Quan hệ thương mạ

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 53)

Tiểu kết chương

2.2.1Quan hệ thương mạ

Thương mại là lĩnh vực thành công nhất trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết năm 2000 và chính thức có hiệu lực vào năm 2001, quan hệ thương mại hai nước không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỷ USD thì đến năm 2009 đã tăng lên tới 14,364 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê, trong giai đoạn 2000 – 2009, kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng hơn 35 lần. Năm 2009, cao điểm của khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 11%, trong khi xuất khẩu của Hoa Kỳ vào hầu hết các nước Đông Nam Á còn lại đều sụt giảm [14; tr.124].

Việt Nam là một thị trường đang nổi lên với dân số trẻ, lực lượng lao động với chi phí thấp, tăng trưởng GDP luôn ổn định, do đó trở thành thị

trường đầy tiềm năng thu hút các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Năm 2010, trong khuôn khổ Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia, Tổng thống B. Obama đã đặt Việt Nam vào danh sách sáu “thị trường kế tiếp” cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil nhằm thúc đẩy tăng trưởng thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế.

Riêng năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đạt 18,6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2009. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tăng gấp nhiều lần so với tổng kim ngạch thương mại 451 triệu USD vào năm 1995. Trong năm 2010, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm trị giá hơn 14,86 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ, tăng 20% so với năm 2009. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tập trung ở các nhóm hàng truyền thống như: dệt may, đồ gỗ, giày dép, thủy sản…Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam năm 2010 đạt khoảng 3,71 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2009. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam gồm: máy móc, thiết bị cơ khí, phụ tùng, bông, vải sợi, các sản phẩm nông nghiệp…Năm 2010, thặng dư thương mại của Việt Nam so với Hoa Kỳ đạt 11,158 tỷ USD, tăng gần 19,5% so với năm 2009. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam xếp thứ 27 trên tổng số 221 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Mỹ [14; tr.47-48].

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục trong những năm qua cho thấy quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp. Điều này được thể hiện rõ qua kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt 21,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2010. Theo quan điểm của Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Francisco Sánchez, thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam nếu không có những hạn chế về nhập khẩu, các thủ tục cấp giấy phép

phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ và đi ngược lại những nỗ lực mở cửa nền kinh tế Việt Nam.

Sang năm 2012, kim ngạch thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD, tăng gấp 14% so với năm 2011 và tăng gấp ba lần kể từ khi Hoa Kỳ khôi phục quy chế “Quan hệ thương mại bình thường NTR” đối với Việt Nam vào năm 2006. Trong năm 2012, Việt Nam là thị trường xuất khẩu đứng thứ 46 của Hoa Kỳ và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 23 vào Hoa Kỳ. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai nước đạt 29,1 tỷ USD, tăng 18,8% so với năm 2012. Việt Nam tiếp tục duy trì mức xuất siêu trong cán cân xuất nhập khẩu sang Mỹ, cao gấp 4,5 lần so với nhập khẩu và mức thặng dư lên tới 18,6 tỷ USD. Trong nhiều năm qua, hàng dệt may vẫn là ngành dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ với trị giá xuất khẩu trong năm 2013 là 8,6 tỷ USD, chiếm tới 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này và chiếm gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước [104]. Một điểm đáng chú ý là mặt hàng điện thoại và các linh kiện của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2013 tăng trưởng khá mạnh mẽ, cao gấp 5 lần so với năm 2012. Ngoài ra, các mặt hàng truyền thống như thủy sản, các sản phẩm gỗ, giày dép…là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Năm 2014, một năm sau khi hai nước tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ thương mại hai nước được nâng cao và đạt được nhiều thành tựu, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 36,3 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,59 tỷ USD [93]. Cuối năm 2015, nếu như TPP được ký kết thì quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ được thúc đẩy hơn nữa, dự đoán đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt tới 50 tỷ USD [14; tr.125].

Có thể khẳng định rằng, từ năm 2009 đến nay, quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam có những dấu hiệu sự tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào việc củng cố và nâng cao mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu trên, quan hệ thương mại hai nước cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quan hệ thương mại được mở rộng, cùng với đó là các tranh chấp thương mại cũng gia tăng, nhất là các vụ kiện bán phá giá ở các lĩnh vực quần áo, giày dép, cá da trơn… của các công ty Hoa Kỳ đối với các công ty Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là một nền “kinh tế phi thị trường”, vấn đề sở hữu trí tuệ và những lo ngại về chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ Mĩ - Việt Nam từ năm 2008 đến nay (Trang 53)