Sự vươn lên của “phần còn lại” của thế giớ

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 25 - 27)

Những năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh sự suy giảm sức mạnh của Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của Trung Quốc, thế giới còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của một số quốc gia trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là các nước thuộc nhóm BRICS. Sự vươn lên của các nước BRICS đang được ghi nhận là một trong những xu thế nổi bật của thế kỷ XXI.

BRICS bao gồm các nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm khoảng 30% diện tích thế giới, 42% dân số, gần 18% GDP, khoảng 15% kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo dự báo, tới năm 2050 tổng GDP của nhóm có thể sẽ đuổi kịp, rồi vượt GDP của nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italia và Canađa) [68; tr.31].

Những năm gần đây, trong khi nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, thì BRICS lại nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng, trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Với mức tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục (trung bình hơn 6% mỗi năm), phần đóng góp của BRICS cho tăng trưởng kinh tế thế giới đã tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% trong vòng 10 năm (2003-2013) [80]. Năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nước còn lại cũng đều nằm trong danh sách 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, Brazil được coi là quốc gia đầu tàu của Khối thị trường chung Nam

Mỹ (MERCOSUR), còn Nam Phi là quốc gia phát triển nhất châu Phi và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của 14 nước trong Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Ngoài sức mạnh kinh tế, các nước BRICS đều là những nước có thực lực quân sự mạnh, có công nghệ sản xuất trang thiết bị quân sự hiện đại, trong đó Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là cường quốc hạt nhân.

Với sức mạnh về kinh tế cũng như quân sự, các nước BRICS đều mong muốn xếp đặt lại một trật tự kinh tế thế giới mới - thế giới đa cực (hay đa trung tâm), chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng của các nước phát triển trên trường quốc tế, bằng cách thành lập một hệ thống thanh toán tín dụng riêng bằng nội tệ của nhóm, không dùng đồng USD và EURO trong thương mại và tín dụng nội nhóm nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ và Liên minh châu Âu. Đặc biệt, vào tháng 7/2014, BRICS thành lập Quỹ bình ổn và Ngân hàng Phát triển mới (NDB), không những cung cấp vốn đầu tư cho các nước thuộc nhóm mà còn mở rộng ra cả các nước đang phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào các định chế tài chính do Hoa Kỳ chi phối như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Là những nước mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, BRICS đang nổi lên như một tổ chức có ảnh hưởng lớn đối với đời sống chính trị và nền kinh tế toàn cầu. Trong số 5 thành viên, có hai nước là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai nước Ấn Độ và Brazil là những ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an khi tổ chức này cải cách và mở rộng. Điều này đã làm giảm sút phần nào quyền lực của Hoa Kỳ và các nước phương Tây trên các diễn đàn kinh tế - chính trị - xã hội khu vực và toàn cầu, từ bước phá vỡ thế đơn cực trong kinh tế thế giới, tạo ra thế đa cực, mà mỗi nước trong BRICS là một cực ở trong đó và sự phát

triển của BRICS là một đối thủ rất lớn của Mỹ cũng như tổ chức G7 do Hoa Kỳ đứng đầu.

Cùng với BRICS, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang mở rộng và khẳng định vai trò của mình. Về kinh tế, EU có sức mạnh và khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ. Nhiều nước châu Âu đang muốn thực hiện vai trò ngoại giao cân bằng toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo tư tưởng “chủ nghĩa vị châu Âu”. Sự vươn lên không ngừng của các nước châu Âu là một thách thức lớn cho Hoa Kỳ ở phạm vi thế giới.

Ngoài ra, các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN… cũng có nền kinh tế ngày càng phát triển, từng bước nâng cao và khẳng định vị thế của mình trên quốc tế, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Hoa Kỳ và là những thách thức không nhỏ cho Hoa Kỳ ở phạm vi khu vực.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 25 - 27)