Vai trò ngày càng lớn của ASEAN

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 27 - 35)

Từ lâu, khu vực Đông Nam Á luôn là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Đặc biệt từ khi tổ chức ASEAN được thành lập, Hoa Kỳ luôn tìm cách nâng cao mối quan hệ với khu vực này. Đối với Hoa Kỳ, một chiến lược tổng thể đối với châu Á là không thể đủ nếu thiếu đi một chính sách bền vững và rõ ràng đối với ASEAN. Bởi Hoa Kỳ nhận thức được rằng đây là một khu vực được nhiều quốc gia lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chú ý tới và cạnh tranh với nhau để có lợi ích cũng như đặt ảnh hưởng của mình. Do đó, Hoa Kỳ không thể coi nhẹ những lợi ích của mình tại khu vực có vị trí chiến lược này. Cuối tháng 9/2013, bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (diễn ra tại New York - Mỹ), Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc gặp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh:

“Không nghi ngờ gì nữa, ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này cũng là trung tâm của chiến lược tái cân bằng mà Hoa Kỳ đang hướng tới khu vực này. Đó luôn là ưu tiên của Tổng thống

Barack Obama” [94].

Trong thương mại và đầu tư, ASEAN tham gia trực tiếp vào tự do thương mại toàn cầu. Đây có thể nói là một yếu tố vừa mang lại thuận lợi nhưng cũng đầy rẫy thách thức đối với nền kinh tế của các nước trong ASEAN. Vì, các thành viên trong khối có sự phụ thuộc rất lớn vào nền thương mại toàn cầu. Chỉ riêng Singapo, lĩnh vực thương mại đã chiếm tỉ lệ lớn trong GDP (gấp 3 lần), do đó nền kinh tế sẽ gặp khó khăn nếu thương mại quốc tế bị cản trở.

Đây cũng là khu vực có nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, như eo biển Malacca, Biển Đông và là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn và nguồn tài nguyên sinh học đa dạng nhất thế giới.

Trong an ninh và ngoại giao, ASEAN liên quan rất nhiều đến cấu trúc khu vực, là nhân tố chung trong chính sách cạnh tranh của các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhấn mạnh đến “xu hướng trung tâm của ASEAN” trong thế kỉ XXI là một trong những nhân tố quan trọng để định hướng cấu trúc an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, liên kết ASEAN đã chuyển hướng hành động và thiết thực, đạt được nhiều tiến triển quan trọng trong việc triển khai Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Ngoài ra, ASEAN còn có những cấu trúc hoạt động rất có hiệu quả đang tồn tại mà Mỹ tham gia như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+), các khuôn khổ hợp tác khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+3, ASEAN+1 với nhiều đối tác là những nước lớn, trong đó

bao gồm cả Hoa Kỳ. Ngoài ra, ASEAN cũng có những đóng góp quan trọng tại các diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, Liên hợp quốc… Hơn nữa, ASEAN ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc, giữa ASEAN và Trung Quốc có sự hợp tác ngày càng sâu rộng như: quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN -Trung Quốc, sự ra đời của ASEAN+3… Điều này khiến cho ASEAN trở thành khu vực được Hoa Kỳ chú ý đến. Ngoài Hoa Kỳ, các nước khác như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ cũng luôn tìm mọi cách tiếp cận sâu rộng với khu vực này bằng các chính sách ngoại giao rất hấp dẫn. Những điều này có ảnh hưởng rất lớn và đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ tại khu vực được đánh giá là mô hình liên kết khu vực thành công nhất chỉ sau EU và là khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động bậc nhất thế giới này.

Do có vị trí địa - chiến lược quan trọng, vai trò của ASEAN ngày càng được tăng cường trong bối cảnh mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được nhiều nước lớn trên thế giới quan tâm và tăng cường sự hiện diện. Sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và việc thiết lập, mở rộng các cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực đã tạo cho ASEAN có vai trò trung tâm và là nhân tố thúc đẩy hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, sự thành công của từng nước ASEAN trong phát triển kinh tế và vai trò của khối trong việc duy trì nền hòa bình và ổn định trong khu vực, nhất là sau khi ASEAN đã mở rộng lên tới 10 thành viên càng làm cho tổ chức này ngày càng mạnh mẽ hơn.

