Quan hệ kinh tế

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 52 - 53)

Tiểu kết chương

2.2 Quan hệ kinh tế

Quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là mối quan hệ phát triển nhanh nhất và cũng có tác động nhiều nhất đến sự phát triển và hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu, còn Hoa Kỳ luôn khẳng định sẽ ủng hộ các công ty Hoa Kỳ, nhất là các công ty dầu khí đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ đối tác toàn diện được xác lập đã tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Một trong những trọng tâm của hợp tác kinh tế giữa hai nước là việc đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được ký kết sẽ tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các mục tiêu phát triển và giúp tạo việc làm ở Hoa Kỳ, Việt Nam cũng như các nước thành viên khác, trong khi tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên trong khuôn khổ một thỏa thuận cân bằng và toàn diện.

Với TPP, kinh tế Hoa Kỳ sẽ có tiền đề để hội nhập một cách sâu rộng, gia tăng lợi ích của mình trong chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại với khu vực, việc thúc đẩy TPP cũng được coi là trọng điểm của chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Còn với Việt Nam, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập vào một khu vực đang nổi lên, có vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng tại khu vực. Xu thế này không chỉ phản ánh lợi ích về kinh tế mà còn phản ánh cục diện chính trị mới, với sự nổi lên nhanh chóng của một số nước hàng đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2015, các cuộc đàm phán TPP đã bước vào giai đoạn cuối. Tất cả các nước đều cam kết sẽ dành những nỗ lực cao nhất để TPP sớm được thông qua trong năm nay. Ngày 23/5/2015, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật trao quyền đàm phán nhanh (hay quyền thúc đẩy thương mại) (TPA) cho Tổng thống B. Obama. Dự luật này cho phép Tổng thống có quyền ký kết các hiệp định thương mại và Quốc hội sẽ biểu quyết tán thành hoặc không tán thành mà không được thay đổi nội dung của các hiệp định. Theo nhận định, việc kết thúc đàm phán toàn diện trong năm 2015 là điều khả thi, khi mà Dự luật trao quyền đàm phán nhanh đã được thông qua và Hoa Kỳ sang năm 2016 sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, chắc chắn Tổng thống B. Obama sẽ quyết tâm kết thúc việc đàm phán trước khi rời khỏi nhiệm sở. Nếu được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu [100].

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 52 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w