1. SONY 823 2 KEWPIE
3.4.1. Bảo hộ chống lại việc đăng ký
Tại Điều 74.2i Luật SHTT quy định rằng một trong những dấu hiệu không có khả năng phân biệt khi đăng ký nhãn hiệu là Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng’.
Quy định như vậy là phù hợp với thực tế cũng như thông lệ trên thế giới. Để một nhãn hiệu được nhiều người biết đến, nhiều khách hàng lựa
chọn... là một nỗ lục không ngừng nghỉ của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm cũng như các chính sách quảng cáo hiệu quả. Việc tạo cho những nhãn hiệu này một cơ chế bảo hộ rộng lớn hơn các nhãn hiệu không nổi tiếng khác (bao trùm lên cả các sản phẩm, dịch vụ không cùng loại) không chỉ bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp mà còn vì lợi ích của khách hàng và của nhà nước.
Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể những dấu hiệu như thế nào thì được coi là "trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn" với NHNT. Khắc phục điều này, Nghị định 105/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT có hướng dẫn như sau: dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Đối với NHNT, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu: hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang NHNT nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu NHNT. Ngoài ra, ta có thể tham khảo đến bản Khuyến nghị chung của WIPO về bảo hộ NHNT (những nhãn hiệu như vậy được gọi là nhãn hiệu gây xung đột). Theo đó, nhãn hiệu sẽ bị coi là gây xung đột với NHNT khi nhãn hiệu
này, hoặc một phần của nhãn hiệu này, có chứa sự sao chép, sự bắt chước, sự phiên dịch, hoặc sự phiên chữ của NHNT, có khả năng gây nhầm lẫn, nếu nhãn hiệu, hoặc phần cơ bản của nhãn hiệu này, được sử dụng, là đối tượng của đơn đăng kí hoặc đã được đăng kí đối với loại hàng hóa hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu. Không kể đến các loại hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu này là đối tượng của đơn đang kí hoặc đã được đăng kí, nhãn hiệu này sẽ bị coi là xung đột với NHNT khi nhãn hiệu này hoặc một phần cơ bản của nhãn hiệu này có chứa sự sao chép, sự bắt chước, sự phiên dịch, hoặc sự phiên chữ của NHNT, và khi có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
Sự sử dụng nhãn hiệu đó biểu thị một mối liên hệ giữa hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu, là đối tượng của đơn đăng kí, hoặc đã được đăng kí, và của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, và có nguy cơ đe dọa lợi ích của họ;
Sự sử dụng nhãn hiệu đó có khả năng làm suy yếu hoặc lu mờ theo cách không công bằng những đặc tính khác biệt của nhãn hiệu nổi tiếng;
Sự sử dụng nhãn hiệu đó có thể sẽ gây bất lợi cho những đặc tính khác biệt của nhãn hiệu nổi tiếng.
Quốc gia thành viên không bắt buộc áp dụng những quy định trên để quyết định môt nhãn hiệu là xung đột với NHNT, nếu nhãn hiệu đó đã được sử dụng hoặc đăng kí hoặc đơn đăng kí đã được gửi đi trong quốc gia thành viên đối với loại hàng hóa hoặc dịch vụ giống hoặc tương tự với hàng hóa hoặc dịch vụ mang NHNT, trước khi NHNT trở thành nổi tiếng trong quốc gia thành viên ngoại trừ trường hợp nhãn hiệu đã được sử dụng hoặc đăng kí, hoặc đơn đăng kí đã được nộp trong sự không trung thực.
Ngoài ra, có một vấn đề đặt ra nữa là thế nào là ‘có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của NHNT’? Có thể hiểu đấy là việc làm giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu NHNT. Điều kiện hủy bỏ hiệu lực đối với những nhãn hiệu như vậy là ‘Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng
các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ’’ (Điều 96, khoản 1.b Luật SHTT). Thời hạn yêu cầu hủy bỏ là năm năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật Việt Nam chưa có các quy định về đăng ký nhãn hiệu bảo vệ. Thiết nghĩ trong tương lai cần thiết bổ sung khả năng này để bảo vệ có hiệu quả NHNT.
Thực tế ở Việt Nam đã có một số vụ kiện xung quanh vấn đề này như trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu ‘QUỐC THÁI’ (Lâm Đồng) kiện chủ thể khác ở Quảng Nam cũng với nhãn hiệu ‘QUỐC THÁI’ vì cho rằng nhãn hiệu của mình nổi tiếng. Các chứng cứ mà chủ sở hữu nhãn hiệu QUỐC THÁI Lâm Đồng đưa ra để chứng minh là: giấy đăng ký chất lượng; xác nhận về việc nộp thuế; xác nhận về cung ứng bao bì; bản cầu chứng về nhãn hiệu của Phòng lục sự Tòa Thương mại Đà Lạt (1963); quảng cáo trên báo ‘Đuốc Tuệ’. Tuy nhiên những chứng cứ trên chưa đủ để chứng minh nhãn hiệu ‘QUỐC THÁI’ là nổi tiếng, mặt khác, nhãn hiệu ‘QUỐC THÁI’ chỉ nổi tiếng ở Lâm Đồng chứ không nổi tiếng trên phạm vi cả nước. Trên thực tế, luật pháp Việt Nam không quy định rõ phạm vi sử dụng của NHNT là chỉ cần trên một khu vực hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam ?