Quan hệ trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 73)

Tiểu kết chương

2.4.1 Quan hệ trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục

* Trong lĩnh vực văn hóa

Trong những năm qua, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng hợp tác về văn hóa giữa hai nước cũng có những thành tựu đáng lưu ý. Hai nước có rất nhiều chương trình khảo sát, nghiên cứu, quảng bá và trao đổi văn hóa nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Điều đó được thể hiện qua các hoạt động: Năm 2009, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách công tác lãnh sự Janice L. Jacobs và đoàn đại biểu Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ thăm và làm việc tại Việt Nam; Năm 2011 thành lập Trung tâm Hoa Kỳ tại Việt Nam; Năm 2013, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về tự do tôn giáo. Trong buổi tọa đàm “Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu so sánh pháp quyền và tự do tôn giáo Hoa Kỳ - Việt Nam” đã được ký kết giữa trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tổ chức IEG và Đại học Brigham Young (Hoa Kỳ)…

Một trong những hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai nước diễn ra rất sôi nổi là các chuyến lưu diễn của các đoàn nghệ thuật Hoa Kỳ đến Việt Nam, như: chuyến lưu diễn châu Á mang tên Asian Horizones Tour (Các chân trời châu Á) của dàn nhạc giáo hưởng New York Philharmonic (10/2009). Chương trình giao lưu văn hóa Hoa Kỳ - Việt Nam mang tên Lễ hội Âm nhạc Thăng Long và Trao đổi Văn hóa được tổ chức vào năm 2010, nhân dịp kỷ

niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Năm 2013, Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ cho chương trình “Nhịp cầu âm nhạc - kết nối tình yêu” với sự tham gia của Dàn Hợp xướng Thiếu nhi Boston.

Năm 2015, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, nhiều sự kiện văn hóa được diễn ra như: dàn hợp xướng và thính phòng, Học viện âm nhạc Phillips Exeter, bang New Hampshire, có chuyến lưu diễn 14 ngày mang thông điệp “Hòa bình và sáng tạo” tại Việt Nam; vẽ tranh kỷ niệm 20 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam; Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn vở kịch “Tất cả đều là con tôi” của Arthur Miller (ngày 26/5/2015), Festival âm nhạc ASEAN Pride 2015 (diễn ra vào ngày 20/6/2015) do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức…

Bên cạnh những sự kiện diễn ra hàng năm thì phim ảnh và văn học cũng là hai kênh kết nối và trao đổi thông tin văn hóa rất có hiệu quả giữa hai nước. Thông qua sách báo, phim ảnh, các tác phẩm văn học về Việt Nam, công chúng Hoa Kỳ ngày càng biết đến Việt Nam không chỉ là một cuộc chiến tranh mà còn là một đất nước tươi đẹp, mến khách và ngày càng phát triển.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có đóng góp rất lớn trong hợp tác văn hóa giữa hai nước. Với sự bảo tồn những nét văn hóa mang bản sắc dân tộc, họ chính là những người tạo nên những giá trị văn hóa Việt ngay trong lòng nước Hoa Kỳ.

Qua những hoạt động giao lưu và trao đổi những giá trị văn hóa thực sự, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều có nhiều cơ hội chia sẻ các giá trị văn hóa và làm sâu sắc thêm các kết nối của mình theo những cách khác nhau, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thông qua âm nhạc, mỹ thuật, văn học hay các chương trình khác.

* Trong lĩnh vực giáo dục

Hoạt động hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục được bắt đầu từ năm 1997, khi Viện giáo dục Quốc tế (IIE) chính thức lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Từ khi mở văn phòng đại diện, số du học sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ ngày càng tăng. Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ rất đa dạng, có quy mô lớn và uy tín, do vậy các trường học nhất là các trường đại học là địa chỉ thu hút du học sinh Việt Nam. Từ năm 2009, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tiến triển rất tốt đẹp với nhiều kết quả tích cực.