ASEAN là một trong những đối tác chủ yếu, hoạt động có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, như cuộc chiến chống khủng bố. Vì đây là khu vực tập trung nhiều sắc tộc và tôn giáo, trong đó có quốc gia Hồi giáo lớn nhất là Indonesia. Tuy tín đồ Hồi giáo ở đây rất ôn hòa, nhưng vẫn không tránh được tình trạng các nhóm li khai nhỏ tiến hành các cuộc bạo động ở một số nước như Indonesia, Philippin, Thái Lan. Thêm vào đó, các quốc gia ASEAN cũng là những thành viên rất tích cực trong việc giải quyết

các vấn đề xuyên quốc gia như phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng, giải quyết nạn nghèo đói ở châu Phi, các đại dịch, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa…

Đối với Hoa Kỳ, Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược. Thứ nhất, đây là một thị trường và nguồn cung cấp ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, khu vực này là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ thương mại với khu vực này sẽ giúp kế hoạch tăng gấp đôi xuất khẩu vào năm 2015 của Hoa Kỳ trở nên dễ dàng hơn; Thứ hai, là khu vực cạnh tranh mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị giữa các nước lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy đây sẽ là một khu vực có tiềm năng gây mất ổn định toàn cầu; Thứ ba, đây là vùng quá cảnh chiến lược của nguồn dầu mỏ đến từ Trung Đông. Trên thực tế, nền kinh tế ASEAN đã và đang là thị trường thu hút nguồn đầu tư rất lớn từ Hoa Kỳ. Số vốn mà Hoa Kỳ đầu tư vào ASEAN lớn gấp 3 lần so với đầu tư ở Trung Quốc và gấp 9 lần so với đầu tư ở Ấn Độ, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do việc quá chú trọng vào các khu vực khác trên thế giới nên trong những năm qua, Hoa Kỳ đã đánh mất một thị phần đáng kể ở ASEAN từ 20,1% năm 1998 xuống còn khoảng 9,1% năm 2010 [14;tr.140].

Với vai trò ngày càng lớn của ASEAN, việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là khu vực Đông Nam Á là một chuyển hướng mang tính thời đại của Hoa Kỳ nhằm mục đích là duy trì vị trí cường quốc số một thế giới của mình, mở rộng thị trường, giải quyết những khó khăn sau khủng hoảng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển…Đồng thời, Hoa Kỳ cũng nhằm giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác trong chính sách đối ngoại của mình như vấn đề Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên,

Afganixtan…Đặc biệt là mối quan hệ phức tạp với Nga và với một Trung Quốc đang “trỗi dậy” mạnh mẽ.

Việc Hoa Kỳ tập trung chiến lược vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN đã tạo ra bối cảnh mới cho quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, tạo điều kiện và môi trường thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa.

1.3 . Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống B. Obama

Ngày 20/1/2009, Tổng thống B. Obama chính thức tuyên thệ và trở thành Tổng thống thứ 44 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống B. Obama đã phải đối mặt với những khó khăn cả về đối nội và đối ngoại mà chính quyền G.W. Bush sau 8 năm cầm quyền để lại.

Về đối nội: Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ đã có những tác động sâu sắc tới Hoa Kỳ. Sức mạnh kinh tế, một trong những nhân tố vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh tổng thể của nước này bị suy giảm mạnh mẽ.

Cuộc khủng hoảng làm cho thị trường chứng khoán và ngành công nghiệp ô tô - niềm tự hào của Hoa Kỳ tụt dốc, giá nhà đất giảm 1/3 giá trị, các ngân hàng phải hạ mức đầu tư và giá trị cổ phiếu trên thị trường phố Wall sụt giảm nghiêm trọng. Với ngành sản xuất ô tô, các tập đoàn lớn như Ford, GM phải cắt giảm lao động và đệ đơn xin Chính phủ tài trợ hoặc nộp đơn xin phá sản.

Cùng với sự suy giảm của toàn bộ nền kinh tế, GDP của Hoa Kỳ cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ trở lại đây, xuống -2,6% vào năm 2009. Thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục 1.750 tỷ USD trong năm 2009, do phải thực hiện các chương trình cứu trợ và kích thích tăng trưởng kinh tế [58; tr.4]. Cùng với đó có khoảng 4,4 triệu người mất việc trong cuộc khủng hoảng. Vào tháng 11/2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã vượt qua con số 10%, mức cao nhất kể từ năm 1945, sáu tháng đầu năm 2010, tỷ lệ thất

nghiệp vẫn ở mức 9,7% [58; tr.36]. Đây là một vấn đề lớn đặt ra cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải tìm ra biện pháp để giải quyết.

Cho đến nay, nền kinh tế Hoa Kỳ mặc dù đã phục hồi, song vẫn tăng trưởng rất chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao khoảng 7,4% (tháng 7/2013) cao hơn so với hai năm trước khủng hoảng. Tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách tiếp tục là gánh nặng cho Chính phủ Hoa Kỳ, lần đầu tiên Hoa Kỳ bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor hạ mức tín dụng vào tháng 8/2011 từ AAA xuống AA+.

