại chính sách quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Washington DC vào ngày 19/9/2011, “Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương một cách thiết thực” (MOU) được ký kết. Bản ghi nhớ có tính chất định hướng sự phát triển quan hệ quốc phòng giữa hai nước, thống nhất việc hướng tới phát triển quan hệ quốc phòng tập trung trên năm lĩnh vực: Thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; An ninh biển; Tìm

kiếm cứu nạn; Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa.

Về tăng cường hợp tác đa phương: Hai bên trao đổi và đánh giá vai trò và hoạt động của các cơ chế khu vực như ASEAN, ARF, ADMM+, EAS… nhất trí tăng cường thúc đẩy hợp tác hai nước trong các cơ chế khu vực và toàn cầu, trong đó có các cơ chế ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Về các vấn đề còn tồn tại: hai bên sẽ tiếp tục trao đổi trong các phiên đối thoại khác như vấn đề dân chủ, nhân quyền, sự cần thiết phải có các biện pháp củng cố và xây dựng lòng tin trong hợp tác an ninh, mức độ và vấn đề trong hợp tác quốc phòng…

Tuy còn có sự khác nhau trong quan điểm và cách tiếp cận vấn đề trên một số lĩnh vực như dân chủ, nhân quyền, tập trung nhiều vào bày tỏ quan điểm cũng như chính sách, chưa đi sâu vào giải quyết một số vấn đề trong hợp tác khu vực và quốc tế... Song các cuộc đối thoại được tổ chức với tinh thần thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau, từng bước củng cố sự hiểu biết và lòng tin giữa hai nước, có tác động tích cực tới sự phát triển của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trên các lĩnh vực khác

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w