Theo nguồn báo cáo của Open Doors, bản báo cáo thường niên về tình hình và xu hướng du học quốc tế được công bố bởi IIE, số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Hoa Kỳ ngày càng tăng, năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

Nếu như thời kỳ đầu, số lượng du học sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ rất ít, chỉ khoảng vài trăm sinh viên thì đến năm học 2008-2009, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 10 nước có đông sinh viên du học tại Hoa Kỳ, từ vị trí thứ 20, Việt Nam đã nhảy lên vị trí thứ 9 với khoảng 12.823 sinh viên. Đến năm học 2009 – 2010 tăng nhanh từ 12.823 lên 13.112 sinh viên (tăng 2,3 % so với năm học trước). Năm học 2010 - 2011, tăng 14% từ 13.112 lên 14.888 sinh viên, giữ vị trí thứ 8 trong số 10 nước có số du học sinh đông nhất tại Hoa Kỳ. Năm học 2011- 2012, số lượng du học sinh là 15.572 người và năm học 2012-2013 là 16.098 người. Đến năm học 2013-2014, tổng số sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Hoa Kỳ tăng 3%, từ 16.098 lên 16.579 người, đứng thứ 8 trong nhóm 10 nước có số lượng du học sinh đông nhất tại Hoa Kỳ [101].

Bên cạnh việc gia tăng nhanh số lượng sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, các chương trình hợp tác giữa các trường đại học Mỹ và các trường đại học

Việt Nam cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều chương trình học bổng và chương trình trao đổi của hai bên đã và đang được triển khai như:

Chương trình học bổng Fulbright: được bắt đầu vào năm 1992 với mục đích nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam. Chương trình Fulbright Việt Nam đến nay đã được mở rộng, bao gồm năm thành phần: Trao đổi Học giả Hoa Kỳ; Trao đổi Học giả Việt Nam; Chương trình Trao đổi Sinh viên Hoa Kỳ; Chương trình trao đổi Sinh viên Việt Nam; Chương trình Giảng dạy Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Chương trình Giảng dạy Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động nổi bật nhất.

Được thành lập từ năm 1994, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Harvard Kennedy. FETP ở Việt Nam tập trung vào ba sáng kiến trọng tâm: giảng dạy (gồm chương trình Thạc sĩ Chính sách công và đào tạo ngắn hạn cao cấp), nghiên cứu (hướng đến những vấn đề chính sách phức tạp mà Việt Nam đang đối mặt) và đối thoại chính sách (thông qua thảo luận với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và tham gia trao đổi về chính sách công ở Việt Nam). Đến nay FETP đã có 20 khóa đào tạo với khoảng 1.100 học viên đã tốt nghiệp từ chương trình này, hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cấp, các ban ngành và các tỉnh thành Việt Nam. Trong thời gian tới, cả hai bên sẽ nỗ lực để chuyển đổi FETP thành một tổ chức hoàn chỉnh có tên là Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Đây sẽ là trường đại học tư nhân, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, đào tạo cho Việt Nam nguồn nhân lực đủ trình độ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Chương trình học bổng Hubert H. Humphrey: Đây là chương trình học bổng nghiên cứu học tập, không cấp bằng, kéo dài một năm trong các lĩnh vực

công. Hàng năm, tối đa 7 cán bộ của Việt Nam có thể được đề cử cho chương trình này. Những lĩnh vực được khuyến khích tham gia bao gồm: y tế công cộng, môi trường, giáo dục, luật, nhân quyền, chính sách công, chính sách và quản lý công nghệ, quy hoạch đô thị, báo chí, an ninh quốc gia, phòng chống, chữa trị và giáo dục về ma túy.

Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF): được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ theo Đạo luật Quỹ Giáo dục Việt Nam năm 2000, nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục, dành cho công dân Việt Nam theo học các chương trình đào tạo sau đại học hoặc phát triển chuyên môn tại các trường đại học Hoa Kỳ và dành cho các giáo sư Hoa Kỳ tham gia giảng dạy tại các trường đại học tại Việt Nam. Hàng năm Quốc hội Hoa Kỳ dành ngân sách 5 triệu USD cho các hoạt động của VEF cho tới năm 2018. Ngoài ra, 108 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ đã tham gia Hiệp hội các trường đại học đồng minh chia sẻ tài chính và hỗ trợ VEF thực hiện các chương trình của mình. Tính đến tháng 12/2014, VEF đã cấp học bổng cho 503 Nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chương trình sau đại học tại 96 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ [112].