Năm 2013, sự bất đồng về việc thông qua ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo giữa hai Đảng cầm quyền đã gây ra ra cuộc khủng hoảng trong hệ thống chính quyền Hoa Kỳ, mà nguyên chính xuất phát từ chính sách chăm sóc y tế do Tổng thống B. Obama đề xuất (được quốc hội thông qua vào năm 2009). Lần đầu tiên trong 17 năm, một số cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ đã buộc phải đóng cửa (từ ngày 1 – 16/10/2013), gây thiệt hại hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế và gây xáo trộn cho nền chính trị Hoa Kỳ

Để vực dậy nền kinh tế, Tổng thống B. Obama đã đưa ra một trong những giải pháp là tăng cường xuất khẩu với mục tiêu tăng đôi xuất khẩu vào năm 2015, ông nhấn mạnh: “kế hoạch tăng cường xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ giúp củng cố đà phát triển nền kinh tế và hỗ trợ hàng triệu việc làm” [14; tr.133]. Để làm được điều này, Hoa Kỳ buộc phải mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, đa dạng hóa các đối tác xuất khẩu, hướng ra nhiều khu vực khác ngoài các khu vực truyền thống để phục hồi và đưa nền kinh tế phát triển trở lại, trong đó có việc thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế, bao gồm cả song phương và đa phương, trong đó có quan hệ với ASEAN và Việt Nam.

Về đối ngoại: Chính sách toàn cầu chống khủng bố mà chính quyền G.W. Bush thi hành đã đẩy Hoa Kỳ lún sâu vào các cuộc chiến ở Trung Đông, phải đối mặt với nguy cơ khủng bố ở khắp nơi trên thế giới và sự mở

rộng ảnh hưởng ngày càng rõ nét của Trung Quốc.

Trước sự suy giảm nghiêm trọng của vị thế và ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, Tổng thống B. Obama đã thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn chính quyền tiền nhiệm, theo hướng giảm đơn phương, tăng mặt hòa giải và hợp tác đa phương, với phương châm "sức mạnh thông minh" trong đối ngoại, kết hợp tất cả các yếu tố, từ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao. Trong đó quyết định rút quân khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan đã nhận được sự ủng hộ của người dân Hoa Kỳ và dư luận thế giới.

Trong những năm gần đây, châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nổi lên như một khu vực quan trọng mang tính chiến lược bậc nhất thế giới. Do đó, bất kì cường quốc nào cũng muốn sự hiện diện của mình tại khu vực, Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có mối quan hệ lợi ích không thể loại bỏ, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều thách thức mới đe dọa đến lợi ích và vị thế của Hoa Kỳ tại khu vực này. Trong hoàn cảnh như vậy, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống B. Obama đã thiết lập một chiến lược toàn diện đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính sách hướng về châu Á của Hoa Kỳ lần đầu tiên được Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7/2010 “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đến những vùng biển chung ở châu Á và sự tôn trọng của các quốc gia ven biển đối với luật biển quốc tế ở Biển Đông” [77], và được Tổng thống B. Obama khẳng định khi tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama và có tầm quan trọng hàng đầu đối với tương lai, thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ.

cường các mối quan hệ đồng minh an ninh song phương với các đồng minh truyền thống trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…; ii) Tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam…Nhận định quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ song phương có nhiều thách thức nhất và có tính hệ lụy nhất đối với Hoa Kỳ; iii) Tăng cường can dự vào các thể chế khu vực như ASEAN, APEC, LMI…; iv) Mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực, nhằm thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ vào năm 2015; v) Tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực: một mặt, tiến hành “hiện đại hóa” các mối quan hệ quân sự với các đồng minh truyền thống, mặt khác tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương; vi) Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở khu vực.

Sang nhiệm kỳ thứ hai, chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Chính quyền Obama không thay đổi. Tuy nhiên, với những vấn đề mới nổi tại khu vực, nhất là căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phản ứng gay gắt của Trung Quốc ở Biển Đông, chính sách của Hoa Kỳ đã có sự điều chỉnh nhất định. Với sự chuyển dịch này, Hoa Kỳ tập trung vào việc xây dựng cho mình một hình ảnh tích cực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua việc củng cố quan hệ đối tác với các đồng minh cũ và tìm kiếm các đồng minh mới ở châu Á trong những thập kỷ tới. Các trụ cột của chiến lược là xây dựng một “châu Á mở” tại Đông Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Á vào năm 2050, bao gồm tự do và công bằng thương mại, mở rộng sự thịnh vượng,

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w