1. SONY 823 2 KEWPIE
3.5. QUYỀN LỢI CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG
Trước khi Luật SHTT được thông qua ngày 29/11/2005, NHNT đơn thuần được hiểu là nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi. Theo Điều 75 của Luật SHTT mới được ban hành thì để một nhãn hiệu được công nhận là NHNT sẽ phải đánh giá dựa trên những tiêu chí cụ thể. Mặc dù những tiêu chí đó mang tính định tính nhưng ít nhiều nó đã nói lên được những hành động mang tính tích cực trong việc bảo hộ NHNT ở Việt Nam. Như vậy, chắc chắn sẽ không ít những câu hỏi được đặt ra là chủ sở hữu NHNT sẽ được hưởng những quyền lợi và những quyền lợi đó có khác so với các nhãn hiệu thông thường hay không. Chúng ta sẽ tìm hiểu một vài điểm dưới đây để thấy được sự khác biệt này:
Thứ nhất, chủ sở hữu NHNT có quyền ngăn người khác đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình cho tất cả các nhóm
sản phẩm hoặc dịch vụ (điều này đã được nói rõ trong phần phạm vi bảo hộ ở trên).
Thứ hai, chủ sở hữu NHNT có quyền ngăn người khác sử dụng nhãn hiệu của mình làm tên thương mại.
Thứ ba, chủ sở hữu NHNT không bị áp dụng quy định sử dụng liên tục trong vòng 5 năm liên tiếp, điều mà áp dụng cho nhãn hiệu thông thường được quy định tại điều 136 khoản 2: Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này và điều 95 khoản 1 điểm d: Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
Tiếp theo, vì NHNT không xác lập dựa trên cơ sở nộp đơn nên chủ sở hữu không phải tiến hành thủ tục gia hạn giống như các nhãn hiệu khác theo điều 93 khoản 6 Luật SHTT: « Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. »
Không phải đương nhiên mà một cá nhân hoặc tổ chức được hưởng chế độ đặc biệt nêu trên mà phải thông qua một thủ tục xác lập tại Cục SHTT. Thông thường chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ tiến hành thủ tục để được công nhận là NHNT trong các trường hợp sau:
Phản đối việc đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT. Trong trường hợp chủ sở hữu NHNT phát hiện ra rằng có bên thứ ba nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bằng cách nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu của mình là NHNT. Chủ
sở hữu NHNT có thể phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc thậm chí cho tất cả các sản phẩm hoặc dịch vụ.
Yêu cầu Cục SHTT hủy nhãn hiệu đã đăng ký. Nếu chủ sở hữu NHNT phát hiện ra rằng có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ tại Cục SHTT thì chủ sở hữu có thể xin hủy nhãn hiệu đó bằng cách nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu của mình là NHNT. Sau khi được công nhận là NHNT, Cục SHTT sẽ thông báo cho chủ nhãn hiệu đối chứng về dự định hủy bỏ nhãn hiệu.
Yêu cầu ngừng sử dụng trái phép nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT. Nếu chủ sở hữu NHNT phát hiện ra rằng có bên thứ ba đang sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình thì có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn việc sử dụng nói trên bằng cách nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu của mình là NHNT.
Tiếng tăm hoặc sự nổi tiếng của một nhãn hiệu là kết quả của việc sử dụng nhãn hiệu này ở đâu đó trên thế giới kết hợp với một sản phẩm hoặc dịch vụ được nhiều người ưa chuộng. Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, đặc biệt là với công nghệ internet, việc quảng cáo, sự phát triển và danh tiếng của một sản phẩm hoặc một dịch vụ thường vượt ra khỏi biên giới quốc gia bán hàng của chủ nhãn hiệu. Do đó, một nhãn hiệu được sử dụng một cách rộng rãi và có danh tiếng ở một quốc gia cũng có thể trở nên nổi tiếng ở các quốc gia nơi mà chủ nhãn hiệu thậm chí còn chưa có ý định sử dụng hoặc đăng ký. Nếu điều này xảy ra, sự nổi danh kéo dài mãi thành công của một nhãn hiệu cũng có thể làm nảy sinh các tình huống bất lợi cho chủ của nhãn hiệu đó. Một mặt, sự bảo hộ các NHNT có thể được mở rộng, vượt ra ngoài biên giới quốc gia nơi nhãn hiệu được sử dụng hoặc được đăng ký. Mặt khác, các NHNT thường dễ là đối tượng của các hành vi xâm phạm quyền SHTT, buộc chủ nhãn hiệu phải dựa vào các biện pháp kiện phản đối
hoặc huỷ nhãn hiệu vi phạm, các lệnh của toà án, hoặc trong một số trường hợp sử dụng các biện pháp sáng tạo hơn để đảm bảo cho việc bảo hộ các NHNT của họ thậm chí ở cả các nước nơi mà sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng không hề có. Luật quốc gia ở các nước theo hệ thống dân luật (nơi điều kiện để được bảo hộ độc quyền thường nghiêng về sự kiện đăng ký hơn là sự kiện sử dụng) có thể sẽ rất phiền hà cho chủ một NHNT. Ở một số nước, những kẻ vi phạm độc quyền nhãn hiệu thường tìm cách chiếm đoạt quyền của chủ sở hữu hợp pháp bằng cách đăng ký các NHNT trước chủ đích thực của các nhãn hiệu này. Việc đăng ký kiểu đánh cắp này sau đó có thể được dùng để ngăn cản người chủ chính đáng của nhãn hiệu sử dụng và đăng ký nhãn hiệu của mình tại nước đó.
Chủ của các NHNT thường gặp phải nhiều vấn đề trong việc bảo vệ nhãn hiệu của họ trên thế giới. Phải đối mặt với những kết quả không thể dự đoán trước như trong các vụ việc trên, chủ nhãn hiệu thường xuyên đứng trước thách thức trong việc bảo vệ các nhãn hiệu có giá trị của mình, thậm chí ngay cả khi các tiêu chuẩn bảo hộ dường như là có lợi cho mình. Trong khi các quốc gia tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn về NHNT, cần phải nâng cao sự nhất quán rằng người tiêu dùng phải là người phán xét quan trọng nhất.