Nhằm tăng cường phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai nước, VEF đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học, tài trợ cho các chuyên gia, đại diện của các tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ đến thuyết trình trong các sự kiện khoa học này tại Việt Nam như: cùng với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức và tài trợ cho Hội nghị Giáo dục Thường niên lần thứ 4 tại Việt Nam (tháng 4/2011) nhằm tăng cường giao lưu giáo dục đại học giữa hai nước, tổ chức Hội nghị Học liệu Mở Quốc tế (tháng 5/2010)…Ngoài ra, VEF còn xây dựng và phát triển các chương trình, dự án như: Xây dựng và chuyển giao thành công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Dự án Học liệu Mở

Việt Nam (tháng 1/2010). Đây là bộ tư liệu giảng dạy và học tập cập nhật với chất lượng cao được cung cấp miễn phí, tạo khả năng tiếp cận với nguồn học liệu mở (dự án bắt đầu từ năm 2005); Hỗ trợ cho Cục Đào tạo với Nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình học bổng theo mô hình của VEF; Hỗ trợ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia xây dựng Hệ thống Quản lý Trực tuyến dựa theo hệ thống của VEF…

Ngoài ra còn có các chương trình trao đổi như: Chương trình khách tham quan quốc tế, Chương trình Diễn giả Hoa Kỳ, Chương trình Chuyên gia Văn hóa, Học thuật và các chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam, học bổng quốc tế do Quỹ Ford tài trợ, học bổng Global UGRAD, học bổng East West Center Fellowship….Hàng năm, thông qua các chương trình này có đến hàng trăm sinh viên Việt Nam được nhận học bổng và theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ.

Một số trường đại học của Việt Nam đã hợp tác với các trường đại học của Hoa Kỳ triển khai các chương trình liên kết đào tạo, cho tới nay có khoảng 20 chương trình liên kết đào tạo ở bậc cử nhân và sau đại học đang được triển khai. Trong số các chương trình liên kết đào tạo, phải kể đến các chương trình liên kết do USAID khởi xướng nhằm củng cố nền giáo dục Việt Nam trong một số lĩnh vực then chốt như: Hợp tác với Đại học bang Arizona, Intel, các nhà tài trợ tư nhân cùng với các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cải tiến phương pháp giảng dạy trong ngành kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên; Hỗ trợ giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam, xây dựng và nâng cấp các trường học và đào tạo nâng cao kỹ năng cho giáo viên tại các trường; Phối hợp với các trường đại học của Việt Nam, Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học bang San Jose, các đối tác cộng đồng và công ty Cisco Systems Inc để cải thiện chương trình đào tạo ngành công tác xã hội tại Việt Nam, xây dựng và triển khai các chính

sách và thực hành về đào tạo ngành công tác xã hội ở bậc đại học, xây dựng khung chương trình học thực tiễn và phù hợp với năng lực, thành lập các trung tâm cấp khu vực về nâng cao chất lượng đào tạo công tác xã hội và phát triển Viện đào tạo kỹ năng cho các cán bộ giảng dạy và quản lý ngành công tác xã hội.

Với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 đào tạo hơn 20.000 tiến sỹ, trong đó có ½ là được đào tạo ở nước ngoài, thì Hoa Kỳ với ưu thế của một hệ thống giáo dục phong phú, đa dạng, uy tín, hiện đại, chất lượng cao, hứa hẹn sẽ là sự lựa chọn của nhiều sinh viên Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tăng nguồn học bổng cho sinh viên Việt Nam và luôn khuyến khích các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ tăng cường giao lưu với các đối tác Việt Nam, tổ chức các kênh thông tin về du học tại Hoa Kỳ một cách đầy đủ và chi tiết nhằm khuyến khích và tăng số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ. Đồng thời chủ trương xây dựng các trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam để sinh viên được tiếp cận với phương pháp và chất lượng giảng dạy của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ngay tại Việt Nam. Điều đó phù hợp với chủ trương của Việt Nam là nâng cấp hệ thống giáo dục của Việt Nam cả về chất lượng đào tạo và quản lý. Trong những năm tới, cùng với việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước, hứa hẹn số lượng sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên, tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w